Phải đặt pháp y đúng vị trí và có sự quản lý phù hợp

- Thứ Ba, 29/05/2012, 17:03 - Chia sẻ
Thảo luận về dự thảo Luật Giám định tư pháp, hầu hết ý kiến đều tán thành sự cần thiết phải ban hành luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức hoạt động giám định tư pháp theo tinh thần cải cách tư pháp, phục vụ kịp thời hoạt động tố tụng và góp phần bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. QH cũng ủng hộ cần phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, có chế độ, chính sách hợp lý cho cán bộ làm công tác giám định tư pháp. Cùng với việc tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực giám định pháp y, giám định tâm thần và kỹ thuật hình sự cũng cần xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp trong một số lĩnh vực...

ĐBQH Mã Điền Cư (Quảng Ngãi): Nên mở rộng quyền của đương sự được tự mình trực tiếp yêu cầu thực hiện giám định tư pháp
 
Tôi ủng hộ quan điểm cho rằng cần tập trung hoạt động giám định pháp y cấp tỉnh vào một đầu mối. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn để tạo điều kiện đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực để xây dựng hệ thống giám định pháp y chính quy, hiện đại và chuyên môn hóa cao. Về vấn đề này, UBTVQH đưa ra 2 phương án. Theo phương án 1, đề nghị giữ nguyên quy định như dự thảo Luật, tức là riêng ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ không còn giám định viên pháp y tại Phòng kỹ thuật hình sự công an mà tập trung hoạt động giám định pháp y thuộc ngành y tế để bảo đảm tính khách quan và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, quan điểm của tôi ủng hộ phương án 2, đó là đề nghị giữ quy định về giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh quy định như hiện hành. Tôi hoàn toàn đồng ý với một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay các tổ chức giám định pháp y các tỉnh thuộc ngành Y tế chưa được kiện toàn đầy đủ và một số địa phương chưa đủ khả năng đảm đương ngay được toàn bộ nhiệm vụ giám định pháp y. Hơn nữa qua thực tiễn nhiều năm hoạt động đội ngũ giám định viên pháp y tại phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh chủ yếu thực hiện giám định tử thi và phục vụ kịp thời việc xử lý các vụ án xâm phạm tính mạng con người. Như vậy, theo phương án 2 thì sẽ tiếp tục tồn tại 2 tổ chức làm nhiệm vụ giám định pháp y cho nên cần quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức. Theo tôi chỉ nên giao lĩnh vực này cho bộ phận pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh thực hiện giám định pháp y để phục vụ kịp thời cho công tác điều tra, tất nhiên không phải là giao toàn bộ giám định pháp y cho ngành Công an.

Vấn đề thứ hai về quyền của đương sự được tự mình trực tiếp yêu cầu thực hiện giám định tư pháp. Về vấn đề này tại Kỳ họp thứ Hai, đa số ĐBQH tán thành với quy định của dự thảo Luật, có một số ý kiến đề nghị mở rộng quyền này đối với bị can, bị cáo, người bị hại trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Qua giải trình, tiếp thu của UBTVQH đề nghị giữ như dự thảo Luật. Tuy nhiên quan điểm của tôi đề nghị mở rộng quyền của đương sự được tự mình trực tiếp yêu cầu thực hiện giám định tư pháp đối với bị can, bị cáo và người bị hại trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
 
ĐBQH Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh): Ngành Y tế hãy điềm đạm…
 
Thứ nhất, về vấn đề xã hội hóa giáo dục tư pháp đi đôi với công tác kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan trực tiếp đến kết quả giám định tư pháp. Đây là chủ trương rất đúng đắn, tuy nhiên vấn đề này rất mới, đụng chạm đến cả các chính sách hình sự và hành vi hành chính. Vì vậy, cần có những bước đi thận trọng, có lộ trình khoa học, có thể trước mắt ta phải quy định những lĩnh vực nào và đến đâu.

