Phải dốc sức làm bằng được

- Thứ Sáu, 14/08/2020, 06:28 - Chia sẻ
Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý chia sẻ, ông cứ nghĩ rằng, Bộ Công an được giao chủ trì soạn thảo dự án Luật Cư trú (sửa đổi) thì sẽ phải đề xuất những quy định để quản lý chặt chẽ hơn. Bởi thế nên ông đã rất bất ngờ khi thấy “dự thảo Luật lại rất cởi mở và tạo điều kiện cho công dân, thể hiện đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013, ngày càng coi trọng quyền công dân hơn, tạo điều kiện cho công dân tốt hơn”.

Nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với những nội dung thể hiện tinh thần đổi mới, “rất cởi mở và tạo điều kiện cho công dân” được Bộ Công an thể hiện trong dự thảo Luật. Trong đó phải kể đến đề xuất về thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật. 
Tại phiên họp thứ 47 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp tục đề nghị giữ nguyên thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Cư trú (sửa đổi) từ ngày 1.7.2021 như phương án Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ Chín mà không cần lộ trình chuyển tiếp giữa hai phương thức quản lý. Với đề xuất này, từ ngày 1.7.2021, việc quản lý cư trú sẽ chuyển hoàn toàn từ cách thức thủ công, truyền thống bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và các tàng thư văn bản sang quản lý bằng số hóa, có kết nối thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú trên cả nước thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân. “Lộ trình, bước đi, chúng tôi đã có vạch ra. Quyết tâm của chúng tôi là sẽ thực hiện đến ngày 1.7.2021 Luật có hiệu lực để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật”, Bộ trưởng Tô Lâm cam kết trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Tinh thần đổi mới và sự quyết tâm bảo đảm thuận lợi cho người dân của cơ quan quản lý nhà nước như vậy quả thực rất ấn tượng. Tuy vậy, chỉ riêng cơ quan quản lý nhà nước về cư trú quyết tâm thôi thì vẫn chưa đủ. Chuyển đổi hoàn toàn sang phương thức quản lý mới, chấm dứt vai trò của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú - vốn đã gây ra không biết bao nhiêu phiền toái, mệt mỏi cho người dân thời gian qua - không phải là câu chuyện riêng của ngành công an. Chính Bộ trưởng Tô Lâm cũng nhận thấy, “phải thống nhất đưa vào Luật, đòi hỏi các cơ quan phải phối hợp” với Bộ Công an trong việc bảo đảm các điều kiện để Luật có hiệu lực từ ngày 1.7.2021. Kinh nghiệm cho thấy, việc chuẩn bị các điều kiện liên quan đến “các cơ quan khác” thực ra mới là điều đáng lo hơn cả.

Thống kê sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật cho thấy, hiện có gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ đang có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và các giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Từ nay đến thời điểm 1.7.2021 chỉ còn chưa đầy 1 năm. Trong khi đó, một số điều kiện kỹ thuật bảo đảm việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành với cơ quan, bộ, ngành, địa phương vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và cần phải thêm một số năm nữa mới có thể hoàn thành. Ngay mã số định danh cá nhân - yếu tố cơ bản nhất để vận hành phương thức quản lý cư trú mới - thì đến nay, cũng mới chỉ cấp được cho gần 20 triệu công dân. Các điều kiện khác như Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cũng phải đến năm 2025 mới hoàn thiện theo mục tiêu Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025. Cũng phải đến năm 2025, mới hoàn thành 100% Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh được kết nối, chia sẻ với Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp mới được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa, lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia không phải cung cấp lại. Hay đến tháng 9.2022 các bộ, ngành, địa phương mới hoàn thành việc nâng cấp, chỉnh sửa các hệ thống thông tin để bảo đảm tuân thủ các quy định về mã định danh điện tử phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu theo Quyết định số 20/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức...

Tất nhiên, việc có lợi cho dân thì khó mấy cũng phải làm. Phương thức quản lý cư trú mới được thực hiện sớm bao nhiêu càng có lợi cho người dân bấy nhiêu. Nhưng để Quốc hội có thể yên tâm thông qua đề xuất về hiệu lực thi hành của Luật Cư trú (sửa đổi) như đề xuất của Bộ Công an, Chính phủ thì còn rất nhiều việc mà các cơ quan này phải dốc sức làm và làm bằng được. Trong đó, Chính phủ phải bố trí đủ nguồn lực để tổ chức thực hiện đúng tiến độ các công việc chuẩn bị đã cam kết với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo với Quốc hội bởi phương thức quản lý cư trú mới có khả thi hay không phụ thuộc chủ yếu vào vấn đề này. Cùng với đó, phải chỉ đạo, đốc thúc các bộ, ngành rà soát, bãi bỏ, xử lý dứt điểm các thủ tục hành chính “ăn theo” sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để người dân không bị “hành lên hành xuống” khi Luật thì đã xóa bỏ mà nghị định, thông tư và cán bộ nhà nước lại vẫn cứ “đòi”. 

Nguyễn Bình