Tổng tuyển cử trước thời hạn ở Thổ Nhĩ Kỳ

Nước cờ chiến lược

- Thứ Bảy, 09/06/2018, 09:28 - Chia sẻ
Ngày 24.6 tới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lần đầu tiên tổ chức cả hai cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội cùng một ngày. Trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan muốn chuyển đổi sang hệ thống mới sau cải cách Hiến pháp năm 2017, và Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề khu vực cũng như quốc tế, cuộc tổng tuyển cử được đánh giá là nước cờ chiến lược của nhà lãnh đạo Erdogan.

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi

Đây cũng là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành bầu cử kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp tháng 4.2017. Trong cuộc trưng cầu này, đa số người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ cải cách Hiến pháp, trong đó bãi bỏ chức vụ Thủ tướng và trao phần lớn quyền hành pháp cho Tổng thống.

Có 10 chính đảng chạy đua vào cơ quan lập pháp: Liên minh Nhân dân gồm đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, đảng Phong trào dân tộc (MHP) và đảng Đại Đoàn kết (BBP); liên minh đối lập chính gồm đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) theo đường lối trung tả, đảng Tốt đẹp (Iyi), đảng Hồi giáo Saadet (SP) và đảng Dân chủ (DP). Các đảng còn lại gồm HDP, Vatan Party và HUDA PAR.

6 ứng cử viên chạy đua vào ghế Tổng thống đến từ nhiều đảng khác nhau. Tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan là ứng cử viên của các đảng AKP, MHP, HUDA PAR và BBP. Đối thủ chính của ông Erdogan là nghị sĩ Muharrem Ince, ứng cử viên đảng đối lập CHP. Meral Aksener đại diện cho hai đảng Iyi và DP. Temel Karamollaoglu đại diện cho đảng SP. Selahattin Demirtas, chính trị gia xuất thân người Kurd Zaza, đại diện cho đảng HDP và ứng cử viên của đảng cánh tả Yêu nước (VATAN) Dogu Perincek.

Các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội lần này diễn ra sớm hơn 1 năm so với kế hoạch, lẽ ra vào tháng 11.2019. Trước đó, Tổng thống Erdogan đã công bố quyết định tổ chức bầu cử trước thời hạn, với lý do chính quyền Ankara cần nhanh chóng chuyển đổi sang hệ thống hành pháp mới do Tổng thống nắm quyền sau khi Hiến pháp sửa đổi. Ông Erdogan cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ cần có nhà lãnh đạo mạnh mẽ hơn nhằm đối phó với thách thức kinh tế và diễn biến mới tại Syria cũng như những nơi khác.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc tổ chức bầu cử sớm là nước cờ chiến lược của Tổng thống Erdogan, nhằm giúp AKP tránh tác động xấu của các vấn đề kinh tế mà quốc gia này đang phải đối mặt. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ hiện mất giá kỷ lục và được dự báo có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kinh tế. Thổ Nhĩ Kỳ còn đối mặt với tỷ lệ lạm phát 11% kéo dài và thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức cao, tương đương hơn 5% GDP.

Chính sách đối ngoại lên ngôi

Các vấn đề kinh tế và chính sách đối nội chắc chắn vẫn được cử tri Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm đầu tiên. Tuy nhiên, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề chính trị khu vực và quốc tế, kết quả các cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ có ý nghĩa chính trị lớn, bởi sẽ tác động đáng kể đến quan hệ đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhận thức được thực tế này, sáu ứng cử viên Tổng thống đã công bố đường lối chính sách đối ngoại sau bầu cử.

Cuộc xung đột Syria, với nhiều mối đe dọa lan ra từ đất nước bị chiến tranh tàn phá, và Iraq là những ưu tiên đối với tất cả ứng cử viên. Tổng thống Erdogan hứa tiếp tục các nguyên tắc cơ bản của chính sách đối ngoại. Ông Erdogan trấn an người dân rằng người tị nạn Syria sẽ không ở lại nước này mãi và triển khai các chiến dịch quân sự ở miền bắc Syria, như một cách tái thiết lập sự ổn định nhằm bảo đảm người tị nạn có thể hồi hương.

 Các ứng cử viên khác bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, cũng như cuộc chiến chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và Iraq. Tuy nhiên, các ứng cử viên này có những cách tiếp cận khác nhau đối với chế độ của Tổng thống Syria Bashar Assad và người tị nạn Syria. Ứng cử viên đảng CHP Ince tuyên bố, sẽ khôi phục quan hệ ngoại giao với Syria nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Ông cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ không có đại sứ quán ở Syria là không thể chấp nhận. Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa đại sứ quán tại Damascus năm 2012. Tuy nhiên, ông Ince chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Erdogan cho phép hàng chục nghìn người tị nạn Syria về nước để dự lễ Eid của người Hồi giáo rồi quay lại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, ứng cử viên đảng Iyi và DP Aksener thề sẽ gửi lại người tị nạn Syria trước khi kết thúc năm tới. Một số ứng cử viên khác cho rằng, sự hiện diện của người tị nạn Syria có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ; đồng thời, đổ lỗi cho các chính sách của chính phủ hiện tại.

Về quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), lập trường của các ứng cử viên khác nhau đáng kể. Tổng thống Erdogan khẳng định, chưa bao giờ từ bỏ mục tiêu trở thành thành viên đầy đủ của EU, bất kể căng thẳng gần đây giữa Ankara và một số quốc gia thành viên. Trong khi ông Ince hứa sẽ bình thường hóa quan hệ với các nước phương Tây và EU vì lợi ích quốc gia, thì các ứng cử viên Perincek và Karamollaoglu không sẵn sàng trở thành một phần của EU. Chủ đề duy nhất trong chính sách đối ngoại mà tất cả ứng cử viên đồng thuận là tiếp tục ủng hộ vấn đề Palestine.

Kết quả thăm dò dư luận do Gezici tiến hành cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ phải tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai. Cụ thể, Tổng thống Erdogan nhận được 48,7% phiếu bầu trong vòng đầu tiên và ứng cử viên đối lập Muharrem Ince nhận được 25,8% phiếu. Các nhà phân tích cho rằng, cho dù đảng AKP và Tổng thống Erdogan tiếp tục lãnh đạo đất nước hay không, thì các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ định hình vị trí tương lai của đất nước trong khu vực.

Ngọc Khánh