Tản mạn

Nước Nga và những ký ức thanh xuân

- Chủ Nhật, 10/11/2019, 08:32 - Chia sẻ
Tôi đã thật sự run rẩy khi được chạm tay xuống dòng sông Neva và chạm tay vào chiếc lá sồi xanh biếc ở cung điện mùa Hè... Tất cả cứ như một giấc mơ vậy!

Những năm tháng tuổi thơ, tôi mê mải đọc truyện thiếu nhi “Timur và đồng đội “ của nhà văn Gaidar. Tôi tin cậu bé “mặc chiếc áo sơ mi màu xanh có ngôi sao đỏ trên ngực” tên là Timur có thật 100%. Timur cùng các bạn nhỏ đã làm được nhiều việc đẹp đẽ, cao thượng, góp một phần nhỏ bé vào cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Nga... Ngày ấy, đất nước ta cũng đang trong những năm tháng sục sôi chống Mỹ nên đọc “Timur và đồng đội”, những đứa trẻ như tôi đã mơ về nước Nga xa xôi và cũng hăm hở tham gia phong trào “làm nghìn việc tốt” giống như Timur để giúp bố mẹ yên tâm công tác...

Năm học lớp 7, bỗng một hôm cậu bạn cùng lớp dúi cho tôi một tờ bìa nhỏ. Tờ bìa in nhạc và lời bài hát của Liên Xô kèm cả hình minh họa một cô gái ngồi bên dòng sông. Bài hát có tên “Đôi bờ”. Khi đó còn quá nhỏ để hiểu được nội dung của bài hát nhưng tôi vẫn thấy lời bài hát sao mà hay thế! Chuyện tưởng chẳng có gì, nhưng tối đó mẹ kiểm tra việc học hành và mở cặp sách ra xem. Cái tờ giấy rơi ra, mẹ cầm và đọc. Hừ hừ... “Đêm dài qua dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới ...”  à? Mặt mẹ nghiêm lại hỏi: “Ai cho con bài hát này, con bé tí mà đã học đòi những bài hát yêu đương vớ vẩn, nếu còn tái diễn thì đừng trách mẹ!”. Giờ thì nằm ra và vút vút, hai cái roi quắn mông vẫn nhớ đến tận bây giờ...

Niềm vui ngày bé còn là đi xin được cuốn họa báo Liên Xô nữa. Ôi, nó mới đẹp làm sao! Tôi cắt những tranh ảnh đẹp của họa báo dán khắp nhà. Còn lại dành để bọc sách vở đi học...

Tuổi thơ dần trôi qua, rồi trở thành sinh viên. Đây là thời gian ngốn sách thỏa thích nhất. Không có tiền mua sách thì mượn thư viện trường. Thư viện đủ loại sách nhưng tiểu thuyết, truyện ngắn của Nga là lựa chọn số 1. Không hiểu lúc đó sao đọc khiếp thế. Ngốn hết những bộ tiểu thuyết đồ sộ như: Thép đã tôi thế đấy, Chiến tranh và Hòa bình, Con đường đau khổ, Sông Đông êm đềm, Anna Karenina... Truyện ngắn Chekhov, Paustovsky... Thơ Puskin, Lermontov, Onga Bergon... Tranh Levitan, Ivan Kramscoy... Còn âm nhạc thì đắm chìm trong các ca khúc: Khúc hát nàng Solveig, Đôi bờ, Chiều Matxcova, Ngôi sao ban chiều, Cây thùy dương, Thời thanh niên sôi nổi, Chiều hải cảng...

Có lẽ ký ức của tôi sẽ không bao giờ phai mờ bởi những tháng năm đẹp đẽ đó. Mỗi buổi chiều, sau bữa cơm ăn toàn bo bo, mì ép thì hành lang ký túc xá của chúng tôi lại rộn ràng tiếng hát lời ca. Ngoài một số bài hát cách mạng, còn thì toàn hát bài hát Nga. Tiếng hát át hết những khó khăn, thiếu thốn. Những ca từ đẹp đẽ, ý nghĩa, đầy sức lay động tinh thần những trái tim non trẻ: “Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ, bàn tay son sắt giương cao ngọn cờ, để ngàn đời bền vững tổ quốc ta, trời cao muôn vì sao chói lòa...”.

Nước Nga dù chưa một lần đến nhưng đã yêu bằng một tình yêu trong sáng, chân thành (có cả chút ngây thơ, dại khờ) như thế đấy...

Và giờ thì mơ ước đã thành hiện thưc, tôi đã đến nước Nga bằng tất cả ký ức tuổi thanh xuân đẹp đẽ. Cảm xúc thật choáng ngợp khi nhìn thấy những công trình kiến trúc hoành tráng qua các thời kỳ lịch sử, các cung điện nguy nga chứa bao bảo vật quốc gia, những nhà thờ mái vòm đẹp như cổ tích, những dòng sông thơ mộng, những rừng sồi lấp lánh ánh vàng khi nắng chiều xuyên qua kẽ lá...

Tôi đã thật sự run rẩy khi được chạm tay xuống dòng sông Neva và chạm tay vào chiếc lá sồi xanh biếc ở cung điện mùa Hè... Tất cả cứ như một giấc mơ vậy!

Nước Nga, đúng là đất nước của những di sản nguy nga, những tác phẩm nghệ thuật bất hủ, những anh hùng dựng nên lịch sử và nghệ sĩ thiên tài. Nước Nga đã có từ trong ký ức nên khi đến, tôi cảm nhận thêm rằng, vẻ đẹp Nga mà các danh họa, văn hào dành cả đời ngợi ca chưa thể nào tả hết thì tôi mới chỉ có hơn 10 ngày trải nghiệm thì cảm xúc sao diễn tả được bằng lời. Nhưng 10 ngày đáng quý ấy là một thực tế sinh động để tôi thêm yêu đất nước kỳ diệu này...

Phan Thị Hà Dương