Xem - Nghe - Đọc

“Our Planet” - Trái đất không như chúng ta biết

- Chủ Nhật, 19/05/2019, 07:49 - Chia sẻ
60 nhà quay phim chia thành từng nhóm, đặt chân đến hơn 50 quốc gia của cả 6 châu lục trong 4 năm liền để ghi những hình ảnh chân thực và sống động nhất về thế giới hoang dã, từ hai vùng cực (Bắc và Nam Cực), châu Phi, Nam Mỹ, Bắc Âu, vùng Siberia rộng lớn của nước Nga... và lặn sâu xuống đại dương để ghi lại những cuộc săn mồi kỳ vĩ của những loài cá lớn...

Trong khi Hollywood đang ngày càng lạm dụng VFX, quay chủ yếu phông xanh - ngay cả những bộ phim bom tấn tầm cỡ như “Avengers: Endgame” hay truyền hình tầm cỡ như “Game of Thrones”; thì những loạt phim tài liệu về khoa học tự nhiên như Planet Earth, Blue Planet hay Our Planet mới đây khiến chúng ta phải thực sự choáng ngợp và xúc động với sự dấn thân và thậm chí đối mặt với nguy hiểm của các nhà làm phim để có được những thước phim chân thực nhất về thế giới hoang dã.     

“Điều mà tôi thích ở series này, kính trọng và ngưỡng mộ những con người như David Attenborough, Jane Goodall - những người ở tuổi ngoài 80, thậm chí 90 vẫn say mê làm việc mỗi ngày và những nhà làm phim tận hiến... là tinh thần lạc quan và những giải pháp mà họ đưa ra để cứu lấy hành tinh của chúng ta”.

Sau khi xem hết 8 tập phim trong “Our Planet”, đừng bỏ qua tập cuối cùng “Behind the Scenes” để thấy được sự cống hiến và tình yêu nghề nghiệp của những nhà làm phim tài liệu - tập phim làm tôi xúc động hơn cả sau khi đã xem “no nê” 8 tập phim xuất sắc trước đó.

60 nhà quay phim chia thành từng nhóm, đặt chân đến hơn 50 quốc gia của cả 6 châu lục trong 4 năm liền để ghi những hình ảnh chân thực và sống động nhất về thế giới hoang dã, từ hai vùng cực (Bắc và Nam Cực), châu Phi, Nam Mỹ, Bắc Âu, vùng Siberia rộng lớn của nước Nga... và lặn sâu xuống đại dương để ghi lại những cuộc săn mồi kỳ vĩ của những loài cá lớn. Họ phải ghi hàng ngàn giờ đồng hồ để biên tập gọn lại còn khoảng 400 phút của 8 tập phim mới phát sóng trên Netflix mới đây.
Để ghi được hình những cá thể hổ Siberia cuối cùng còn sót lại, nhóm làm phim phải mất hai năm trời sống trong một cái lều nhỏ hẹp giữa bốn bề tuyết trắng, chờ đợi đến mức tuyệt vọng để quay bằng được hình loài động vật tuyệt đẹp sắp tuyệt chủng này.

Để ghi cuộc săn mồi của đàn cá mập hàng ngàn con dưới đáy biển, họ phải mặc áo bảo hộ bằng lưới thép và bơi lội giữa chúng để có được những hình ảnh săn mồi sống động nhất. Họ đặt chân đến Bắc Cực, sống trong một cái lều nhỏ bị bao vây giữa hàng trăm ngàn con hải mã chen chúc trên bờ biển nhỏ hẹp. Và để ghi hình được chúng, họ phải leo lên mái nhà mới quay được.

Một trong những hình ảnh xúc động nhất, đau lòng nhất là trong tập phim Frozen Worlds. Sự biến đổi khí hậu, trái đất nóng dần lên khiến băng ở Bắc Cực tan nhanh chóng. Trước đây, những con hải mã chỉ việc lặn xuống biển kiếm thức ăn rồi trồi lên nằm trên những tảng băng. Nhưng khi ngôi nhà của chúng biến mất, chúng buộc phải tìm đến bờ biển chật hẹp và thậm chí phải leo lên những vách đá cheo leo. Vốn không có kỹ năng leo trèo, chúng trượt chân rơi xuống vực và chết trong đau đớn. Những hình ảnh đau lòng đó khiến nhiều thành viên đoàn làm phim, trong đó có một nữ đạo diễn không cầm được nước mắt.

