Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Thanh Hóa Khóa XVII

“Nóng” quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường

- Thứ Bảy, 20/07/2019, 08:18 - Chia sẻ
Với tinh thần trách nhiệm cùng sự cầu thị, thẳng thắn, nhiều bức xúc, tồn tại đã lâu như: Thực trạng quản lý, sử dụng đất tại các công ty TNHH, công ty lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo định hướng tái cơ cấu nông nghiệp còn chậm… đã được làm rõ nguyên nhân, yêu cầu hướng khắc phục tại kỳ họp.

Nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm

Nóng ngay từ những phút đầu của phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu Lê Nhân Đồng, Dương Văn Mạnh (huyện Như Xuân) và Bùi Thị Mười (huyện Thạch Thành) xoay quanh vấn đề: Việc bàn giao đất cho các địa phương còn chậm; tình trạng xâm canh, tranh chấp đất đai, một số hộ dân lấn chiếm đất tự ý xây dựng công trình nhà ở, cư trú trái pháp luật trong phạm vi đất của Công ty lâm nghiệp, công ty TNHH chưa được giải quyết triệt để.


Đại biểu chất vấn tại kỳ họp Ảnh: Hải Phong

Giải trình từng vấn đề, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền cho biết: Đối với diện tích đất đang bị xâm canh, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát diện tích có cây trồng của hộ dân phù hợp với phương án sử dụng đất của công ty, thỏa thuận với các hộ để ký lại hợp đồng giao khoán. Còn lại diện tích không phù hợp với phương án sử dụng đất, tổ chức rà soát diện tích đất tập trung, liền vùng, liền khoảnh để kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực liên kết với công ty cùng sản xuất kinh doanh. Diện tích nhỏ lẻ, không hiệu quả bàn giao về địa phương quản lý, sử dụng… Riêng các hộ đã làm nhà ở kiến cố trên đất được giao khoán, gần khu dân cư, đường giao thông thì tiếp tục xác định cụ thể vị trí, ranh giới hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, thu hồi bàn giao cho địa phương quản lý.

‘‘Đối với diện tích đất chồng lấn, xảy ra tranh chấp giữa Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa với người dân địa phương tại các huyện Như Xuân, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Sở TN - MT đã thanh tra, kiểm tra và đang hoàn thiện hồ sơ thu hồi theo quy định tại Điều 15, Nghị định số 118 của Chính phủ, với diện tích khoảng 300ha’’, ông Quyền cho biết.

Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các Sở NN - PTNT, TN - MT làm đầu mối với Bộ NN - PTNT, Bộ TN - MT để báo cáo Thủ tướng Chính phủ (lần thứ 2) chấp thuận điều chỉnh giảm 368,406ha diện tích đất rừng đặc dụng theo thẩm quyền để giao lại cho 517 hộ với 2.160 nhân khẩu của 9 thôn, 3 xã Tân Bình, Xuân Qùy, Hóa Quỳ thuộc huyện Như Xuân ổn định nơi ở, tạo điều kiện cho người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Đáng chú ý, UBND tỉnh đã ban hành 52 quyết định thu hồi đất của các nông, lâm trường bàn giao cho địa phương quản lý với hơn 6.767ha. Thời gian tới, tiếp tục bàn giao về cho địa phương hơn 2.913ha.

Chưa hài lòng, một số đại biểu đến từ huyện miền núi tiếp tục đặt vấn đề: Vì sao người dân đang thiếu đất ở, đất sản xuất nhưng tỉnh vẫn có chủ trương thu hồi đất sau đó thành lập một số công ty TNHH hai thành viên để phát triển nông nghiệp? Ông Nguyễn Đức Quyền cho rằng, khi thành lập các công ty TNHH hai thành viên, họ chỉ tổ chức sản xuất, còn người dân vẫn trực tiếp sản xuất. ‘‘Phải đưa doanh nghiệp vào để họ tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến, tiến tới phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao’’, ông Quyền nhấn mạnh.

Khẳng định đây là vấn đề “nóng”, được cử tri rất quan tâm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến yêu cầu UBND tỉnh, chính quyền các huyện nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc về những hạn chế, yếu kém để có nhận thức đầy đủ hơn vấn đề quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường, công ty TNHH, công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ và giải quyết đất sản xuất, đất ở cho người dân; chỉ đạo các sở, ngành trực thuộc UBND tỉnh kiểm điểm trách nhiệm trước ngày 30.8.2019. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần tập trung rà soát diện tích đất đai. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo bàn giao diện tích đất đã thu hồi của của các nông, lâm trường, công ty TNHH, công ty lâm nghiệp cho các địa phương và phải xong trước ngày 30.12.2019; xây dựng kế hoạch, lộ trình giải quyết diện tích đất đang tranh chấp, lấn chiếm tại các đơn vị, địa phương và thời gian thực hiện nội dung này trong quý I.2020.

Đối với diện tích đất mà các hộ dân đã xây dựng nhà ở, theo từng khu vực, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, thống kê và căn cứ vào hiện trạng cụ thể, quy định hiện hành để có hướng giải quyết hiệu quả. ‘‘Từ nay đến ngày 30.12.2019, tập trung giải quyết đất ở cho các hộ dân còn thiếu; đồng thời, đánh giá lại hiệu quả sử dụng đất của các nông, lâm trường, công ty TNHH, công ty lâm nghiệp trên cơ sở các tiêu chí về giá trị sản xuất đối với từng loại cây trồng. Từ thực tiễn của tỉnh, tổ chức rà soát lại diện tích 3 loại rừng theo Nghị quyết của HĐND tỉnh để có hướng quản lý sử dụng hiệu quả’’, chủ tọa nhấn mạnh.

Phát huy lợi thế từng vùng, miền

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tái cơ cấu nông nghiệp còn chậm, nhất là khu vực miền núi hiệu quả thấp, chưa đáp ứng yêu cầu… là một trong những vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Nhận trách nhiệm, Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Lê Đức Giang chỉ rõ: Bên cạnh nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan do vai trò quản lý nhà nước trong thực hiện quy hoạch, dự báo và xúc tiến thị trường, tiêu thị sản phẩm còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện giữa các sở, ngành và các địa phương chưa chặt chẽ; nguồn lực thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp còn hạn chế, đầu tư công thấp hơn so với nhu cầu, trong khi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt khu vực miền núi còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.

Khắc phục những hạn chế trên, Giám đốc Sở NN - PTNT cho biết: Sở sẽ tăng cường vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, xã hội nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương này. Đồng thời, tập trung chuyển dịch cây trồng, vật nuôi ở các lĩnh vực sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; sản xuất liên kết theo chuỗi, giảm giá thành sản phẩm… Bên cạnh đó, phát huy lợi thế, tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi ở từng vùng, miền; kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là khu vực miền núi; thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.

LỆ THANH