Ý Kiến

Phải rõ ranh giới điều chỉnh giữa các luật

- Chủ Nhật, 14/06/2020, 21:17 - Chia sẻ
Tôi nhất trí nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, tuy nhiên, cũng còn băn khoăn về tính khả thi của một số quy định.

Thứ nhất, việc xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng còn chậm. Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do việc tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Thông tư số 05/2017 của Bộ Tài chính còn nhiều vướng mắc, khó thực hiện. Phần lớn các công trình vi phạm xây dựng trái phép đều đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng, trong đó có những công trình đã được chủ đầu tư chuyển nhượng cho nhiều người. Việc tổ chức khảo sát, lập phương án tháo dỡ thường mất nhiều thời gian để thực hiện như từ thực tiễn việc tháo dỡ công trình 8b Lê Trực (Hà Nội). Lực lượng công chức địa chính, xây dựng đô thị và môi trường còn thiếu chuyên môn nghiệp vụ, chất lượng chưa đồng bộ dẫn đến việc kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng chưa kịp thời, kéo dài thời gian xử lý vi phạm xây dựng. Do đó, tôi đề nghị có quy định chế tài không cung cấp điện, nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng, các công trình xây dựng trên đất không được phép xây dựng để đảm bảo thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt.

Đồng thời tôi cũng thống nhất các ý kiến cho rằng, việc bổ sung quy định ngừng cung cấp các dịch vụ điện nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình sản xuất, kinh doanh dịch vụ là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thứ hai, về tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay đang bị tình trạng có quá nhiều luật cùng tham gia điều chỉnh về một vấn đề dẫn đến tình trạng mâu thuẫn giữa các luật về cùng một vấn đề. Yêu cầu quan trọng nhất trong điều chỉnh, sửa đổi luật là cố gắng đạt được sự đồng bộ giữa các luật và muốn thế cần đặt ra ranh giới phạm vi điều chỉnh của mỗi luật phải thật cụ thể. Luật Xây dựng phải đồng bộ với các luật có liên quan khác, đặc biệt như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Đất đai... Ví dụ Luật Đầu tư công thì đối tượng điều chỉnh là các dự án đầu tư công, nhưng Luật Xây dựng lại điều chỉnh các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách. Quy định hợp đồng xây dựng trong Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu cùng hướng dẫn đặc biệt là những vấn đề liên quan đến dự án đầu tư như trình tự xây dựng, đầu tư, lập, thẩm định quyết định đầu tư. Cần phân định rõ ràng hơn phạm vi điều chỉnh của hai luật này. Theo đó Luật Xây dựng chỉ điều chỉnh các nội dung có liên quan từ quá trình thực hiện dự án.

Thứ ba, vấn đề bất bình đẳng giữa các chủ thể trong hợp đồng xây dựng. Theo Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu, để giành được một gói thầu và để thực hiện hợp đồng, phía nhà thầu phải thực hiện 4 lần bảo lãnh: Bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh hợp đồng, bảo lãnh thanh toán và bảo lãnh tạm ứng. Nhưng thanh toán chậm, nợ đọng thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư thì vô can. Đây là vấn đề bất bình đẳng trong quan hệ hợp đồng. Vì vậy, tôi đề nghị đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng quy định cơ chế bảo lãnh thanh toán đối với chủ đầu tư. Theo đó, khi khối lượng xây lắp hoàn thành đến 75% giá trị khối lượng xây lắp thì chủ đầu tư phải ký bảo lãnh để đảm bảo đủ vốn thanh toán cho công trình gói thầu. Cơ chế này vừa đảm bảo tính công bằng giữa các nhà thầu và chủ đầu tư, vừa khắc phục, giảm bớt được tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản mà nhiều năm qua chúng ta chưa có biện pháp để khắc phục.

ĐBQH Đặng Hoàng Tuấn (Long An)
L. Anh ghi