Bộ Công thương khẳng định tính tiền điện đúng quy trình

Nói giá điện thấp hơn khu vực là khập khiễng?!

- Thứ Ba, 21/05/2019, 07:57 - Chia sẻ
Bộ Công thương vừa có báo cáo số 3489/BCT-ĐTĐL gửi Chính phủ về phương án tăng giá điện theo Nghị quyết số 30/NQ-CP; xây dựng, ban hành và kiểm tra thực hiện Quyết định số 648/QĐ - BCT về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán lẻ điện. Trong đó khẳng định, việc ghi và chốt chỉ số, tính tiền điện là đúng quy trình; giá điện ở Việt Nam vẫn thấp hơn khu vực. Song, theo chuyên gia, việc so sánh này là khập khiễng.

“Đúng quy trình”

Cụ thể, theo Bộ Công thương, kết quả kiểm tra hoạt động niêm yết công khai giá, ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện, thanh toán tiền điện cho thấy, các đơn vị đã thực hiện đúng quy trình kinh doanh, tuân thủ theo Nghị định số 137/2013/NĐ-CP của Chính phủ về ghi chỉ số công tơ, thanh toán tiền điện. Các tổng công ty điện lực và công ty điện lực đã thực hiện chốt chỉ số công tơ, phát hành hóa đơn tiền điện đúng quy định.

Báo cáo cũng cho biết, so sánh giá điện với các nước trong khu vực Đông Nam Á và sau khi điều chỉnh giá điện ngày 20.3, mức giá bán lẻ điện bình quân của Việt Nam bằng 66% giá điện bình quân 8 nước trong khu vực, bằng 37% của Campuchia và 78% giá điện của Lào. So sánh giá điện với các nước có cùng mức thu nhập GDP, theo số liệu tổng hợp từ các nguồn thống kê số liệu tại thời điểm tháng 3.2019, tổng hợp 8 nước có GDP từ 1.599 - 3.246 USD gần tương đồng với Việt Nam cho thấy, mức giá bán lẻ điện bình quân của Việt Nam sau khi điều chỉnh bằng 83% giá điện bình quân 8 nước.

Bộ Công thương lưu ý, mức tăng giá bán lẻ điện bình quân 8,36% vừa qua chưa gồm chênh lệch tỷ giá mua bán điện dự kiến năm 2018 của các nhà máy điện, hơn 3.260 tỷ đồng. Nếu bổ sung chi phí này, tổng chênh lệch tỷ giá mua bán điện hơn 7.090 tỷ đồng và khi đó giá bán lẻ điện bình quân 2019 sẽ khoảng 1.879,9 đồng một kWh, tương đương tỷ lệ tăng 9,26%.


Theo Bộ Công thương, mức giá bán lẻ điện bình quân bằng 66% giá điện bình quân của 8 nước trong khu vực
Nguồn: ITN

Thiếu minh bạch nên khó tin tưởng

Bình luận về nội dung trong báo cáo của Bộ Công thương, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng “rất khập khiễng khi so sánh giá điện ở Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực và có cùng mức thu nhập GDP”.

Ông phân tích, ở nước ta, điện là ngành độc quyền. Do đó, cần xem chi phí đầu vào đã hợp lý chưa? “Chi phí đầu vào của chúng ta khác họ, như mức lương của họ cao hơn, dịch vụ điện của họ tốt hơn… Thêm nữa, thủy điện của chúng ta chiếm tỷ trọng lớn mà giá thành thấp, trong khi các nước như Singapore hay Malaysia chủ yếu là nhiệt điện than và dầu khí có giá thành cao hơn thủy điện. Do đó, nếu chỉ so sánh đầu ra là giá điện chưa chuẩn, mà phải minh bạch hóa đầu vào thì mới có so sánh chính xác, người dân mới tin tưởng. Song, thực tế, chúng ta chưa minh bạch đầu vào”, ông Long nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, việc Bộ Công thương cho rằng đáng ra giá bán lẻ điện bình quân có thể còn tăng cao hơn do chênh lệch tỷ giá là không thuyết phục. “Trong kinh doanh phải nhập thiết bị máy móc, vật tư từ nước ngoài, tức là phải dùng ngoại hối. Vậy ngành điện có giải pháp phòng ngừa rủi ro về giá không hay để “nước chảy bèo trôi”?, vị này đặt câu hỏi. Từ đó, ông Long cho rằng, “đáng ra ngành điện phải dùng công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro về giá chứ không thể bắt người dân chịu khi chênh lệch tỷ giá”.

