87 năm báo chí cách mạng Việt Nam

Phải như bông sen kiêu hãnh, và đừng biến báo chí thành hàng hóa

- Thứ Tư, 20/06/2012, 08:46 - Chia sẻ
* Làm báo là làm chính trị và là làm chính trị rất văn hóa Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, ỦY VIÊN UBTVQH, CHỦ NHIỆM ỦY BAN TÀI CHÍNH VÀ NGÂN SÁCH PHÙNG QUỐC HIỂN cho rằng, trong bối cảnh bùng nổ thông tin và những tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường như hiện nay, để một tờ báo giữ được chính kiến, không chạy theo những thị hiếu phản cảm, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của mình là rất khó. Nhưng báo chí không thể lạc đường vì báo chí nắm giữ trong tay một quyền lực rất quan trọng, đó là quyền lực định hướng dư luận xã hội, hướng dư luận xã hội đến những điều đúng đắn, trung thực và tốt đẹp. Phải giữ được mình, như bông sen đứng giữa bùn, chịu bao gió táp mưa sa mà vẫn kiêu hãnh tỏa hương thơm ngát. Ông tha thiết nhắn nhủ với những người làm báo rằng, đừng bao giờ biến báo chí thành hàng hóa...

PV: Là người rất cởi mở với báo chí, Chủ nhiệm suy nghĩ như thế nào về vai trò của báo chí đối với hoạt động của QH, các cơ quan của QH cũng như các ĐBQH?

 

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển: Tôi đánh giá cao vai trò của báo chí trong đời sống xã hội nói chung, trong hoạt động của QH và các cơ quan của QH nói riêng. Có thể nói, báo chí đã cung cấp rất nhiều thông tin cho ĐBQH, giúp ĐBQH có được những nguồn thông tin phong phú, đa chiều. Bên cạnh những thông tin do Chính phủ cung cấp, báo cáo và những thông tin do các cơ quan chuyên môn của QH cung cấp, thì thông tin của báo chí cho ĐBQH đã trở thành cầu nối quan trọng giữa ĐBQH với cử tri. Có thể thấy rất rõ điều này tại các phiên thảo luận về các dự án luật, đánh giá tình hình KT - XH, chất vấn các thành viên Chính phủ, rất nhiều thông tin ĐBQH nêu ra là do được báo chí cung cấp.

Báo chí còn có một vai trò hết sức quan trọng nữa đó là định hướng dư luận. Điều này rất quan trọng để góp phần định hướng cho người dân có cái nhìn đúng đắn về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự vận động của thực tiễn cuộc sống. Với QH, tôi nghĩ, nếu không có báo chí, cử tri sẽ khó có thể biết được QH đã và đang hoạt động như thế nào, các cơ quan của QH, các ĐBQH hoạt động như thế nào. Báo chí hiện nay không chỉ phản ánh đầy đủ, phong phú và đa chiều các hoạt động của QH, các cơ quan của QH mà còn phân tích, đánh giá rất sắc sảo về chất lượng hoạt động của QH và các cơ quan của QH. Chính báo chí đã góp phần làm cho QH, các cơ quan của QH ngày càng hoàn thiện hơn. Giả dụ bây giờ, nếu sự vận động của xã hội, hoạt động của QH và các cơ quan của QH không có báo chí thì sẽ như thế nào?

Chắc là sẽ buồn và thiếu hụt nhiều lắm.

PV: Như Chủ nhiệm chia sẻ, vai trò của báo chí đối với xã hội, với QH rất quan trọng. Vậy QH, cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước, theo Chủ nhiệm nên cởi mở với báo chí hay là nên dè dặt, có chừng mực thôi?

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển: Hoạt động của QH là công khai và minh bạch. Chúng ta cũng đã từng nói công khai và minh bạch như là thanh bảo kiếm của QH ta. Muốn công khai và minh bạch được thì các hoạt động của QH và hoạt động của các Ủy ban của QH phải được chuyển tải đầy đủ và đa chiều đến người dân. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống báo chí, người dân biết được QH hoạt động như thế nào và từ đó giám sát được QH. Qua kênh báo chí, QH và người dân gần với nhau hơn. Vì thế, tôi rất ủng hộ quan điểm phải cởi mở với báo chí, tất nhiên, có những thông tin về bí mật quốc gia, những vấn đề chưa được thông qua hoặc bàn thảo chưa thật ngã ngũ thì việc trao đổi với báo chí cũng cần phải có sự cân nhắc. Đây không phải là vấn đề dè dặt hay cởi mở với báo chí mà là vì lợi ích chung, bảo đảm những thông tin khi được đưa ra công luận sẽ không tạo ra những dư luận bất lợi cho lợi ích chung.  Tôi biết một số ĐBQH cũng chưa mặn mà lắm với báo chí. Điều này có một phần nguyên nhân từ chính báo chí. Các cơ quan thông tấn báo chí ngày nay cũng có nhiều chiêu trò, rút tít theo kiểu giật gân, dẫn đến việc hiểu sai vấn đề và gây ra những tác động không tích cực. Tôi nghĩ, báo chí cần tránh điều này. Phải phản ánh trung thực, trung thành ý kiến của ĐBQH. Như bản thân tôi, nhiều khi phóng viên muốn phỏng vấn nhưng tôi chưa đồng ý vì tôi chưa có đầy đủ thông tin. Khi chưa có đầy đủ thông tin mà cứ phát biểu thì sẽ ảnh hưởng đến vấn đề nhận thức...

