PAP Nghị viện toàn Phi: Vì một PAP thực chất và thực quyền

- Thứ Sáu, 19/09/2008, 00:00 - Chia sẻ
Kể từ khi thành lập, Nghị viện toàn Phi (PAP) luôn chú ý đến việc lấy ý kiến đóng góp của các học giả, nhà nghiên cứu và người dân châu Phi để cơ quan này ngày càng hoàn thiện và có mục tiêu gần hơn với lợi ích của châu lục. Sau đây là một số ý kiến được chú ý.

      Chủ trương phải xuống được cơ sở
      Mặc dù mối quan hệ giữa PAP với người dân châu Phi đang được thực hiện thông qua các cơ quan đại diện, nhưng đóng góp của PAP đối với nhiệm vụ đoàn kết châu lục mới chỉ được thể hiện hạn chế trong vai trò giám sát và tư vấn. Hạn chế của nó nằm ở chỗ cơ quan này chưa nắm giữ được vai trò đầy đủ của một cơ quan lập pháp có quyền ra quyết định và thực hiện quyết định. PAP còn phải làm sao để đưa được quyết định của mình xuống cơ sở. Nếu làm được điều đó thì không gì có thể chia cách được PAP với người dân mà cơ quan này là đại diện. 
        Bầu cử trực tiếp là yêu cầu cấp bách
      Giáo sư Keith Gottschalk thuộc Khoa Nghiên cứu chính trị, Đại học Western Cape, Nam Phi cho rằng, Liên minh châu Phi cần phải rút kinh nghiệm từ những sai lầm của Liên minh châu Âu. Bởi, bầu cử Nghị viện EU được tách rời khỏi hệ thống bầu cử của quốc gia thành viên, do vậy tỷ lệ phiếu bầu thường rất thấp. PAP có thể kết hợp các cuộc bỏ phiếu bầu nghị sỹ của PAP song song với mỗi cuộc tổng tuyển cử tại một quốc gia thành viên. Làm thế, cử tri còn thấy được vai trò của mình và đảng của mình trong cuộc tranh đua vào cơ quan lập pháp quan trọng nhất châu lục. Trước mắt có thể chấp nhận mỗi nước bầu cử vào một thời điểm, nhưng về lâu dài cũng cần đặt ra giải pháp có một cuộc tổng tuyển cử toàn châu lục. Đây là vấn đề rất nên xem xét.
      Chuyển đổi để thích ứng với yêu cầu thực tiễn
      Tiến trình hội nhập nhằm đưa châu Phi trở thành một khối kinh tế thống nhất đang đặt ra nhiều thách thức bởi tình trạng phát triển thiếu đồng đều giữa các nước thành viên. Chính vì vậy, PAP có thể đóng vai trò lớn trong quá trình hội nhập này bằng cách tích cực chuyển đổi từ vai trò một tổ chức nặng tính tư vấn sang một tổ chức có quyền năng lập pháp đầy đủ. Sự chuyển đổi này càng nhanh chóng thì càng thuận lợi cho nhu cầu hội nhập kinh tế.
      PAP cần có hành động cụ thể
      Không thể ngồi đợi những gì tốt đẹp sẽ đến. Hãnh hành động, bắt tay vào làm việc, có vấp ngã cũng sẽ đứng dậy để học hỏi từ những sai lầm của mình. PAP không chỉ đơn thuần là một tổ chức tư vấn mà phải có hành động cụ thể. Chẳng hạn, PAP có thể tài trợ cho chương trình nghiên cứu phân bón và cải tiến thiết bị, kỹ thuật cho người nông dân; Có thể tham gia vào nỗ lực chống sa mạc hóa... Bằng hành động cụ thể và có tính chiến lược, PAP mới có thể tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế và được cả châu lục thừa nhận.
      Bảo vệ nhân quyền là một nhiệm vụ trung tâm
      PAP phải là trung tâm chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm và cách thức để các quốc gia thực hiện nghĩa vụ bảo đảm nhân quyền thích hợp với điều kiện tại quốc gia đó. Cơ quan này cũng phải chủ động trong việc giám sát, đưa ra khuyến nghị và đối thoại với những thách thức về nhân quyền đặt ra trong quá trình thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ và các mục tiêu toàn cầu khác.

Cuộc thi thiết kế kiến trúc tòa nhà PAP đã kết thúc với phần thắng thuộc về công ty Earth Labs của Nam Phi. 55 đồ án thiết kế của 16 quốc gia đã tham dự cuộc thi này. Kiến trúc sư trưởng nhóm Earth Labs, Steven Reynolds cho biết, ý tưởng đồ án của ông và cộng sự là “một tòa nhà không khiếm khuyết về công năng và mang tính hiện đại”. Ban giám khảo cũng nhận xét đồ án thiết kế (ảnh) mạch lạc, đường nét cứng cáp, sang trọng và có ý tưởng sáng tạo sâu sắc. Trụ sở PAP sẽ được xây dựng ở thành phố Midrand, Nam Phi.

Minh Trang