Thứ hai, đấu tranh phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ chính của ngành Công an, nếu bỏ giám định pháp y trong Công an cấp tỉnh để bảo đảm tính khách quan trong hoạt động này thì dự thảo Luật vẫn đang quy định sự tồn tại của pháp y Bộ Quốc phòng, Viện khoa học hình sự, Bộ Công an, Phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh. Mặt khác, dự thảo Luật đưa ra những quy định nhằm xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, trong khi đó tổ chức giám định pháp y công an cấp tỉnh là của Nhà nước đang hoạt động rất tốt, cơ sở vật chất trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đội ngũ cán bộ có bản lĩnh vững về chuyên môn, giỏi về nghề nghiệp, sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở bất cứ thời điểm nào đáp ứng kịp thời yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu bỏ đi là không phù hợp vì nó đang làm rất tốt, trừ khi nào làm không tốt mới bỏ đi, nếu chuyển ngay sang ngành Y tế chắc chắn phải mất một khoảng thời gian rất dài về sau ngành Y tế mới có thể kế thừa được. Vậy, trong khoảng thời gian dài đó sẽ là một khó khăn trở ngại rất lớn trong công tác giám định pháp y để phục vụ công tác điều tra của cơ quan hành pháp.

Thứ ba, về tổ chức giám định tư pháp công lập trong Điều 12 dự thảo Luật đưa ra 2 phương án, như vậy chứng tỏ đã thể hiện rõ băn khoăn của UBTVQH. Tôi đề nghị nên giữ nguyên tổ chức giám định pháp y trong Phòng hình sự công an cấp tỉnh. Bởi vì mấy lý do sau. Qua khảo sát trên thực tế, 50 năm qua lực lượng pháp y công an cấp tỉnh luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có oan sai lớn. Qua tìm hiểu đã có 49 UBND tỉnh đề nghị giữ nguyên tổ chức giám định pháp y công an cấp tỉnh như hiện nay; 2 UBND tỉnh đề nghị bỏ và có 1 UBND đề nghị bỏ nhưng phải có lộ trình ít nhất từ 3-5 năm; 11 UBND tỉnh chưa có ý kiến. Với số lượng như vậy có thể khẳng định rằng vẫn nên giữ nguyên. Lý do thứ hai, việc tồn tại cả pháp y công an cấp tỉnh và trung tâm pháp y tỉnh như hiện nay không ảnh hưởng gì tới sự phát triển của nhau. Còn việc chuyển các cán bộ đang làm nhiệm vụ pháp y của cơ quan công an sang trung tâm y tế là một việc làm rất khó vì sự yêu nghề của công an đã ngấm vào máu thịt của họ rồi. Nhiều nước trên thế giới họ cũng đặt cơ quan pháp y trực thuộc công an cấp tỉnh. Lý do thứ ba, dự Luật đưa ra là muốn giảm đầu mối, tăng tính khách quan, tránh được việc "vừa đá bóng vừa thổi còi" nhưng tại thời điểm này thì chưa được. Tôi đề nghị ngành Y tế hãy cứ điềm đạm tập trung vào cả 2 việc, vừa khám, chữa bệnh tốt, đem lại sức khỏe cho nhân dân, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ pháp y tốt. Trong một khoảng thời gian nhất định sẽ kế thừa một cách tốt đẹp, đương nhiên sẽ trở về với mình. Trong khi chưa thể làm tốt hơn được tôi đề nghị vẫn giữ nguyên như hiện trạng.
 
ĐBQH Trương Thị Yến Linh (Cà Mau): Pháp y không thể thiếu trong một nhà nước pháp quyền

 
Pháp y không thể thiếu trong một nhà nước pháp quyền mà ở đó mọi người sống theo Hiến pháp và làm theo pháp luật, sức khỏe và nhân phẩm con người được pháp luật bảo vệ. Chưa có thời điểm nào chuyên ngành pháp y có nhiều cơ hội khẳng định mình như hôm nay và cũng chưa bao giờ pháp y lại chịu nhiều sức ép như hiện tại nhất là pháp y đang đi trên một hành lang pháp lý chưa thực sự an toàn.

Đối với tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập quy định tại Điều 14, tôi đồng tình xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp trong các lĩnh vực đã nêu nhằm đáp ứng nhu cầu giám định ngày càng gia tăng, góp phần đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp; đồng thời giảm tải gánh nặng cho Nhà nước và cũng phù hợp với định hướng cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị. Nhưng phải đưa hoạt động giám định của các tổ chức, cá nhân này vào khuôn khổ pháp luật, nâng cao tính chuyên nghiệp hiệu quả và trách nhiệm, đồng thời phải có lộ trình phù hợp hướng tới xã hội hóa giám định thêm nhiều lĩnh vực khác.

