Phải khả thi nhất

- Thứ Sáu, 11/09/2020, 05:28 - Chia sẻ
Khoản 3 Điều 39 của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) hiện đưa ra hai phương án. Trong đó, phương án 1 quy định, kể từ ngày Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31.12.2022.

Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Còn phương án 2 quy định, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Tôi đồng tình với phương án 1. Phương án này cũng phù hợp với Nghị quyết 17 ngày 7.3.2019 của Chính phủ và Quyết định số 20 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Tôi được biết Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân trong đó có gắn chip điện tử. Quy định chuyển tiếp như phương án 1 cũng rất thuận lợi cho người dân, lấy người dân là đối tượng đầu tiên để phục vụ. Nói như vậy không có nghĩa là tôi không đồng tình, không ủng hộ phương pháp quản lý mới. Nhưng việc còn duy trì sổ hộ khẩu này không ảnh hưởng đến phương pháp quản lý mới mà chỉ đồng hành một thời gian nhất định, khi hiện nay cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Luật Căn cước công dân lẽ ra phải có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2020 thì ngày 3.9 vừa qua, Thủ tướng mới phê duyệt. Trong khi đó, thẻ căn cước công dân như đã cấp từ năm 2012 đến nay thì cũng không khác gì chứng minh nhân dân, bởi vì phải kèm theo đó là một giấy chứng nhận. Ví dụ, tôi có thẻ căn cước công dân này chính là người có số chứng minh nhân dân như thế này. Đến nay, thẻ căn cước công dân này cũng đã phải dừng lại và có thể đổi sang thẻ gắn chip điện tử thuận tiện trong kết nối. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay cũng chưa hoàn thiện. Phải có cơ sở dữ liệu về cư trú thì chúng ta mới có thể kết nối.

Qua khảo sát thực tế của Ủy ban Pháp luật thì tại TP Hồ Chí Minh, mỗi một năm học vừa qua tăng lên gần 55.000 học sinh và phải tăng thêm 11.400 phòng học. Theo đó tuyển dụng gần 7.000 giáo viên. Nếu vào ngày 1.7.2021, cơ sở dữ liệu quốc gia của chúng ta chưa hoàn thiện, chưa có cơ sở dữ liệu về cư trú, thời gian vật chất từ nay đến đó không còn bao nhiêu nữa, vậy thì chúng ta kết nối như nào khi mà bằng đấy học sinh cần đến giấy xác nhận về vấn đề hộ khẩu và rất nhiều sinh viên khác cần những giấy tờ, đặc biệt giữa tác động của dịch Covid - 19 vừa qua? Bây giờ chúng ta cấp như thế nào? Hơn nữa, khi có cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú rồi trong ngành công an có thể thực hiện được, nhưng kết nối với các bộ, ngành thì như thế nào? Chúng ta cần lường trước những vấn đề đó để làm sao người dân thực hiện một cách thuận lợi nhất.

Bài học chúng ta thấy rồi, thứ nhất là Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Thứ hai là quy định về cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước theo 2 luật, sau đó có 1 luật chậm ban hành nghị định hướng dẫn đến gần 5 năm, 1 luật chậm gần 3 năm, thậm chí, có nghị định ban hành trái với luật nên phải thay đổi nghị định khác.

Tôi đã phát biểu tại kỳ họp trước về Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào năm 2014 để thông qua Luật Căn cước công dân. Thời điểm đó đã khẳng định rằng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đến thời điểm ngày 1.1.2020 là có thể đưa vào sử dụng. Thực tế đến nay đã chậm như thế này. Tôi mong muốn làm sao cho dự thảo Luật của chúng ta khi trình ra Quốc hội thông qua thì phải khả thi nhất, đặc biệt là tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, nếu không chúng ta sẽ rất khó khăn, không biết trở tay thế nào.

Nếu như có điều kiện, phương tiện, cơ sở vật chất rồi nhưng còn con người thì sao? Con người là vô cùng quan trọng, phải được tập huấn, không chỉ trong Bộ Công an mà cả các bộ, ngành khác nữa, thì mới có kết quả. Đây cũng là những vấn đề đặt ra, những vấn đề chung chúng tôi đã đóng góp ý kiến để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Cư trú (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Mười tới.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung (Điện Biên)