Nợ xấu sẽ lại xấu hơn

- Thứ Sáu, 07/08/2020, 07:53 - Chia sẻ
Dự kiến, trong Phiên họp 47 từ ngày 10 - 12.8 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, lũy kế từ 15.8.2017 đến 31.5.2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 293,88 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.

Tính ra, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý đạt trung bình khoảng 7,15 nghìn tỷ đồng/tháng; trong khi trước đó, mỗi tháng các ngân hàng chỉ xử lý được khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Dữ liệu này cho thấy nhờ Nghị quyết 42, tốc độ xử lý nợ xấu đã được đẩy nhanh hơn gấp 2 lần so với thời điểm Nghị quyết 42 chưa ra đời.

Đặc biệt, nếu như trước đây nợ xấu chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm và khách hàng trả nợ chưa cao thì từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ. Cụ thể, số nợ xấu khách hàng tự trả là 121,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,1% tổng nợ xấu nội bảng theo Nghị quyết 42 đã xử lý. Con số này cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ từ 2012 - 2017 là khoảng 22,8%. Điều này phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện, thay vì chây ì, chống đối nhằm kéo dài thời gian xử lý đã chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ ngân hàng.

Kết quả mua bán, xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) cũng có bước tiến lớn nhờ “công” của Nghị quyết 42. Theo đó, VAMC đã mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt đạt 68 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, đạt 60% tổng giá trị thu hồi nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt lũy kế từ năm 2013 đến 31.5.2020. Đồng thời, VAMC mua được 83 khoản nợ theo giá thị trường với dư nợ gốc 8 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt gần 91,5 nghìn tỷ đồng, cũng bằng 60% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến 31.5.2020 (152,7 nghìn tỷ đồng).

Những kết quả bước đầu trên đây chứng tỏ Nghị quyết 42 của Quốc hội với những giải pháp đột phá và cơ chế đồng bộ đã làm cho “cục máu đông” nợ xấu của ngành ngân hàng dần nhỏ lại, góp phần “đả thông kinh mạch” cho nền kinh tế. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng được kiểm soát ở mức 1,63%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016, mức 1,99% cuối năm 2017 và mức 1,91% cuối năm 2018.

Tuy vậy, điều đáng lo ngại là bức tranh nợ xấu tới đây sẽ lại xấu đi vì dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, chất lượng tín dụng toàn ngành có xu hướng suy giảm, nợ xấu đang gia tăng nhanh trong 5 tháng đầu năm 2020. Dựa trên các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 4%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước tính đến cuối năm 2020 ở mức 2,41% (tăng 0,78 điểm phần trăm so với cuối năm 2019) .

Thực tế này đòi hỏi Chính phủ phải tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tích cực phối hợp giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết 42, đặc biệt là việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm - điểm mấu chốt để quá trình triển khai Nghị quyết 42 có hiệu quả hơn.

Cụ thể, Nghị quyết 42 cho phép ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, phát đi thông điệp bảo vệ quan hệ có vay - có trả, khẳng định quyền của chủ nợ, là điều các ngân hàng mong mỏi. Tuy nhiên, để thực hiện được quyền này, ngân hàng vẫn cần đến sự hỗ trợ của cơ quan công an các cấp. Mặc dù Bộ Công an đã có văn bản hướng dẫn về việc hỗ trợ bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình thu giữ nhưng trên thực tế, việc thu giữ tài sản bảo đảm hiện vẫn phụ thuộc vào thiện chí của bên vay và sự phối hợp của các cơ quan hữu quan tại địa phương cũng chưa kịp thời. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến kết quả thu hồi nợ xấu.

Hà Lan