Về tổ chức giám định tư pháp công lập Điều 12, tôi chọn Phương án 1, bởi thứ nhất, nhiều năm qua hoạt động giám định pháp y còn manh mún, đầu tư dàn trải, thiếu thống nhất, không thuận lợi cho việc đầu tư phát triển lĩnh vực này theo hướng chuyên nghiệp hiện đại. Đã đến lúc phải đặt pháp y đúng vị trí và sự quản lý sao cho phù hợp, cơ quan giám định quy về một mối, thống nhất pháp y thành một hệ thống từ Trung ương đến địa phương rất cần thiết mà còn đáp ứng được nhu cầu cải cách hiện nay. Hầu hết các nước trên thế giới có pháp y đều do Bộ Y tế hoặc Bộ Tư pháp quản lý hoặc nằm trong các trường đại học không có pháp y trong lực lượng công an. Chúng ta đã là thành viên của khối ASEAN và gia nhập WTO cũng nên theo thông lệ này để vừa hội nhập đổi mới nâng cao hiệu quả tầm vóc của pháp luật Việt Nam. Thứ hai, quá trình điều tra vụ án mạng áp dụng quy trình khép kín từ giám định trưng cầu đến khâu khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai do một cơ quan chỉ đạo, dù khách quan đến đâu người ngoài cuộc vẫn nghi ngờ, dù khoa học đi chăng nữa, niềm tin cũng không trọn vẹn, nhất là các vụ chết người xảy ra đột ngột trong nhà tù, nơi tạm giam, tạm giữ hoặc khi truy bắt, trên đường dẫn giải… Thứ ba là phù hợp với xu hướng cải cách tư pháp, cải cách hành chính hiện nay là 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có tổ chức giám định pháp y của ngành y tế với 42 trung tâm pháp y có trụ sở riêng, 16 phòng pháp y nằm trong bệnh viện tỉnh, 5 tổ chức giám định pháp y chung cơ sở với giám định y khoa. Mặt khác, chất lượng các vụ giám định pháp y ngành y tế đều đạt được kết quả cao, chính xác, nhanh, bảo đảm yêu cầu về giám định, không để tồn đọng các vụ giám định, có một số vụ việc phức tạp, kéo dài, giám định nhiều lần ở các cơ quan khác nhau thì Viện Pháp y quốc gia đã giải quyết dứt điểm.
 
ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình): Không sợ lẫn lộn nhiệm vụ, không sợ chồng chéo…
 
Điều 12 là tổ chức giám định pháp y công lập, tôi đồng ý phương án 2, trong đó vẫn giữ giám định viên pháp y ở công an tỉnh. Giữ như phương án 2 không phải căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương để công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi, theo tôi ghi trong nội dung này là công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bộ phận giám định pháp y để thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống tội phạm. Như vậy không chỉ giám định về mặt pháp y tử thi mà có thể giám định những vấn đề khác có liên quan đến đấu tranh, khám phá các vụ án và phòng, chống tội phạm. Việc vẫn giữ nguyên pháp y trong công an tỉnh và thống nhất là các tỉnh đều có lực lượng giám định pháp y trong phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh không sợ lẫn lộn nhiệm vụ, không sợ chồng chéo, bởi vì bộ phận pháp y chỉ làm nhiệm vụ phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Còn pháp y thuộc lĩnh vực khác thì ngành y tế vẫn đảm nhiệm, nhưng để cho hiệu quả thì cần thiết phải có một cơ chế để phối hợp giữa 2 lực lượng này. Việc này có thể quy định trong luật hoặc trong một văn bản dưới luật, để vừa sử dụng thật tốt cơ sở vật chất được đầu tư, đồng thời cũng phối hợp với nhau trong công tác chuyên môn.
 
ĐBQH Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận): Đề nghị giữ nguyên Tổ chức giám định pháp y công an cấp tỉnh  
 
Giám định tư pháp là một hội đồng rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng. Hiện nay, hoạt động giám định tư pháp được điều chỉnh bằng Pháp lệnh Giám định pháp y. Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình mới, hoạt động giám định tư pháp đang bộc lộ những vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động tố tụng. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Luật Giám định tư pháp nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động giám định tư pháp hiện nay là điều cần thiết.

