HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ BIỂN ĐẢO VIỆT NAM VÀ NGÀY MÔI TRƯỜNG THẾ GIỚI 5.6

Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta

- Thứ Tư, 05/06/2019, 08:04 - Chia sẻ
Đây là chủ đề được Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc chọn kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới 2019. Mục đích nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí trên toàn thế giới để có môi trường sống trong lành, an toàn.

Thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí

Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết: Đây là năm đầu tiên Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức kết hợp phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới (8.6) và Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương có gần 4 triệu người. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỷ USD mỗi năm. Ô nhiễm Ozone trên mặt đất dự kiến sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030. Ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội.


Ô nhiễm không khí là mối nguy cơ gây nên các bệnh tim, phổi

Đẩy mạnh kế hoạch quốc gia quản lý chất lượng không khí

Hưởng ứng Ngày môi trường thế giới năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước tổ chức các hoạt động nhằm BVMT như: Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải; phát động phong trào đi bộ, đi xe đạp, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm không khí; phong trào trồng cây xanh trong các khu đô thị, khu dân cư; hạn chế đốt chất thải nông nghiệp sau thu hoạch tại các khu vực nông thôn. Mỗi chúng ta cùng hành động để chống lại ô nhiễm không khí - Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường NGUYỄN VĂN TÀI.

Đối với Việt Nam, dù chưa có kết quả phân tích chất lượng không khí, nhưng các chuyên gia cho rằng nếu nhìn vào thực tế không khí ở một số thành phố, khu công nghiệp, làng nghề hiện nay thì người dân không thể yên tâm với cụm từ “đạt chuẩn”. Chính vì vậy, để hạn chế sự gia tăng ô nhiễm không khí, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí, tầm nhìn đến năm 2025. Kế hoạch đề ra mục tiêu tổng quát là hướng tới tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải; giám sát chất lượng không khí xung quanh nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Theo đó, cơ quan quản lý phải tập trung kiểm soát bụi trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng; đầu tư, thực hiện đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị sản xuất tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm hạn chế phát sinh khí thải; tiếp tục đầu tư xây dựng, lắp đặt, vận hành các hệ thống thiết bị xử lý khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường không khí. Phải hoàn thành thực hiện quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô 2 bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Tăng cường năng lực quốc gia về kiểm soát khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam. Tăng cường công tác giám sát chất lượng không khí xung quanh thông qua việc tăng số lượng trạm quan trắc không khí xung quanh tự động liên tục tại các đô thị so với năm 2015 theo đúng quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia, giám sát thường xuyên các thông số theo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thông số VOCs, HC...

Ngoài ra, căn cứ Nghị định số 40/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) có hiệu lực thi hành ngày 1.7.2019, chủ nguồn thải khí thải công nghiệp có phát sinh khí thải lưu lượng lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm soát. Đồng thời, các dự án có phát sinh chất thải công nghiệp lớn đều phải có giấy phép xả khí thải công nghiệp.

Xây dựng cơ chế, xã hội hóa đầu tư bảo vệ môi trường không khí

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí và hoàn thiện các văn bản pháp luật. Theo đó, Bộ đã triển khai thực hiện các quy định về BVMT không khí theo Luật BVMT năm 2014, xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật. Trong đó, tập trung vào công tác quản lý, giám sát các nguồn thải và trách nhiệm của chủ nguồn thải; xây dựng đồng bộ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải các ngành công nghiệp… Đặc biệt, Bộ đã tăng cường các nguồn lực tài chính, đa dạng hóa các nguồn đầu tư, tăng cường kinh phí cho quản lý môi trường không khí, đặc biệt là hình thành hệ thống công cụ kinh tế như phí BVMT đối với khí thải, xây dựng cơ chế trao đổi hạn ngạch phát thải khí thải giữa các doanh nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động quan trắc, kiểm kê khí thải, kiểm soát môi trường không khí tại các đô thị và các khu công nghiệp. Bộ TN - MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tích cực thực hiện quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên, môi trường quốc gia đến năm 2020, trong đó quan tâm đến các hệ thống quan trắc không khí, giám sát các nguồn khí thải công nghiệp lớn…

NHẬT ANH