Phải giải quyết ngay từ cơ sở

- Thứ Năm, 06/08/2020, 20:51 - Chia sẻ
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ gửi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình mới đây cho biết, thời gian gần đây có tình trạng công dân các địa phương lưu trú dài ngày tại Thủ đô, thường xuyên liên kết thành các đoàn đông người, mang băng rôn, biểu ngữ... nhằm tạo áp lực với cơ quan Trung ương vẫn rất phức tạp. Riêng trong tháng 6 và tháng 7, Trụ sở tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội đã tổ chức tiếp 58 lượt đoàn công dân khiếu kiện đông người và 68 công dân khiếu kiện đến từ 25 địa phương trên cả nước.

Nguyên nhân dẫn tới các vụ khiếu kiện đông người, kéo dài, theo Thanh tra Chính phủ là do lãnh đạo các địa phương không tích cực giải quyết khiếu kiện của người dân. Một số vụ việc tổ công tác tiếp công dân của Chính phủ đã vào cuộc, chỉ đạo nhưng các địa phương vẫn chưa giải quyết. Ví dụ như tại Hải Dương, dù Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND tỉnh đối thoại với công dân để giải quyết khiếu kiện nhưng tỉnh vẫn không thực hiện.

Thanh tra Chính phủ cho biết thêm, từ đầu năm đến nay tổ công tác giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài của Chính phủ đã làm việc với các địa phương, yêu cầu giải quyết khiếu kiện của người dân, tuy nhiên có nhiều vụ việc người dân vẫn tiếp tục khiếu kiện.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ phần nào cho thấy những khó khăn, bất cập trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân hiện nay. Bởi vậy cũng dễ hiểu khi trong hầu hết các báo cáo đều đưa ra nhận định khiếu nại, tố cáo dù có giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp và gay gắt tại nhiều nơi. Nguyên nhân ngoài việc do một số cơ chế, chính sách pháp luật chưa được hoàn thiện còn có nhiều yếu tố mang tính chủ quan như việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn để xảy ra sai sót, không theo quy hoạch, quy định của pháp luật. Việc quản lý nhà nước về đất đai ở một số địa phương còn buông lỏng. Một số dự án thu hồi đất làm thủ tục thiếu chặt chẽ, không đúng quy định, không tạo sự đồng thuận với người dân, giải quyết quyền lợi của dân chưa thỏa đáng... Bên cạnh đó, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém như cán bộ không thực hiện đúng quy định, có biểu hiện né tránh, đùn đẩy hoặc giải quyết không đến nơi, đến chốn; thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật, nhất là cấp sở, ngành thuộc UBND cấp tỉnh…

Có thể thấy, những "tồn đọng" trong giải quyết khiếu nại, tố cáo là không mới và bên cạnh yếu tố khách quan, yếu tố chủ quan là con người cũng rất lớn. Bởi vậy cùng với những giải pháp mà Thanh tra Chính phủ kiến nghị với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình như chỉ đạo thành lập tổ công tác liên ngành do Thanh tra Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện kiểm tra, đôn đốc giải quyết 35 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; cho phép Ban Tiếp công dân Trung ương phối hợp với địa phương tổ chức đối thoại với người dân (nếu cần) hoặc khi có vụ việc công dân khiếu kiện đông người ở các cơ quan Trung ương, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan của Trung ương và TP Hà Nội tổ chức tiếp công dân và có biện pháp đưa công dân về địa phương giải quyết... thì việc quan trọng cần phải thực hiện triệt để, nghiêm túc là phải giải quyết rốt ráo ngay tại cơ sở.

Nói như Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng: không nên vì giải quyết của cán bộ không đến nơi đến chốn khiến mâu thuẫn ‘‘tích tiểu thành đại".

Ninh Khương