Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Phải là hướng ưu tiên trong tư pháp dân sự

- Thứ Tư, 27/11/2019, 08:03 - Chia sẻ
Từ thực tế thí điểm, phương thức xử lý tranh chấp, khiếu kiện dân sự qua hòa giải, đối thoại tại tòa án đã khẳng định nhiều ưu điểm và cần thiết được luật hóa để khuyến khích người dân áp dụng, xem đây là hướng đi ưu tiên trong phát triển tư pháp dân sự thời gian tới. Tuy nhiên, vì đây là cơ chế mới nên việc có nên thu phí đối với hoạt động này hay không cũng được một số ĐBQH đặt ra tại phiên họp toàn thể của QH cho ý kiến về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án sáng qua.

Nhà nước bảo đảm kinh phí hòa giải, đối thoại là hợp lý

Theo Tờ trình, Tòa án Nhân dân Tối cao đề nghị Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án, do đó, dự thảo Luật không quy định về phí hòa giải, đối thoại tại tòa án. Tán thành với đề xuất này, nhiều ĐBQH đã chỉ rõ, việc không thu phí hòa giải, đối thoại tại tòa án sẽ giúp khuyến khích người dân lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp mới này.

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phát biểu tại hội trường Ảnh: Quang Khánh

Không tiếp cận dưới góc độ hỗ trợ kinh phí cho người dân mà nhìn từ so sánh giữa chi cho công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án với chi cho quá trình xét xử sơ thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) khẳng định, việc không thu phí hòa giải, đối thoại tại tòa án không chỉ khuyến khích người dân lựa chọn phương thức nhiều ưu điểm này mà còn giúp tiết kiệm ngân sách. Thực tế, theo tính toán hiện nay, mức chi cho một phiên tòa sơ thẩm là 5,5 triệu đồng, trong khi mức chi cho một vụ hòa giải chỉ là 1,2 triệu đồng, tức là ít hơn 3,3 triệu đồng so với chi cho xét xử tại tòa án. Đối chiếu với số lượng vụ việc hòa giải thành công thời gian qua là gần 40.000 vụ, đại biểu nhận thấy, sử dụng cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa án giúp tiết kiệm được cho ngân sách khoảng 132 tỷ đồng. “Mức chi cho một phiên tòa sơ thẩm nêu trên cũng mới chỉ tính riêng tiền lương, tiền công để trả cho các cán bộ tư pháp. Nếu tính đầy đủ mức chi để mở được một phiên tòa sơ thẩm, thậm chí nếu phải mở phiên tòa phúc thẩm, phiên tòa giám đốc thẩm sẽ thấy đã tiết kiệm cho ngân sách rất lớn, thậm chí còn lớn hơn rất nhiều nữa”, ĐB Nguyễn Thị Thủy nói.

Kinh nghiệm trên thế giới cũng cho thấy, để khuyến khích người dân lựa chọn phương thức hòa giải tại tòa án, nhiều quốc gia quy định không thu phí hòa giải. Một số quốc gia có thu phí thực hiện hoạt động này nhưng cũng chỉ áp dụng mức thu thấp hơn nhiều so với án phí xét xử. Đưa ra kinh nghiệm từ quốc gia thành công nhất trong việc phát triển phương thức hòa giải tại tòa án là Singapore, ĐB Nguyễn Thị Thủy chỉ rõ, phương thức này được Tòa án Nhân dân Tối cao Singapore khẳng định giúp tiết kiệm chi phí, thời gian.

Trong các tranh chấp dân sự, công lý không đơn giản chỉ là tuyên ai thắng ai thua. Nhấn mạnh điều này, ĐB Nguyễn Thị Thủy cho rằng, điều quan trọng nhất là Nhà nước phải tổ chức ra các thiết chế để giúp cho người dân hòa giải được với nhau. Mặt khác, với tâm lý của người dân nước ta, dù ở thời điểm đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, quan niệm của người dân vẫn là “vô phúc đáo tụng đình”, không đừng được mới phải đưa nhau ra tòa xét xử. Từ những đặc thù của xử lý tranh chấp dân sự nêu trên, đại biểu khẳng định, phát huy phương thức hòa giải, đối thoại tại tòa án phải được xem là hướng đi ưu tiên trong phát triển tư pháp dân sự ở nước ta thời gian tới. Với một phương thức xử lý tranh chấp dân sự mang lại nhiều lợi ích cho mỗi cá nhân, xã hội và ngân sách Nhà nước này, đại biểu khẳng định, việc không thu phí hòa giải, đối thoại tại tòa án như đề xuất của cơ quan trình dự án Luật là hợp lý.

