OCOP với du lịch cộng đồng

- Thứ Năm, 07/11/2019, 07:43 - Chia sẻ
Phát triển du lịch gắn với chương trình OCOP là bước đi đúng đắn cần được nhân rộng để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển nội lực và gia tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc.

Việt Nam có 8.926 xã, trong mỗi xã có vài làng, bản, thôn, ấp. Hầu hết các làng Việt ở miền xuôi đều có đình, chùa, miếu, nhà thờ các dòng họ, các hoạt động sản xuất nông nghiệp mùa vụ, làm nghề thủ công mỹ nghệ, lễ hội văn hóa dân gian… Trong đó có 1.864/5.411 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận, với 115 nghề có từ lâu đời. Các hoạt động nghề ấy mang đậm nét văn hóa dân tộc. Các bản, mường ở miền núi còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán, kiến trúc và sản vật độc đáo, đời sống văn hóa bản địa vô cùng đặc sắc của các dân tộc… Bên cạnh đó, nền canh nông nước ta vẫn còn dáng dấp truyền thống, với những hoạt động sản xuất và chế biến thủ công đầy thú vị đối với thế giới công nghiệp phương Tây. Tiềm năng du lịch là rất lớn.


Trải nghiệm làm nông dân Nguồn: ITN

Nhìn ra nước ngoài, năm 2015 Italy có tới 17.000 khu du lịch trang trại, thường là trang trại nông nghiệp, đem lại việc làm trực tiếp và gián tiếp cho 2,5 triệu người, tương đương với 10,9% lực lượng lao động. Việt Nam ta nhiều tiềm năng hơn thế, nhưng không phải làng bản nào cũng đều có thể trở thành điểm đến của các tour du lịch. Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Bộ NN - PTNT) cho biết: Làng bản du lịch cần có những lợi thế khác biệt, nổi trội so với phần đông còn lại mới thu hút được du khách, xây dựng nông thôn mới cần hỗ trợ để phát triển, khai thác lợi thế nổi trội đó để được du lịch tác động trở lại.

Có nhiều loại hình du lịch, trong đó du lịch nông nghiệp được đánh giá là phù hợp cho phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM. Tháng 12.2018, Văn phòng điều phối NTM Trung ương và Tổng cục Du lịch ký kết Chương trình phối hợp, để xây dựng Đề án cho chương trình quy mô quốc gia này, đồng thời giúp xây dựng bộ tiêu chí OCOP cho các sản phẩm dịch vụ du lịch, tiêu chí các làng văn hóa du lịch, hướng dẫn các địa phương trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch. Ông Đặng Văn Cường, Trưởng phòng quản lý Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Văn phòng Điều phối NTM Trung ương chia sẻ: Với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai Chương trình OCOP, hàng chục nghìn sản phẩm quy mô cấp huyện, xã sẽ là mục tiêu để nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã bao bì và tăng cường quảng bá xúc tiến thương mại, hướng đến xuất khẩu. Trong 6 nhóm sản phẩm OCOP thì nhóm sản phẩm thứ 6 (dịch vụ, du lịch) được xem là một nhóm quan trọng, là giải pháp giúp tiêu thụ sản phẩm bản địa hiệu quả, tăng thu nhập, góp phần xây dựng NTM bền vững hơn.

Mảng du lịch của chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức, đó là vấn đề quy hoạch, liên kết, vấn đề VSATTP, môi trường, an ninh trật tự... Đặc biệt, sản phẩm giải trí, tiêu dùng cho du khách còn nghèo nàn, kém hấp dẫn. Thể hiện rõ nhất là tỷ lệ phân bổ chi tiêu của du khách, trung bình khách du lịch ở Việt Nam chỉ chi khoảng 20% tổng chi phí chuyến đi cho mua sắm, sử dụng dịch vụ giải trí (so với 60 - 70% ở Thái Lan), thì rõ ràng chúng ta chưa có nhiều lựa chọn hấp dẫn để khách “rút hầu bao” mua sắm khi đến các điểm du lịch. Nếu chúng ta phát triển tốt các sản phẩm OCOP, đáp ứng được nhu cầu của nhóm khách hàng này, chỉ cần tăng thêm 10% tổng chi tiêu cũng đã tạo nguồn thu lên 40 - 50 nghìn tỷ đồng.

 Phần lớn hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam thời gian qua vẫn còn manh mún, đơn điệu, chưa có chiều sâu, chưa chuyên nghiệp và bền vững. Cụ thể, hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, trùng lặp. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, hoặc đã được đầu tư nhưng không bảo đảm chất lượng. Tính liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch còn yếu. Nguồn nhân lực cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, đặc biệt là lao động được đào tạo, có kỹ năng phục vụ, khả năng quản lý, điều hành cơ sở du lịch...

Cần có quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, phát triển các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn, tiếp tục nâng chất hệ thống hạ tầng nông thôn, tập trung không chỉ cho các xã sắp về đích, xã khó khăn mà cả những địa phương có tiềm năng du lịch, tiềm năng lớn về sản phẩm OCOP. Qua đó giúp đa dạng và nâng chất sản phẩm, dịch vụ, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư tư nhân vào khu vực nông nghiệp, nông thôn như tín dụng, đất đai, PPP, nâng chất các tiêu chí nông thôn mới nhằm phát triển và bảo tồn văn hóa, tiêu chí an ninh trật tự, bảo vệ môi trường nông thôn... Ông Cường cho biết thêm.

Anh Hiến