Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn, Hà Giang

Nỗ lực vì sự hài lòng của người bệnh

- Thứ Năm, 25/07/2019, 08:27 - Chia sẻ
Trong những năm gần đây, nhờ thực hiện Đề án chuyển giao công nghệ khám chữa bệnh, bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế, nhiều bệnh viện tuyến huyện đã có bước chuyển mình rõ rệt. Trong đó phải kể tới Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang với nhiều đổi mới trong công tác khám, chữa bệnh cũng như phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Người bệnh an tâm điều trị

Anh Phù Văn Trung, 35 tuổi ở xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn bị tai nạn gãy liên mấu chuyển ở xương đùi, là phần nối ở xương đùi và khớp háng. Vì ngại đến bệnh viện nên anh đắp thuốc nam gần 1 tháng nhưng bệnh tình không khỏi mà ngày càng nghiêm trọng với những cơn đau kéo dài. “Thấy mọi người nói đắp thuốc nam tốt thì tôi theo nhưng mãi không khỏi, khi đến bệnh viện thì được các bác sĩ chỉ định mổ gấp. May còn cứu chữa được!”, anh Trung chia sẻ.

Huyện Đồng Văn cách thành phố Hà Giang 150km, với những bệnh nhân bị gãy mấu chuyển xương đùi như anh Trung việc di chuyển ra bệnh viện tỉnh là rất khó khăn.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Văn Đại, Trưởng khoa Ngoại, BVĐK huyện Đồng Văn chia sẻ, 2 năm trước nếu như gặp những ca nặng như vậy, chúng tôi sẽ chuyển thẳng bệnh nhân lên tuyến trên để điều trị nhưng nay nhờ đổi mới trang thiết bị và trình độ chuyên môn, bệnh viện có thể tự tin giữ bệnh nhân lại để thực hiện phẫu thuật. Trước đây, chúng tôi chỉ có thể phẫu thuật những thân xương dài nhưng nhờ có sự giúp đỡ của các bác sĩ tuyến trên cùng sự nỗ lực, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn của các y bác sĩ trong bệnh viện, đến nay, chúng tôi đã có thể tiến hành những ca phẫu thuật ở cấp độ cao hơn.


Trang thiết bị của bệnh viện được đầu tư hiện đại

Bên cạnh việc phát triển các kỹ thuật ngoại khoa cấp cứu cho những trường hợp gãy xương, thường xảy ra ở vùng núi cao thì các kỹ thuật sản khoa cũng được bệnh viện chú trọng đầu tư. Trường hợp của vợ anh Sùng Mí Sính, 21 tuổi ở thị trấn Đồng Văn là một ví dụ. Vợ anh Sính bị chẩn đoán sinh khó, do thai nhi bị tràng hoa cuốn cổ, nước ối cạn. Ngay sau khi nhập viện, chị được các bác sĩ mổ cấp cứu để tránh nhiễm trùng ối, gây nguy hiểm đến tính mạng thai nhi. Sau sinh 3 ngày, em bé hoàn toàn khỏe mạnh.

“Các bác sĩ rất tận tình, chăm sóc và thăm khám, cũng may cả vợ và con tôi được cấp cứu kịp thời và đều khỏe mạnh”, anh Sính chia sẻ.

Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn, bác sĩ Phạm Đình Phẩm, “chậm mà chắc” là hướng đi mà ban lãnh đạo bệnh viện đã đặt ra trong lộ trình đổi mới của mình. Từ nhu cầu thực tế của người bệnh, mỗi năm bệnh viện sẽ tập trung đầu tư từ 1-2 kỹ thuật chuyên sâu, phù hợp với mô hình bệnh tật tại khu vực miền núi để thu hẹp khoảng cách với các bệnh viện tuyến trên, điều này sẽ giúp cho bệnh nhân an tâm điều trị tại quê nhà.

Nỗ lực thu hẹp khoảng cách

Đồng Văn là một trong những huyện miền núi nghèo nhất cả nước nhưng không vì thế mà y tế của huyện bị tụt hậu so với địa phương khác. Bằng nhiều giải pháp tích cực, trong 2 năm trở lại đây, BVĐK Đồng Văn đã có bước chuyển mình rõ rệt. Chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân được nâng cao, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh cũng chu đáo, tận tình hơn. Đó chính là những yếu tố giúp bà con yên tâm và hài lòng khi khám, chữa bệnh tại địa phương.

Theo lời kể của bác sĩ Phạm Đình Phẩm, bệnh viện từng điều trị cho trường hợp tai biến sản khoa, bệnh nhân khi đến bệnh viện đã bị băng huyết, mạch và huyết áp đều về 0. Thế nhưng, nhờ có các kỹ thuật được học từ tuyến trên, các y bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt tử cung bán phần, cứu sống người bệnh. Cũng trong năm 2018, bệnh viện đã phẫu thuật thành công rất nhiều trường hợp bị gãy xương đùi, vai hay cắt khối u nang lên tới hơn 5kg.

Bác sĩ Phạm Đình Phẩm cho rằng, một bệnh viện muốn làm tốt công tác khám, chữa bệnh thì phải có trong tay đội ngũ cán bộ vững tay nghề. Chính từ nhận thức căn bản đó, bệnh viện luôn chú trọng đào tạo sau đại học, mỗi năm, cử 2 bác sĩ đi học chuyên khoa sơ bộ về các bệnh phổ biến mà người dân địa phương thường mắc phải như tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt, mắt, xương khớp, sản khoa, gây mê… Đến nay, bệnh viện đã có 8 bác sĩ chuyên khoa I. Về công tác gây mê, bác sĩ chuyên khoa II của bệnh viện cũng được đào tạo rất bài bản và bảo đảm sự an toàn tối đa cho người bệnh.
Việc trang bị máy móc, thiết bị để khám và điều trị bệnh cũng được bệnh viện chú trọng. Dù điều kiện khó khăn nhưng trong năm 2017, bệnh viện đã quyết định đầu tư máy xét nghiệm 18 thông số về huyết học, sinh hóa nhằm nâng cao công tác chẩn đoán bệnh. Năm 2018, bệnh viện đã mua mới máy siêu âm 4D.

“Những trang thiết bị mới này không chỉ giúp ích cho người bệnh mà còn là mong muốn của toàn bộ y bác sĩ trong bệnh viện với nỗ lực cung cấp dịch vụ tốt nhất cho bệnh nhân”- bác sĩ Phạm Đình Phẩm chia sẻ.

Bài và ảnh: Tùng Dương