Chỉ nên hỗ trợ phí thực hiện với người yếu thế

Nhìn vấn đề thu hay không thu phí hòa giải, đối thoại tại tòa án ở khía cạnh khác, ĐBQH Trần Văn Mão (Nghệ An) chỉ ra mâu thuẫn: Luật Trợ giúp pháp lý cũng quy định 14 nhóm đối tượng được miễn dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý, trong khi đó, dự thảo Luật này lại quy định miễn phí hoàn toàn cho các đối tượng tham gia hòa giải, đối thoại tại tòa án. Các đương sự thuộc các nhóm đối tượng yếu thế (hộ nghèo, gia đình chính sách, trẻ em) đúng là sẽ rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, các đương sự khác khi tham gia hòa giải, đối thoại tại tòa án có thể được lợi lên đến hàng chục tỷ đồng cho mỗi bên. Trong những trường hợp này, Nhà nước bỏ tiền thực hiện hòa giải, đối thoại là bất hợp lý. Đại biểu Trần Văn Mão cho rằng, việc bảo đảm kinh phí nếu có thì chỉ nên hỗ trợ trong việc tổ chức hoạt động tổng kết thực tiễn kinh nghiệm, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kiến nghị xây dựng luật và các trường hợp đặc biệt khác, không nên làm miễn phí cho những đối tượng là tổ chức thương mại.

Ghi nhận hòa giải, đối thoại tại tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp dân sự mới, cần có thời gian để đi vào cuộc sống, khuyến khích người dân lựa chọn, nên trước mắt chưa nên quy định thu phí hòa giải, đối thoại tại tòa án, tuy nhiên, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cũng cho rằng, về lâu dài khi Luật có hiệu lực, hoạt động hòa giải đối thoại tại tòa án đi vào hoạt động có hiệu quả trên thực tế thì có thể cân nhắc việc thu một khoản phí với mức thu hợp lý. Bởi, bên cạnh thù lao cho hòa giải viên và thư ký phiên hòa giải, đối thoại tại tòa án, Nhà nước còn phải chi trả nhiều chi phí khác (như phí hành chính, chi phí về cơ sở vật chất, chi phí đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại, chi phí đi lại…). Do chi phí bỏ ra của Nhà nước để thực hiện hòa giải, đối thoại tại tòa án không nhỏ, ĐB Mai Thị Phương Hoa nhận thấy, đến một lúc nào đó, cần có mức thu hợp lý để chia sẻ một phần gánh nặng với ngân sách nhà nước, nhất là với những pháp nhân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính.

“Dự thảo Luật nên quy định theo hướng mở là phí hòa giải, đối thoại tại tòa án được quy định phù hợp theo từng thời kỳ với một số đối tượng nhất định và do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Như vậy, thời gian đầu có thể miễn phí hòa giải, đối thoại, sau một thời gian thực hiện, có thể thu phí đối với một số đối tượng nhất định. Nếu hòa giải không thành, phí hòa giải được chuyển thành một phần của chi phí tố tụng”, ĐB Mai Thị Phương Hoa đề xuất.

Có nên áp dụng thu phí hòa giải, đối thoại tại tòa án hay không cần phải tiếp tục nghiên cứu, giải trình thấu đáo. Bởi lẽ, nếu thu phí như đề xuất của một số đại biểu nêu trên thì cũng có nguy cơ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia giải quyết tranh chấp dân sự. Ngoài ra, như phân tích của ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội), nếu thực hiện thu phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ phải sửa đổi Luật Phí và lệ phí hiện hành. Khi hòa giải không thành, hồ sơ khởi kiện chuyển sang tòa án thụ lý, giải quyết theo thủ tục thông thường, phải nộp án phí, thì sẽ xảy ra tình trạng phí chồng phí. Xét tổng thể, dù Nhà nước phải chi trả mức chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án vẫn thấp hơn rất nhiều so với việc phải đưa ra xét xử tại các cấp, ĐB Nguyễn Hữu Chính khẳng định. 

Thanh Hải