Về cơ bản dự thảo Luật có những điều quy định phù hợp với thực tiễn hoạt động giám định tư pháp. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các hoạt động xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người, tôi đề nghị giữ nguyên tổ chức giám định pháp y công an cấp tỉnh như hiện nay và kiện toàn theo hướng chính quy hiện đại hơn với những lý do sau. Một, pháp y công an nhất là pháp y công an cấp tỉnh đã có những đóng góp rất quan trọng và kết quả điều tra xử lý nhiều vụ án hình sự, xâm phạm tính mạng sức khỏe con người  bảo đảm chính xác, khách quan trong các kết luận giám định. Trong báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh Giám định tư pháp phục vụ cho việc xây dựng Luật Giám định tư pháp đã ghi nhận: "giám định viên pháp y ngành công an đều do các giám định viên chuyên ngành bảo đảm được bộ chủ quản quan tâm, bảo đảm được cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật nên hoạt động tương đối tốt, đáp ứng kịp thời các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Dự án Luật Giám định tư pháp, vai trò giám định pháp y công an cấp tỉnh đã không được đánh giá đúng mức". Hai, do tính chất quan trọng của đoàn giám định pháp y, đặc biệt là pháp y tử thi đối với các công tác điều tra xử lý vụ án hình sự. Hiện nay lực lượng pháp y công an tỉnh đang đáp ứng được yêu cầu công tác. Thực tiễn cho thấy, một số công an cấp tỉnh chưa có lực lượng giám định pháp y thì hoạt động giám định pháp y gặp rất nhiều khó khăn, không đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác, đặc biệt là những vụ giám định pháp y tại hiện trường hoặc vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết hoặc vùng sâu, vùng xa, nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải tổ chức bảo vệ tử thi tại hiện trường cả ngày hoặc đêm, hoặc nhiều hơn nữa để đợi giám định viên ngành y tế có mặt, trong khi đó phải trưng cầu giám định pháp y, phải đưa đón, nhất là về ban đêm và những ngày lễ, ngày tết. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều tra. Ba là việc duy trì pháp y công an cấp tỉnh không ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành pháp y y tế vì cùng với việc giám định pháp y theo trưng cầu, các cơ quan tiến hành tố tụng thì giám định pháp y của ngành y tế còn có nhiệm vụ chính là giải phẫu bệnh lý làm rõ nguyên nhân chết đối với những bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện phục vụ cho công tác chữa bệnh, cứu người. Đây là lĩnh vực mà pháp y công an nhân dân không có liên quan. Bốn là dự thảo Luật vẫn quy định tổ chức giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an, Viện khoa học hình sự và phần kỹ thuật hình sự thuộc công an cấp tỉnh được tiến hành giám định kỹ thuật hình sự. Dự thảo luật còn cho phép xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp thì không thể lập luận vì lý do khách quan không có tổ chức pháp y công an cấp tỉnh. Mặt khác, lập luận như vậy còn là tự phủ nhận kết quả quan trọng mà pháp y công an đã đạt được hơn 50 năm qua. Từ đó có thể dẫn đến sự hiểu nhầm bất lợi về mặt chính trị xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng vũ trang nhân dân…
 
ĐBQH Lê Khánh Nhung (Quảng Bình): Đây chính là cơ hội để kiện toàn tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh thuộc ngành y tế
 
Về nội dung tổ chức giám định tư pháp công lập ở Điều 12, phải thừa nhận rằng, phương án nào cũng có ưu điểm và nhược điểm nhưng tôi vẫn chọn phương án 1 bởi pháp y là khoa học của ngành y; thứ hai là để bảo đảm tính độc lập, khách quan, chuyên nghiệp, chuyên sâu về chuyên môn; thứ ba, phù hợp với thông lệ quốc tế; thứ tư, đáp ứng được công cuộc cải cách tư pháp và thứ năm là tập trung đầu mối để được đầu tư kiện toàn.