Nên mời đơn vị độc lập thẩm định giá điện

Thời gian qua, người dân bức xúc giá điện tăng là do chúng ta đã chưa minh bạch được chi phí đầu vào. Người dân sẵn sàng chia sẻ khó khăn với ngành điện, với điều kiện giá điện tăng lên hoàn toàn do yếu tố khách quan. Còn nếu giá điện tăng mà do yếu tố chủ quan như anh đầu tư ngoài ngành không hiệu quả lại tính vào giá điện, năng suất lao động trong ngành thấp, tổn thất điện năng lớn… thì rất khó để nhận được sự thông cảm của người dân. Do vậy, yêu cầu trước tiên là phải công khai, minh bạch được chi phí đầu vào. Chỉ khi đó, việc tăng giá điện mới không tạo ra dư luận tiêu cực”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói.

Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Công thương cho biết, để khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, hiện nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… đều áp dụng giá điện bậc thang và giá điện bậc sau cao hơn so với bậc đầu tương tự như Việt Nam. Chẳng hạn, tại Hàn Quốc, bên cạnh giá cố định khách hàng phải trả hàng tháng, khách hàng còn phải trả thêm giá biến đổi với 3 bậc tăng dần: Bậc 1 là 93,3 won/kWh, bậc cao nhất (mức tiêu thụ trên 400kWh/tháng) là 280 won/kWh, cao gấp 3 lần bậc 1.

Đồng thời khẳng định, thời gian tới, Bộ tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thống kê chi tiết thực tế sử dụng điện của các khách hàng sinh hoạt trên cả nước để nghiên cứu, đề xuất biểu giá bán lẻ điện phù hợp với đại bộ phận khách hàng sử dụng điện trên cả nước; đồng thời khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Ngoài ra, Bộ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá điện bậc thang đối với các khách hàng điện sinh hoạt hướng tới mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ…

Khẳng định việc tính điện theo bậc thang là cần thiết, song theo Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam Trần Đình Long, đây là việc không hề đơn giản. “Mục đích của thiết kế giá điện theo bậc thang là để khống chế việc sử dụng điện quá mức, khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện. Do đó, việc thiết kế có bao nhiêu bậc, khoảng cách giữa các bậc thế nào là bài toán tương đối phức tạp, đòi hỏi những người có trách nhiệm phải giải trình được cơ sở. Các cơ quan quản lý nhà nước khác như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… cũng cần phải đánh giá lại cách tính toán này để có được cách tính giá điện bậc thang phù hợp”, ông Long nêu ý kiến.

Đồng tình với điều này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nên tiếp tục duy trì cách tính giá điện bậc thang lũy tiến, “càng nhiều bậc càng chính xác”. Song, vấn đề quan trọng nhất là phải tính khoảng cách giữa các bậc cũng như mức giá cho từng bậc là bao nhiêu. “Hiện nay, bậc 1 và bậc 2 thấp hơn so với mức giá bán lẻ điện bình quân lần lượt khoảng 10% và 7%, trong khi đó từ bậc 3 đến bậc 6 lại tăng gấp 30 - 50% so với giá bán lẻ bình quân, khiến người dân bức xúc. Do đó, cần tính toán để các bậc cao hơn giá bán lẻ điện bình quân thấp xuống. Muốn vậy, rất cần sự vào cuộc một cách công tâm, khách quan của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, đồng thời cần mời đơn vị độc lập thẩm định cách tính giá điện, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân”, ông Long khuyến nghị.

Đan Thanh