PACE: Tổ chức nghị viện đa phương “cao tuổi” nhất thế giới

- Thứ Sáu, 30/03/2007, 00:00 - Chia sẻ
Được 10 nước Tây Âu thành lập vào ngày 5.5.1949, Hội đồng Châu Âu (CE) đã đề ra mục tiêu thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên trong vấn đề bảo đảm nhân quyền và quyền tự do cơ bản của con người. Từ năm 1989, CE bắt đầu mở cửa tiếp nhận các nước Trung và Đông Âu. Nga trở thành thành viên của Tổ chức này vào năm 1996.

      Tới nay, CE đã có 46 nước với thành viên mới nhất là Vương quốc Monaco, gia nhập tháng 10.2004. Hội đồng Châu Âu có 2 cơ quan chính là Ủy ban Bộ trưởng (gồm bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên) và Hội đồng Nghị viện. Sau khi được thành lập trên cơ sở thỏa thuận thành lập CE, Hội đồng Nghị viện Hội đồng Châu Âu (PACE) đã tiến hành họp khóa đầu tiên vào ngày 10.4.1949, trở thành tổ chức nghị viện đa phương lâu đời nhất trên thế giới
      PACE hiện nay gồm 315 đại biểu chính thức. Các đại biểu của PACE do Nghị viện các nước thành viên chỉ định. Bên cạnh đó, PACE cũng đưa ra quy chế “khách mời đặc biệt” dành cho các nước Châu Âu đã phê chuẩn Hiệp ước Helsinki nhưng chưa là thành viên của Hội đồng. Những “khách mời đặc biệt” này được quyền tham gia vào hầu hết các cơ quan của hội đồng trừ Ủy ban Hỗn hợp và Ủy ban Kỷ luật. Họ cũng được hưởng quyền lợi rộng rãi trừ quyền bầu cử và biểu quyết. PACE cũng trao quy chế quan sát viên cho những nước đáp ứng một số yêu cầu của Hội đôçng. Hiện Canada, Israel và Mexico đang được hưởng quy chế này. Để gia nhập PACE, các nước phải gửi đơn yêu cầu cho Tổng thư ký Hội đồng Châu Âu. Sau đó, Tổng thư ký sẽ chuyển cho Ủy ban Bộ trưởng và cơ quan này sau khi xem xét sẽ chuyển cho Hội đồng Châu Âu bỏ phiếu thông qua. Ngoài ra, PACE cũng chịu trách nhiệm thảo luận và xem xét mọi khuyến nghị hoặc nghị quyết cần trình Ủy ban Bộ trưởng. Trong những kỳ họp gần đây, PACE đã thông qua những khuyến nghị và quyết định về quyền của các dân tộc thiểu số, dự thảo công ước về tin tặc, về tình hình ở Chesnia, xung đột tại Trung Đông, về cuộc chiến giữa các nền dân chủ và chủ nghĩa khủng bố, các nguồn năng lượng ở biển Caspi, cuộc khủng hoảng Iraq, vấn đề ô nhiễm biển, quyền tự do báo chí ở những vùng xung đột, bạo lực đối với phụ nữ và tình trạng phân biệt đối xử.
      Bên cạnh đó, PACE còn thông qua những chương trình hợp tác liên nghị viện như DEMOPARL (Chương trình xuyên Âu về hợp tác và hỗ trợ liên nghị viện), chú trọng đến 3 lĩnh vực: đào tạo nghị sỹ và nhân viên của Nghị viện, hợp tác đa phương và song phương trong lĩnh vực lập pháp, hỗ trợ về tài liệu và quá trình tổ chức các cuộc họp.
      Trong quan hệ đối ngoại, PACE không chỉ thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên, các nước khách mời đặc biệt hoặc quan sát viên mà còn phát triển quan hệ với các tổ chức liên chính phủ, các liên minh nghị viện khác như Nghị viện Châu Âu, Hội đồng Nghị viện của Tổ chức An ninh Hợp tác Châu Âu, Liên minh nghị viện các nước Baltic, Diễn đàn hợp tác Nghị viện các nước phía Bắc, Hội đồng Nghị viện vì hợp tác phát triển kinh tế biển Đen, Cộng đồng các quốc gia độc lập… Đôi khi, PACE còn trở thành diễn đàn nghị viện của một số tổ chức quốc tế, đặc biệt là OCDE.
      Hơn 50 năm tồn tại, PACE với tư cách là một tổ chức nghị viện thế giới đã chứng tỏ tính linh hoạt và thích ứng với tiến trình phát triển của Châu Âu, đặc biệt là với những biến động trong lịch sử châu lục. PACE đã hỗ trợ các nước ứng cử viên trong quá trình gia nhập, góp phần thúc đẩy dân chủ ở các nước thành viên.

Tú Khôi