Bắc Kạn:

OCOP là trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới

- Thứ Năm, 07/11/2019, 07:43 - Chia sẻ
Bước tiến trong xây dựng nông thôn mới là triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là OCOP) nhằm phát triển các ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Bắc Kạn triển khai Chương trình OCOP từ năm 2016 nhưng chỉ thực sự phát triển mạnh từ năm 2018 sau khi Đề án Mỗi xã phường một sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018 - 2020 được thông qua. Hiện địa phương này đã xác định được khoảng 130 sản phẩm có ưu thế. Trong đó, năm 2018 đã có 37 sản phẩm được phân hạng 3 sao và 4 sao.

Những tín hiệu tích cực

Bắc Kạn là địa phương có nhiều sản phẩm nông, lâm sản đặc sản như: Gạo Bao thai, chè, miến dong, hồng không hạt, cam, quýt, dược liệu, các loại bánh trái, rau, củ quả và một số sản phẩm gia súc, gia cầm đặc trưng... Đẩy mạnh các sản phẩm OCOP cũng là một trong những giải pháp cho phát triển kinh tế trong xây dựng nông thôn mới của địa phương thời gian tới. Riêng năm 2019 Bắc Kạn đã có thêm gần 100 sản phẩm của gần 80 tổ chức, đơn vị đăng ký tham gia chương trình.


Miến dong Bắc Kạn - sản phẩm OCOP địa phương

Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Trục sản phẩm xã, phường chính là trục sản phẩm OCOP, trục sản phẩm này sẽ định hướng có thể có nhiều sản phẩm nhưng phải mang tính đặc thù, đặc sản địa phương và phải có biện pháp nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, và các tiêu chí sản phẩm để tham gia được thị trường, từ đó mới nâng cao được giá trị sản phẩm”.

Năm 2018, toàn tỉnh đã có 56 tổ chức đăng ký 76 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Sau khi các tổ chức kinh tế đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình, các cơ quan chuyên môn đã có các hoạt động tư vấn, tập huấn, hỗ trợ nâng cấp, tái cơ cấu các tổ chức kinh tế và hoàn thiện các sản phẩm; xây dựng được Bộ công cụ để quản lý chất lượng sản phẩm; tổ chức đánh giá xếp hạng, cấp giấy công nhận cho 37 sản phẩm của 32 doanh nghiệp, hợp tác xã, và hộ sản xuất với 32 sản phẩm 3 sao và 05 sản phẩm 4 sao, nhiều sản phẩm có mẫu mã, bao bì đẹp, kiểu dáng phù hợp, chất lượng đạt các tiêu chuẩn quy định của Nhà nước đưa ra được thị trường công nhận.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án OCOP, tháng 3.2019, tỉnh Bắc Kạn đã thành lập được Hội Doanh nhân OCOP của tỉnh, tạo diễn đàn tiếp cận cơ chế chính sách, tín dụng, quảng bá sản phẩm cho các hộ kinh tế, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ của địa phương. Tỉnh Bắc Kạn hiện có nhiều sản phẩm đặc sản như: Gạo Bao thai Chợ Đồn, gạo nếp nương, miến dong, khoai sọ, lạp sườn, hồng không hạt, cam, quýt, bí xanh thơm, rượu men lá… là những sản phẩm có thể phát triển để tạo thành thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường. Ngoài các sản phẩm đặc trưng về văn hóa ẩm thực, còn có các sản phẩm thủ công truyền thống, văn hóa đặc trưng cho mỗi vùng miền, nhiều điểm danh lam thắng cảnh tập trung ở vùng nông thôn… Chính vì vậy, tỉnh Bắc Kạn đang tập trung phát triển, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh trở thành sản phẩm OCOP; tích cực thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm…

Gắn kết doanh nghiệp

Bắc Kạn là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Hội Doanh nhân OCOP, nhằm tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Nguyễn Đình Tân, Chủ tịch Hội Doanh nhân OCOP tỉnh Bắc Kạn, ngay sau khi thành lập, Hội Doanh nhân OCOP Bắc Kạn tổ chức nhiều gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại các địa bàn trong và ngoài tỉnh. Điều kiện tự nhiên và xã hội tỉnh Bắc Kạn khá thuận lợi khi thực hiện Đề án OCOP vì có nhiều nông sản đặc trưng có khả năng phát triển thành hàng hóa có thể cạnh tranh trên thị trường. Người tiêu dùng đã từng bước biết đến các sản phẩm nông sản chất lượng cao của Bắc Kạn như gạo nếp Khẩu Nua Lếch, miến dong Bắc Kạn, hồng không hạt Ba Bể, cam Chợ Đồn, quýt Bạch Thông, thịt dê, trâu, bò, ngựa Pác Nặm, rượu ngô men lá, mơ ngâm, thịt hun khói… Tính đến thời điểm này, Hội Doanh nhân OCOP Bắc Kạn có hơn 90 hội viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh hàng chục sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương.

Ngay sau khi ra đời, Hội Doanh nhân OCOP Bắc Kạn đã có nhiều hoạt động thiết thực như: Phối hợp cùng các cơ quan chức năng của tỉnh kết nối các hợp tác xã, doanh nghiệp của Bắc Kạn với các chuỗi nhà hàng, cửa hàng tại các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Nội... thông qua các hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhiều chương trình hội nghị kết nối cung cầu được tổ chức tại một số tỉnh phía Bắc, mở gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Siêu thị Big C Thăng Long, Hà Nội…

Anh Hoàng Văn Thành, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Hoàn Thành, huyện Chợ Đồn cho biết: HTX của anh thành lập được hơn 2 năm với sản phẩm chủ yếu là gạo Bao thai Chợ Đồn và một số gạo đặc sản khác. Từ chỗ chỉ dám tiêu thụ vài chục tấn do thị trường chỉ gói gọn trong tỉnh, bây giờ HTX đã mạnh dạn đưa sản phẩm vươn ra các tỉnh, thành phố như Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội, đồng thời ký thêm hợp đồng bao tiêu cho người dân với sản lượng dự kiến tăng lên gấp ba, gấp bốn lần. Hiện tại khó khăn nhất là về đầu ra, do mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, thị trường mình chưa tiếp cận được nhiều. Đặc thù vùng núi cao tiếp cận thị trường Hà Nội hay thành phố lớn khá khó khăn. Thông qua Hội Doanh nhân OCOP, các hội viên được tiếp cận các khu trưng bày, triển lãm và giúp giới thiệu cho người dân biết đến các sản phẩm của Bắc Kạn khá nhiều.

Ông Hoàng Ngọc Đường, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: Việc tập hợp các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, hộ sản xuất tham gia Hội doanh nhân OCOP tỉnh Bắc Kạn là cơ sở quan trọng trong việc giữ gìn chất lượng sản phẩm, bảo tồn nét văn hóa địa phương trong các sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Việt Anh