Góc nhìn

Nỗ lực trước giờ G

- Chủ Nhật, 27/10/2019, 08:12 - Chia sẻ
Đầu tháng 11, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang làm việc để đánh giá việc khắc phục thẻ vàng IUU với nghề cá Việt Nam, số phận của chiếc thẻ vàng có chuyển sang màu xanh hay không sẽ được định đoạt. Tuy nhiên, đến nay, mục tiêu không bị thẻ đỏ và gỡ bỏ thẻ vàng cho thủy sản trở thành yêu cầu số một đối với 28 tỉnh, thành ven biển.

Thực tế, sau 2 năm bị thẻ vàng cảnh cáo, chúng ta đã phải chịu nhiều hậu quả nặng nề. Hoạt động xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU vốn đã khó lại càng thêm gian nan bởi những quy định kiểm tra ngày càng ngặt nghèo. Các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản phải tốn thêm chi phí lưu kho để nước nhập khẩu kiểm tra xuất xứ nguồn gốc. Sản phẩm của nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện kiểm tra nghiêm ngặt, nên phải tìm kiếm thị trường mới hoặc quay về thị trường nội địa. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, từ xếp vị trí thứ 2 nhập khẩu vào EU, sau thẻ vàng, Việt Nam đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỷ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13%.

 Chúng ta biết rất rõ, EU là một trong số các thị trường quan trọng của hải sản Việt Nam. Nếu không giải quyết được các vấn đề về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp thẻ đỏ. Do đó, 2 năm qua, chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong công tác thực hiện Luật Thủy sản 2017 về truy xuất nguồn gốc hải sản, đặc biệt là việc gấp rút hoàn thiện khung pháp lý xây dựng một hệ thống kiểm soát toàn diện cho việc chống khai thác IUU. Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU cũng sớm được thành lập và bắt tay vào hoạt động, triển khai các giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành; 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển cũng tập trung triển khai thực hiện ngăn chặn, giảm số tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết đã có văn bản yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã ven biển khẩn trương chỉ đạo đến các chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên phải lắp đặt hoàn thành trước 25.10.2019; tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m phải lắp đặt hoàn thành trước 1.1.2020. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng quyết liệt không kém khi có trường hợp bị phạt hành chính tới 1 tỷ đồng, có 10 trường hợp bị đình chỉ hoạt động 6 tháng đối với phương tiện đánh bắt trái phép, vi phạm vùng biển nước ngoài. Tất cả nhằm mục đích kiểm soát truy xuất nguồn gốc hải sản từ khai thác trên biển.

Dẫu cơ hội Việt Nam gỡ được thẻ vàng còn phụ thuộc nhiều vào nội dung làm việc với Đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam vào đầu tháng 11 tới. Nhưng phải khẳng định, 2 năm qua chúng ta đã nỗ lực, nhận diện những việc làm được và chưa được làm cơ sở để có những giải pháp nhằm thay đổi nhanh hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam chỉ có thể khắc phục thẻ vàng hiệu quả khi tỷ trọng đánh bắt trong ngành thủy sản giảm xuống. Hiện đánh bắt đang chiếm tới 70% là một sức ép quá lớn cho nguồn lợi biển. Bởi vậy, tái cơ cấu theo hướng giảm đánh bắt, tăng nuôi biển là một hướng đi của tương lai. Nuôi biển là cách để khắc phục IUU bởi chỉ khi ngư dân hoàn toàn tự tin với nguồn gốc hải sản của mình, tự tin về cách nuôi và thu hoạch của mình, đó là cơ sở xây dựng nghề cá có trách nhiệm.

Gỡ thẻ vàng vô vùng quan trọng, là nhiệm vụ cũng là cơ hội phát triển ngành thủy sản, nhưng việc hạn chế khai thác IUU không chỉ để gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu EC, mà về lâu dài là giữ gìn nguồn tài nguyên biển cho các thế hệ sau. Đây cũng là mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam.

Duy Anh