Chính sách và cuộc sống

Nút thắt thuế túi nilon

- Thứ Hai, 22/07/2019, 07:40 - Chia sẻ
UBND TP Hồ Chí Minh vừa giao Cục Thuế lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, hộ kinh doanh sản xuất túi nilon trên địa bàn thành phố. Đây là động thái cần thiết không chỉ của TP Hồ Chí Minh, mà các địa phương khác trên cả nước cũng nên thực hiện, bởi tỷ lệ thất thu thuế bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất túi nilon hiện nay vô cùng lớn.

Giống nhiều nước khác, nước ta cũng đang áp dụng thuế bảo vệ môi trường như là một trong những công cụ quan trọng nhất để kéo giảm việc sử dụng túi nilon khó phân hủy. Theo Nghị quyết của UBTVQH, từ đầu năm nay, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nilon là 50.000 đồng/kg, còn những năm trước là 40.000 đồng/kg.

Việt Nam là một trong những nước sử dụng túi nilon nhiều nhất trên thế giới, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng 1kg túi/tháng, riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon (phần lớn là túi khó phân hủy). Nếu nhân mức thuế bảo vệ môi trường với lượng túi nilon nước ta tiêu thụ thì số tiền thu được phải là hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhưng số liệu thống kê cho thấy, ngân sách những năm qua chỉ thu được khoảng 70 tỷ đồng - số tiền quá nhỏ để có thể tác động gì đó đến hành vi sản xuất và tiêu dùng túi nilon.

Một minh chứng khác: việc mỗi kilôgam túi nilon chịu thuế 40.000 - 50.000 đồng nhưng ngoài thị trường người ta vẫn có thể tìm mua được loại túi này với giá 30.000 đồng/kg là câu trả lời rõ ràng nhất cho hiệu quả của chính sách thuế bảo vệ môi trường.

Vì sao thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon thất thu kinh khủng đến vậy?

Đầu tiên phải kể đến 2 kẽ hở chính sách. Nghị định 69/2012/NĐ-CP quy định trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất hoặc mua bao bì để đóng gói sản phẩm do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó sản xuất, gia công thì không phải chịu thuế. Như vậy, để lách luật, họ chỉ cần thuê doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa gia công cho mình là xong. Mặt khác, theo Luật Thuế bảo vệ môi trường, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu nhựa PE về để sản xuất túi nilon thì lượng nguyên liệu này cũng không thuộc đối tượng chịu thuế.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất nằm ở chỗ, có tới 70% cơ sở sản xuất túi nilon là các hộ nhỏ lẻ. Họ đóng thuế khoán, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ… Dẫu vậy, không thể coi đây là lý do giải thích cho việc thất thu thuế quá lớn. Bởi dù thực hiện chế độ kê khai và nộp thuế nào, việc kê khai cũng cần phản ánh đúng tình trạng hoạt động kinh doanh chịu thuế của cơ sở kinh doanh. Khi đó, với tư cách là người xem xét và chấp nhận kê khai của chủ cơ sở, cơ quan thuế không thể không chịu trách nhiệm và có nghĩa vụ khắc phục khi sự thất thu xảy ra.

Nếu không cải thiện khả năng “hành thu” thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon, thì dù có tăng thuế bao nhiêu chăng nữa giá thành túi nilon sản xuất ra vẫn sẽ rất thấp và cả nhà bán lẻ lẫn người tiêu dùng đều không có nhiều áp lực tiết giảm cung cấp, sử dụng túi nilon.

Nhưng nếu giải được bài toán thất thu thuế bảo vệ môi trường kèm với việc tăng mức thuế và đánh thuế theo số lượng túi thay vì trên khối lượng (nhằm tình trạng sản xuất nhiều hơn các loại túi nilon mỏng, điều này không phù hợp vì loại túi nilon mỏng gây tác hại lớn hơn đến môi trường) thì chắc chắn giá các sản phẩm túi nilon bán ra sẽ tăng cao. Khi đó, chi phí bị đội lên buộc các nhà bán lẻ phải cân nhắc nghiêm túc về số lượng túi phát miễn phí cho khách hàng hoặc buộc người tiêu dùng phải chia sẻ chi phí này. Có như vậy mới hy vọng khiến người dân thay đổi thói quen dùng túi nilon rồi xả ra môi trường gây ô nhiễm.

Tiểu Phong