Chính sách và cuộc sống

Phải nghiên cứu bài bản

- Thứ Hai, 17/02/2020, 07:41 - Chia sẻ
Số lượng người sử dụng trái phép chất ma túy ở cộng đồng năm 2009 là 25.286 người nhưng đến năm 2018 đã tăng lên gấp đôi, tới 49.210 người. Tương tự, số người nghiện có hồ sơ quản lý năm 2009 là 146.731 người thì đến năm 2018 đã tăng lên tới 225.099 người. “Số lượng tăng rất nhiều. Xung quanh vấn đề này liên quan rất nhiều trong việc xử lý vi phạm hành chính”, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nêu nhận định tại phiên họp gần đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, theo ông Vương, từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành có hiệu lực thì việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy dưới 16 tuổi không được đề cập nữa, biện pháp cai nghiện bắt buộc chỉ còn được áp dụng đối với người từ 18 tuổi trở lên. “Như vậy, người dưới 18 tuổi, trong độ tuổi dễ nghiện nhất, dễ xảy ra các nguy hại cho xã hội thì gần như chúng ta chưa quan tâm, chưa được quán xuyến đầy đủ”, ông Vương cho biết. Thực tế này cũng cho thấy, những đề xuất của dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính về vấn đề này là có căn cứ. Theo đó, đối với biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, dự luật bổ sung đối tượng là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc không có nơi cư trú ổn định; bỏ điều kiện “đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc không có nơi cư trú ổn định” đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với các biện pháp khác, dự luật cũng bổ sung đối tượng người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có nơi cư trú ổn định, người sử dụng trái phép chất ma túy nhiều lần. 

Đúng là số người nghiện ma túy trong cộng đồng, trong đó có không ít trẻ em trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi ngày càng gia tăng đã gây ra những bất ổn đối với tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nhiều địa phương. Làm thế nào để giảm thiểu số người nghiện ma túy trong cộng đồng cũng là yêu cầu cấp bách đặt ra. Dù vậy, nhìn từ góc độ lập pháp có thể thấy khá nhiều bất cập trong các đề xuất kể trên.

Trước hết là về nguyên lý, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định các biện pháp để xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật hành chính. Trong khi đó, nghiện ma túy là một loại bệnh lý chứ không phải là hành vi. Người nghiện ma túy không chắc đã là người sử dụng trái phép chất ma túy. Như vậy, trong trường hợp cần thiết phải quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy thì theo Ủy ban Pháp luật, phải bổ sung điều kiện có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là điều kiện cần để áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Tiếp đó, với các điều, khoản liên quan đến trẻ em, theo Ủy ban Pháp luật, cần cân nhắc thận trọng việc bổ sung quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy nhiều lần và người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy, vì chưa phù hợp với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đối với đối tượng này nên áp dụng các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính để giáo dục, giúp đỡ trẻ sửa chữa sai lầm, thay đổi hành vi, trở thành công dân có ích cho xã hội. Với các trường hợp tự nguyện hoặc có đơn đề nghị của gia đình thì có thể xem đây là một chính sách xã hội - đưa đối tượng này vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc - nhưng không quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính mà quy định trong Luật Phòng, chống ma túy đang được xem xét sửa đổi. Quy định như vậy, theo Ủy ban Pháp luật, vừa bảo đảm tính nhân văn, vừa tuân thủ nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tất nhiên, sự khác biệt trong quan điểm của cơ quan thẩm tra và cơ quan trình dự án luật là bình thường khi một bên có thể quá tập trung vào yêu cầu của thực tiễn quản lý còn một bên phải chú trọng đến sự đồng bộ, tính khả thi, chặt chẽ của các điều luật. Nguyên nhân cơ bản khiến cho các đề xuất của cơ quan soạn thảo chưa đủ sức thuyết phục cũng là bởi, các đề xuất này sẽ làm tăng số lượng người bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng và đưa vào cơ sở giáo dục, làm hạn chế một số quyền cơ bản của công dân nhưng hồ sơ dự án Luật lại không làm rõ được căn cứ, sự cần thiết của các đề xuất sửa đổi, bổ sung. Báo cáo tổng kết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng không nêu thực trạng vi phạm, không đánh giá được tính hiệu quả của các biện pháp này, nhất là trong việc giáo dục hành vi cho người chưa thành niên và cai nghiện cho người nghiện ma túy. Báo cáo đánh giá tác động của dự luật cũng không đánh giá tác động của những sửa đổi, bổ sung này...

Vì thế, dù những đề xuất nêu trên có thể giúp giải quyết được những khó khăn trong công tác quản lý người nghiện ma túy hiện nay, nhưng như Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là biện pháp xử lý hành chính hay là biện pháp có thể tác động xã hội thì “phải được nghiên cứu rất bài bản chứ không thể nói như trong tờ trình và dự thảo Luật được”.

Nguyễn Bình