PAP Nghị viện toàn Phi: Hãy nhìn châu Phi một cách tích cực

- Thứ Sáu, 19/09/2008, 00:00 - Chia sẻ
Châu Âu có thể đóng vai trò như một đối tác bình đẳng thực sự bằng cách chia sẻ kinh nghiệm với châu Phi trong mọi lĩnh vực. Đó là thông điệp của Chủ tịch PAP Gertrude Mongella khi bà đến thăm Nghị viện châu âu nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8.3.2008. Nhân chuyến thăm, bà cũng đã chia sẻ với phóng viên của cơ quan báo chí Nghị viện EU suy nghĩ về những thách thức mà châu Phi đang phải đối mặt cũng như quan điểm về vai trò của phụ nữ châu Phi đối với tương lai của châu lục này.

      PV: Châu Phi đang ngày càng được các nền kinh tế đang phát triển và các nước công nghiệp phương Tây để mắt tới. Theo Bà, cuộc ganh đua này sẽ là cơ hội hay mối đe dọa với châu lục?
      Gertrude Mongella: Đó là một cơ hội lớn. Giờ đây, thế giới đã nhận thấy châu Phi có nhiều tiềm năng. Thị trường của chúng tôi rộng lớn, nhưng vấn đề quan trọng hơn nằm ở nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chúng tôi sở hữu những nguồn tài nguyên dồi dào trong khi lại không có phương tiện để khai thác và sử dụng đúng tiềm năng. Chúng tôi phải thật cẩn thận để cuộc ganh đua này không tác động xấu đến người dân châu Phi, chẳng hạn như tạo ra một sự bất ổn chính trị làm phân hóa châu lục.
      PV: Liệu Liên minh châu âu (EU) có thể là mẫu hình cho Liên minh châu Phi (AU)?
      Gertrude Mongella: Quan sát và học hỏi từ các bạn là một yếu tố quan trọng. Nhưng nếu áp dụng rập khuôn những gì đã có của EU thì sẽ là sai lầm lớn. Nhưng cũng là sai lầm nếu không phân tích, nhìn nhận đúng những gì EU đang sở hữu. Nghị viện châu âu có bề dày tồn tại và phát triển. Cơ quan này là kho kinh nghiệm quý báu đối với một cơ chế nghị viện liên châu lục như PAP. Chúng tôi phải phân tích xem những gì PAP có thể học tập và chúng tôi đang hợp tác thiết thực để chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng sao cho phù hợp nhất với điều kiện của châu Phi.
      PV: Bà đánh giá như thế nào về vai trò của EU trong mối quan hệ với châu Phi về những vấn đề quan trọng?
      Gertrude Mongella: Châu âu giữ một vị trí quan trọng đối với châu Phi. Bằng cách này hay cách khác, châu âu đã hiện diện tại châu Phi trong một thời gian dài. Và chúng ta vẫn tiếp tục là đối tác của nhau. Cần nhìn châu Phi bằng con mắt tích cực, như một đối tác thực thụ, một đối tác bình đằng. Nếu cùng nhau giải quyết vấn đề đói nghèo và tôn trọng lẫn nhau, nhất định chúng ta sẽ tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
      Chẳng hạn như châu Phi có quá nhiều phụ nữ tử vong sau sinh nở. Châu âu thì có công nghệ, có nguồn lực và có kỹ thuật tiên tiến về vấn đề này. Liệu chúng ta có thể hợp tác giải quyết những vấn đề trên? Về lĩnh vực nước sạch, chúng tôi có nguồn nước, có sông có hồ, nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ làm thế nào để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này? Liệu châu âu có thể giúp đỡ những lĩnh vực đó và hợp tác có hiệu quả với châu Phi? Tôi tin chắc rằng với quyết tâm chính trị, chúng ta có thể giải quyết được. Châu âu đang nắm một vai trò lớn. Châu âu không thể tồn tại mà không có châu Phi, bạn có đồng ý với tôi không?
      PV: Bà có cho rằng khi phụ nữ được nắm giữ các vai trò chính trị quan trọng thì châu Phi sẽ tốt hơn không?
      Gertrude Mongella: Tôi cam đoan là có. Ở châu Phi, phụ nữ chưa bao giờ được đưa ra những quyết định lớn lao. Châu Phi đang có nhiều cuộc xung đột, châu Phi chậm phát triển, và tất cả những điều đó đều do những tham vọng của đàn ông. Bởi vậy mà chúng tôi vẫn thường nói thời của đàn ông đã hết rồi, hãy đặt châu Phi vào đúng hướng. Chúng tôi đã làm được một số việc theo hướng đó. Chẳng hạn như tôi được bầu làm Chủ tịch PAP. Chúng tôi còn có Ellen Johnson-Sirleaf đang đưa Liberia thoát khỏi sự hỗn loạn.       

Lược dịch từ Europarl

Đức Huy