Nepal

Nông nghiệp sạch lên ngôi

- Thứ Hai, 18/05/2020, 07:32 - Chia sẻ
Khi áp lực về sản lượng lương thực giảm, nỗi lo về an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản và môi trường ngày càng tăng. Vì vậy, nông nghiệp hữu cơ đang trở thành mối quan tâm ở nhiều quốc gia, trong đó có Nepal.

Từ thực tế bất lợi…

Nepal là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Dù có địa hình đồi núi hiểm trở, nông nghiệp vẫn chiếm hơn 1/3 tỷ trọng kinh tế tại quốc gia Nam Á này. Khoảng 80% dân số (khoảng 4,2 triệu người) sống dựa vào nông nghiệp, phần lớn dưới hình thức tự cung, tự cấp, chủ yếu trồng lúa nước, lúa mạch, ngô, đậu Hà Lan...

Tuy nhiên, dưới sức ép của quá trình đô thị hóa và hội nhập, diện tích đất nông nghiệp của Nepal bị giảm dần. Năng suất và khả năng cạnh tranh của ngành này còn thấp. Một thời, những người làm nông nghiệp tại đây phải lao vào cuộc đua tăng sản lượng bằng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Người ta phun thuốc trừ sâu hàng ngày, dẫn đến việc đất đai bị tàn phá nghiêm trọng. Nhưng cuộc sống của nông dân vẫn không được cải thiện. Cái nghèo vẫn đeo bám họ, cùng với việc phải trả giá bằng sức khỏe của con người và ruộng đồng tàn lụi khi tàn phá môi trường trồng trọt.

Với 80% dân số sống bằng nghề nông, mức thu nhập bình quân đầu người ở Nepal năm 2015 chỉ đạt 1.000 USD/năm và đến năm 2019 là 1.048 USD/năm. Việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu đã gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, gây ức chế miễn dịch, ung thư da, rối loạn nội tiết tố, và các vấn đề về gan, thận. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tật ở Nepal với các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa cũng phổ biến hơn các quốc gia Nam Á khác, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Sử dụng hóa chất lâu dài trong nông nghiệp cũng làm giảm độ phì nhiêu của đất và làm mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.


Nguồn: ITN

… đến hướng đi mới

Nhận thấy việc tăng năng suất mà không quan tâm đến sự bền vững của đất và sức khỏe con người sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, những năm gần đây, người dân Nepal đã chuyển đổi phát triển nông nghiệp sang hướng hữu cơ. Trên thực tế, nông nghiệp hữu cơ không phải là hướng đi dễ dàng. Nhiều nhà đầu tư ước tính, để có thể phát triển ổn định, quá trình đầu tư vào nông sản sạch, an toàn phải mất khoảng 10 năm. Nepal lại có địa hình nhiều đồi núi, việc canh tác quy mô lớn không phải điều đơn giản.

Tuy nhiên, nhận thức rõ tiềm năng của lĩnh vực đó, từ năm 2012, Chính phủ đã thành lập cơ quan chịu trách nhiệm giám sát và cấp chứng chỉ chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Ba năm trở lại đây, người dân được khuyến khích trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường.

Đến Nepal thời điểm này có thể dễ dàng bắt gặp một màu xanh mát đang trở lại, màu xanh không còn hóa chất. Trang trại hữu cơ Herb Nepal, cách Thủ đô Kathmandu 40 cây số, là một ví dụ điển hình. Những thửa ruộng không còn phun bón các loại hợp chất hóa học. Người ta trồng xen kẽ các loại cây tự nhiên để đuổi sâu bọ thay vì dùng thuốc trừ sâu. Để tăng độ phì nhiêu cho đất, các loại phân bón tự nhiên từ vật nuôi hay mùn của một số loại cây sau khi thu hoạch được sử dụng. Tất cả nguyên vật liệu cung cấp cho quá trình trồng trọt, chăn nuôi đều tương hỗ lẫn nhau.

Dù sản xuất nông nghiệp theo hình thức trên thường kèm theo những mối lo về sản lượng, nhưng tại Nepal, không chỉ cung cấp các loại sản phẩm thô như củ quả tươi, nông nghiệp sạch còn đưa ra thị trường các sản phẩm an toàn như xà phòng, tinh dầu, thuốc… được chiết xuất từ nhiều loại cây trồng. Như vậy, nông dân vừa có đủ thực phẩm để có thể tự cung cấp, đồng thời lại có thể xuất bán, góp phần tăng nguồn thu nhập ổn định. Nhờ đó, cuộc sống của nhiều người đã tốt hơn.

Mỗi cuối tuần, tại Thủ đô Kathmandu, chính quyền lại tổ chức ngày hội nông sản hữu cơ. Tại đây, ngoài việc có thể kinh doanh các sản phẩm nông sản sạch, nông dân còn có thể tìm cho mình cơ hội hợp tác, tham gia vào những cuộc chơi lớn hơn với nông sản hữu cơ. Sự đông đúc của mỗi phiên chợ cho thấy mối quan tâm rất lớn của nhiều người với lĩnh vực này.

Anh Ramesh Khadka, đến từ trang trại Herb cho biết: “Nếu biết phát huy, người ta không cần lo đến việc chịu lỗ vì nông phẩm hữu cơ, bởi rất nhiều nhà hàng, khách sạn đang có nhu cầu không nhỏ. Vấn đề quan trọng là biết tập hợp, tạo nguồn cung ổn định và dồi dào”. Các sản phẩm nông nghiệp sạch của Nepal hiện cũng được xuất bán sang Ấn Độ và các quốc gia vùng Vịnh. Người dân tin rằng, đây thực sự là một cuộc cách mạng và đang lan tỏa khắp cả nước. Trong bối cảnh nhiều nơi tại Nam Á đang hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ 100%, Nepal cũng không muốn tách mình khỏi cuộc đua. Và canh tác hữu cơ đang trở thành xu hướng mới tại quốc gia bé nhỏ này, đem lại kỳ vọng chuyển mình cho ngành nông nghiệp.

Ngọc Minh