Chính sách cuộc sống

Nóng bỏng “tam nông”!

- Thứ Ba, 05/11/2019, 12:09 - Chia sẻ
Phiên chất vấn 4 “tư lệnh” bộ, ngành trong kỳ họp QH cuối năm này kỳ vọng sẽ có nhiều nét mới. Mở đầu cho ba ngày chất vấn và trả lời chất vấn sẽ là Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) Nguyễn Xuân Cường, với hàng loạt vấn đề nóng trong chiến lược “tam nông”.

 Tiếng nói của cô bác nhà nông các vùng quê đâu khác chính là nông nghiệp sẽ đi lên hiện đại thế nào? Thực chất của xây dựng nông thôn mới, sự chênh lệch giàu - nghèo ở chính các vùng quê khi đất nông nghiệp ngày càng vơi dần đi dành cho công nghiệp. Biến đổi khí hậu khó lường thì chiến lược tầm xa để nông nghiệp đi lên bền vững sẽ phải “nhấn” vào trọng tâm, trọng điểm nào? Nhà nông làm ra sản phẩm đã không ít gian nan, nhưng cô bác cứ mãi “tự bơi” khi thị trường đủ thứ bấp bênh mà chiến lược từ vĩ mô vẫn cứ mãi loay hoay. Nói tích tụ ruộng đất với cánh đồng mẫu lớn, rồi thu hút các DN về với nhà nông, nhưng xem ra nói nhiều, nói rất mạnh, nhưng thực hiện vẫn chưa được là bao. Không để ai bị bỏ lại phía sau, nhưng mổ xẻ phân tích thế nào trước thực trạng còn không ít nhà nông không có đất. Thực trạng nông nhàn, nhiều vùng quê heo hắt  bởi “trai thanh gái tú” kéo nhau về phố làm đủ nghề để kiếm sống thì cách nhìn về bức tranh nông thôn mới còn giằng co những gam màu tối sáng ra sao?

“Tư lệnh” ngành nông nghiệp quả là gánh trách nhiệm rất lớn, bao quát lo toan đời sống mưu sinh cho gần 70% cư dân là người quê. Đất nước đổi mới đi lên, các vùng quê không thể cứ cách xa mãi với đời sống của cư dân đô thị.

Chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân không ít. Nhưng các bộ, ngành “thiết kế” chính sách phải chăng còn dàn trải, chồng chéo, chính sách nào cũng có bóng dáng nhà nông trong ấy, nhưng trọng tâm lại không rõ đường, trọng điểm chưa rõ nét. Bạc tiền ngân sách đổ vào không ít nhưng hiệu quả vì sao chưa cao. Nông dân 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ cần gì, mong gì? Đừng nghĩ nông dân lúc nào cũng cần bạc tiền, mà họ cần thông tin thị trường, cần đất đai để sinh kế, cần định hướng từ vĩ mô với các sản phẩm làm ra. 

 Nói nhà nông các tỉnh duyên hải sông Hồng mong gì, cần gì? Rõ ràng cô bác cần sản xuất nông nghiệp theo mô hình hiện đại, theo chuỗi để có thu nhập cao hơn. Nhưng vì sao cô bác còn ngại ngần góp đất với DN trong tích tụ đất đai. Nói nhà nông các tỉnh miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên sản xuất còn chạy theo thị trường, theo phong trào như người “đuổi bắt” nay trồng mai chặt thì chỉ đạo định hướng từ vĩ mô thế nào? Rất nhiều hội thảo về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhưng những quyết sách, quốc sách hay, những sáng tạo để nông nghiệp phát triển bền vững vì sao vẫn chưa “bật ra”?

 Các chính sách “tam nông” phải lấy nhà nông làm chủ thể! Nhưng vì sao có những văn bản chính sách “ban ra” không đi vào được cuộc sống? Nhiều vụ kiện tụng đông người kéo dài cũng bởi thu hồi đất của nhà nông theo giá áp đặt, dùng uy quyền ép dân có không? Rõ ràng là có. Vụ thu hồi đất ở khu đô thị Thủ Thiêm, ở khu công nghệ cao quận 9, TP Hồ Chí Minh chính là bài học đắng chát về dùng uy quyền áp xuống dân, cưỡng bức dân với giá đền bù giá đất quá rẻ. Những câu hỏi ấy cử tri là nhà nông đặt thẳng với Chính phủ, với người đứng đầu ngành nông nghiệp và mong nhận được những trả lời thỏa đáng.

Một vấn đề rất nóng với các vùng quê hiện nay còn là ô nhiễm nguồn nước từ các dòng sông do nước thải công nghiệp đổ về. Sông Đáy, sông Nhuệ, sông Châu, sông Cầu… quá ô nhiễm, là nước sạch và cả xử lý rác thải ở các vùng quê giờ sách lược, giải pháp xử lý ra sao, khi việc giám sát xả thải ở các khu công nghiệp còn nhiều lỗ hổng? Nếu cứ để tình trạng sông hồ ô nhiễm ngày càng nặng nề hơn, thì đừng nói đến sản xuất nông nghiệp sạch. Nước tưới cho cây trồng không sạch, cho chăn nuôi không sạch, thì sao có sản phẩm sạch? Nông thôn mới giờ như bức tranh mới tôn lên nét đẹp ở các làng quê.

Tuy nhiên, chiều sâu của cốt lõi nông thôn mới đi vào lòng từng người dân ở các làng quê thế nào? Có hay người dân nhiều vùng quê vẫn gợn lên không ít trăn trở. Đó chính là việc làm, là nghề nghiệp cho thanh niên nông thôn, là đi học ĐH cầm bằng về cho vào tủ. Ngay cả việc đưa hàng trăm ngàn lao động trẻ nông thôn hàng năm đi xuất khẩu ở các nước, xin đừng vội coi đó là chiến công, thành tích, mà đó chỉ là những giải pháp tình thế.  Chiến lược và tư duy dài xa phải tính đến người quê phải làm giàu, phải sống khỏe ngay trên đất quê hương.

Nông thôn, nông nghiệp, nông dân với chiến lược “tam nông” còn đủ bộn bề, thách thức, chắc chắn sẽ là những chất vấn nóng bỏng đặt ra với “tư lệnh” ngành nông nghiệp!

Đăng Quang