PV: Là người tích cực ủng hộ quan điểm cần phải công khai, minh bạch hoạt động của QH trên báo chí để người dân được tiếp cận nhiều hơn với hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước tối cao. Một lĩnh vực khó và nhạy cảm như tài chính và ngân sách còn có thể công khai minh bạch được thì những lĩnh vực khác nên như thế nào, thưa Chủ nhiệm?

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển: Tài chính, ngân sách cần phải công khai vì đó là tiền của của người dân. Thuế là do nhân dân nộp. Chi tiêu ngân sách cũng là chi tiêu tiền của người dân nên phải  công khai và minh bạch. Chỉ những vấn đề nào đang bàn, đang trong quá trình tranh luận thì phải thận trọng. Có những chính sách thuế đưa ra, nếu như chưa thống nhất mà công khai đưa ra, người dân không đủ thông tin thì sẽ rất khó. Tôi nghĩ, trừ những nội dung liên quan đến bí mật quốc gia còn những vấn đề liên quan đến ngân sách, từ quy trình dự toán đến phân bổ ngân sách thì càng công khai, minh bạch càng tốt. Với các lĩnh vực khác trong hoạt động của QH và các cơ quan của QH tôi nghĩ cũng tương tự như vậy.

Bản thân ĐBQH phải đặt mình trong sự giám sát của người dân. Trong thời đại bùng nổ thông tin thì QH, các cơ quan của QH càng cần phải cởi mở hơn với báo chí. Nếu như có được sự giám sát của người dân ở mức độ cao hơn, chất lượng hơn, thường xuyên hơn thì QH cũng phải nâng cao chất lượng của mình và các đại biểu cũng phải nâng cao chất lượng của mình. Cho nên việc cởi mở hoạt động của QH, UBTVQH, các cơ quan của QH với báo chí là xu hướng đúng đắn và trong UBTVQH đều rất ủng hộ quan điểm này. Ví dụ như cá nhân tôi chẳng hạn, một Kỳ họp không được phóng viên phỏng vấn vài ba lần là cảm thấy buồn, thấy hụt hẫng lắm chứ! Cũng có người đặt vấn đề, QH cởi mở với báo chí là lợi hay hại? Tôi nghĩ là có lợi hơn chứ. Không phải chỉ có lợi hơn cho QH mà còn có lợi hơn cho người dân, có lợi hơn cho xã hội, cho đất nước. Vì qua báo chí, người dân sẽ có thêm một kênh giám sát được hoạt động của QH tốt hơn.

PV: Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Chủ nhiệm sẽ nhắn nhủ điều gì đến những người làm báo nói chung và những người làm báo cơ quan dân cử nói riêng?

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển: Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, để một tờ báo giữ được chính kiến của mình, tôi nghĩ là rất khó. Cũng giống như một mâm cơm, nếu ít món thì dễ chọn còn nhiều món quá thì sẽ rất khó chọn, trong khi đó, khẩu vị của mọi người rất phong phú, chính kiến rất khác nhau. Vì vậy, mỗi người làm báo, mỗi tờ báo phải có một bộ lọc thông tin thật tốt. Thực ra, làm báo cũng là làm chính trị và là làm chính trị rất văn hóa. Điều này đòi hỏi mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí phải có bản lĩnh. Báo chí mà không có bản lĩnh, không có chính kiến, gió chiều nào che chiều ấy hoặc chỉ chạy theo những thị hiếu tầm thường của độc giả mà không định hướng được dư luận thì rất tai hại.

Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi mong rằng, các cơ quan báo chí sẽ luôn giữ vững tôn chỉ mục đích của mình. Nếu xa rời tôn chỉ mục đích, quên đi lý do vì sao lại phải có tờ báo đó thì mình sẽ lạc lõng, sẽ lạc đường. Báo chí mà lạc đường thì nguy hiểm lắm vì các bạn nắm giữ trong tay một quyền lực rất quan trọng, đó là quyền lực định hướng dư luận xã hội, hướng dư luận xã hội đến những điều đúng đắn, trung thực và tốt đẹp. Phải giữ được mình, như bông sen đứng giữa bùn, chịu bao gió táp mưa sa mà vẫn kiêu hãnh tỏa hương thơm ngát. Tất nhiên, để giữ được một tờ báo có chính kiến là rất khó. Nhưng đừng bao giờ biến báo chí thành hàng hóa, dù có là cơ chế thị trường hay bị thương mại hóa tác động như thế nào đi chăng nữa thì tôi cũng mong rằng, báo chí không bao giờ bị biến thành một loại hàng hóa.

Với riêng những người làm báo của Báo ĐBND, tờ báo mà tôi gọi thân mật là báo nhà, báo của mình, tôi mong các bạn luôn phát huy tính sáng tạo, giữ được lập trường, chính kiến của mình, luôn nhớ vì sao chúng ta phải có một Tờ báo là Tiếng nói của QH, cử tri và nhân dân cả nước. Tôi gọi các bạn là báo nhà, nhưng thực ra, Báo ĐBND là tờ báo của nhân dân, tờ báo của QH. Cá nhân tôi đánh giá rất cao những đóng góp của Báo ĐBND đối với hoạt động của QH, các cơ quan của QH. Tôi là độc giả thường xuyên của Báo ĐBND và tôi thấy các bạn có rất nhiều bài viết sắc sảo. Nhiều bài hay lắm. Đọc Báo ĐBND, tôi có thêm nhiều thông tin, nhiều tri thức. Tôi về hoạt động chuyên trách ở QH từ nhiệm kỳ QH Khóa XII đến nay và có điều kiện tiếp cận thường xuyên với báo ĐBND thì thấy, các bạn đã có nhiều đổi mới cả về phương diện nội dung và hình thức, từ  các bài viết phản ánh hoạt động của QH, HĐND, cung cấp thông tin, kinh nghiệm hoạt động cho QH, các cơ quan của QH, của ĐBQH, HĐND, đại biểu HĐND các cấp đến những bài viết chính luận, phân tích, bình luận những vấn đề mà cử tri và ĐBQH quan tâm; thậm chí cả các mảng văn hóa, văn nghệ, kinh tế xã hội, kinh nghiệm hoạt động của nghị viện các nước trên thế giới... đều có nhiều đổi mới, sắc sảo.

Quan trọng hơn là, Báo ĐBND là một tờ báo có chính kiến độc lập và khi đọc tờ báo này độc giả thấy có độ tin cậy rất cao. Điều này là rất đáng quý, nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, có nhiều tờ báo bị thương mại hóa, chạy theo thị hiếu thông thường của số đông độc giả khiến cho tôn chỉ, mục đích, tuyên ngôn của mình bị lu mờ đi. Nhiều khi tôi đọc một tờ báo mà có cảm giác như là tờ báo của chính quyền Sài Gòn cũ, toàn thấy các nội dung liên quan đến tiền, tài, tình, tu, tự tử, không thấy có nội dung gì khác cả, rồi đưa những nội dung, những thị hiếu phản cảm, phản văn hóa. Báo ĐBND tránh được điều đó, không đi vào con đường đó. Các nội dung của Báo ĐBND, dù ở lĩnh vực nào cũng đúng độ và rất có văn hóa, có tính nghệ thuật và tính chiến đấu cao. Điều này làm cho các ĐBQH khi đọc báo thấy gần gũi, có được sự chia sẻ, đồng cảm. Tờ báo chia sẻ cả những thuận lợi và khó khăn với ĐBQH, với các cơ quan của QH chứ không nói một chiều. Cũng có tờ báo chỉ tìm khiếm khuyết để viết. Nhưng các bạn tránh được điều đó, giữ được sự công tâm của một người làm báo, biết đứng ở vị trí nào để đánh giá cái gì đúng, cái gì sai, cái gì cần thận trọng, không làm quá. Tất nhiên, chưa thể nói là hoàn mỹ nhưng Báo ĐBND đã làm được nhiều việc, đã đóng góp tích cực cho QH. Điều tôi ngạc nhiên là, đội ngũ những người làm báo của Báo ĐBND không nhiều, đa số các phóng viên đều còn rất trẻ nhưng bài viết thì sắc sảo, già dặn, có chính kiến rõ ràng. Điều đó là rất tốt. Chúc các bạn luôn giữ được sự trung thực, cái tâm sáng và nhiệt huyết với sự nghiệp của cơ quan dân cử và sự nghiệp của đất nước.

PV: Xin trân trọng cám ơn lời chúc và những tình cảm thân thiết mà Chủ nhiệm đã dành cho những người làm báo!

B.Long thực hiện