Trong phần giải trình, tiếp thu dự thảo, Luật UBTVQH đã nhận định, tập trung hoạt động giám định pháp y ở cấp tỉnh vào một đầu mối là định hướng đúng đắn, khó khăn vướng mắc đối với phương án này là vấn đề tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh thuộc ngành y tế chưa được kiện toàn. Theo tôi nghĩ, khi tổ chức chưa được kiện toàn đầy đủ thì đây chính là cơ hội để kiện toàn, là thời điểm để đặt pháp y đúng vị trí. Tôi chỉ sợ định hướng không đúng đắn, nếu đã chắc chắn rồi thì phải làm hoặc quyết tâm làm cho bằng được và đây cũng là nhiệm vụ của ngành y tế phải hoàn thành. Đương nhiên phải có lộ trình, phải có bước chuyển biến hoàn toàn phù hợp như dự thảo nghị quyết đã nêu. Nếu luật đã ban hành theo định hướng này thì cán bộ y tế bắt buộc phải phối kết hợp kịp thời và không thể chậm trễ trong thực thi nhiệm vụ.

Đối với Hội đồng giám định tại Điều 30, theo tôi không nên quy định kết luận của Hội đồng giám định là kết luận cuối cùng và không nên đặt vấn đề quy định kết luận giám định có giá trị cao hơn và kết luận cuối cùng ở trong luật bởi lẽ vì kết luận giám định chỉ là một bằng chứng trong nhiều bằng chứng khác để cầu thành tội phạm. Vì thế nên phải đặt kết luận giám định này trong điều kiện, hoàn cảnh xảy ra vụ việc và kết hợp với các chứng cứ khác để phù hợp với tình tiết vụ án mới có cái nhìn tổng quan, đúng đắn. Đây là quyền quyết định của cơ quan tố tụng, của người tố tụng…
 
ĐBQH Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An): Chưa nên đưa nội dung giám định tư pháp ngoài công lập vào luật
 
Thực tế có rất nhiều lĩnh vực đã xã hội hóa và có rất nhiều mặt tích cực. Ví dụ trong y tế, trong giáo dục bước đầu đã khơi dậy những mặt tích cực và tạo ra sự đồng thuận đánh giá cao của xã hội. Tuy nhiên, có những vấn đề khi xã hội hóa cần phải nghiên cứu để đánh giá, tổng kết một cách nghiêm túc. Ví dụ như văn phòng công chứng ngoài công lập, ngoài mặt tích cực cũng có những mặt cần phải đánh giá một cách nghiêm túc. Hiện tượng bằng giả, hiện tượng hồ sơ giả, hiện tượng các vấn đề chưa đạt mục đích này xuất phát từ vấn đề này. Chính vì vậy tôi nghĩ cần phải xem lại.

Như chúng ta đã biết đại đa số các hoạt động ngoài công lập, xã hội hóa trên các lĩnh vực đều vì lợi nhuận. Tất nhiên cũng có nhiều hoạt động vì dân sinh nhưng đa số là vì lợi nhuận. Vậy khi cho phép thành lập giám định tư pháp ngoài công lập, từ giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự liệu có vì lợi nhuận hay không? Hiện nay chúng ta thấy nhu cầu không nhiều, kinh phí đầu tư lớn, yêu cầu nghiệp vụ cao vậy có tạo ra lợi nhuận cho các nhà đầu tư khi ta xác lập vấn đề này? Chính vì vậy, tôi thấy còn phải suy nghĩ nếu tổ chức giám định pháp y ngoài công lập xảy ra, trong Điều 29 và Điều 30 giám định lần đầu, giám định lại có đặt vấn đề này, nếu như kết quả khác nhau thì lấy kết quả nào? Trong luật có quy định Hội đồng giám định cấp trên với Hội đồng cấp dưới không.

Tôi phân vân nếu đưa vào luật khi tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập chưa thành lập, chưa đáp ứng nhưng đã cho, ngược lại đối với tổ chức giám định tư pháp công lập chưa đầu tư thỏa đáng và có thể có những lĩnh vực chưa với tới, vậy quá trình thực hiện tố tụng xảy ra có khoảng trống. Cho nên, theo tôi trong điều kiện hiện nay với điều kiện xã hội này chưa nên đưa nội dung giám định tư pháp ngoài công lập vào luật.

Minh Vân lược ghi