Xem loạt phim này, cũng như các series trước đó, ta luôn thấy rõ sự tương phản và đối nghịch giữa vẻ đẹp của thiên nhiên, sự đa dạng của giống loài với cuộc khủng hoảng môi trường, khí hậu đang tàn phá và giết chết chúng mỗi ngày.

Sau khi say mê với những hình ảnh, với giọng dẫn chuyện mê hoặc của David Attenborough, với phần nhạc nền lúc hùng tráng khi dữ dội rồi lại dịu êm của Steven Price, ta lại thấy đau lòng trước những số liệu đưa ra, trước sự tàn phá kinh hoàng của con người đối với thiên nhiên hoang dã. Liên Hợp Quốc mới đây đã cảnh báo khoảng 1 triệu giống loài trên trái đất đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng sao?

Nhưng điều mà tôi thích ở series này, kính trọng và ngưỡng mộ những con người như David Attenborough, Jane Goodall - những người ở tuổi ngoài 80, thậm chí 90 vẫn say mê làm việc mỗi ngày và những nhà làm phim tận hiến... là tinh thần lạc quan và những giải pháp mà họ đưa ra để cứu lấy hành tinh của chúng ta.

Sự phục hồi về số lượng của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm nhờ những cam kết bảo vệ nghiêm ngặt trong các khu vực bảo tồn trên thế giới mà loạt phim này đưa ra có lẽ là một trong những thông tin khiến chúng ta thấy hạnh phúc nhất khi xem Our Planet.

Trong tập phim Những đại dương (The High Seas), bên cạnh những thông tin kinh hoàng về sự cạn kiệt các loài cá ở các đại dương do sự đánh bắt thiếu bền vững và thậm chí tận diệt của con người, đã có những dấu hiệu cho thấy một vài khu vực ở đại dương có sức mạnh hồi phục nhanh chóng tới mức đáng kinh ngạc, đặc biệt ở những khu vực mà con người không săn bắt hoặc bị cấm săn bắt.

Một ví dụ điển hình nhất là loài cá voi lưng gù. Chúng là loại cá lớn, có mặt ở tất cả các đại dương, di chuyển trong những vùng biển cả, từ nơi kiếm thức ăn ở vùng cực tới miền nhiệt đới nơi chúng sinh sản.

Trước đây, cá voi lưng gù có tới hơn cả trăm ngàn con nhưng sau những đợt săn bắn lớn, chúng chỉ còn vài ngàn cá thể. Sau khi báo động về sự sụt giảm của chúng, lệnh cấm săn bắt cá voi cho mục đích thương mại được ban hành từ năm 1986. Kể từ đó, số lượng cá voi lưng gù đang dần dần tăng lên.

Trong sự phục hồi rất đáng ghi nhận, cá voi lưng gù gần như đã quay lại số lượng như lúc ban đầu. “Chúng ta đã cứu được những con cá voi bằng sự đồng thuận quốc tế, giờ đây đã tới lúc chúng ta cứu lấy các đại dương” - David nói trong tập phim này - một ví dụ điển hình cho thấy mặt sáng của vấn đề nếu con người kịp thời hành động.

Our Planet, Blue Planet (2 phần), Planet Earth (2 phần)... là những series phim truyền hình xuất sắc nhất, kỳ công nhất do những nhà làm phim tài liệu từng cống hiến cho người xem.

Không phải ngẫu nhiên mà những series này xếp ở những vị trí hàng đầu trong 250 show truyền hình được khán giả toàn cầu yêu thích nhất trên imdb, trong đó Planet Earth II đứng ở vị trí số 1; Planet Earth I đứng ở vị trí thứ 4 và Our Planet mới ra cũng leo lên vị trí thứ 6, trên “cơ” hoặc ngang bằng với những show truyền hình đình đám như Game of Thrones, Breaking Bad hay Band of Brothers.

Với tôi, đây mới thực sự là những series truyền hình đáng giá nhất mà những nhà làm phim đã tạo ra.

Bảo Khánh