EC sắp xem xét “thẻ vàng” hải sản Việt Nam

Nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU

- Thứ Bảy, 26/10/2019, 08:19 - Chia sẻ
Dự kiến từ 4 - 14.11 tới, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề Biển và Thủy sản thuộc Ủy ban châu Âu làm việc tại Việt Nam để đánh giá việc khắc phục khuyến cáo thẻ vàng IUU. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng cho biết, sau gần 2 năm triển khai nhiều giải pháp, đến nay nhiều địa phương đã cơ bản ngăn chặn, chấm dứt hẳn tình trạng tàu cá vi phạm trên vùng biển nước ngoài.

Không phát hiện tàu vi phạm

Tháng 10.2017, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu vì Việt Nam thực hiện chưa tốt quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng cho biết, sau gần 2 năm thực hiện các giải pháp để khắc phục khuyến nghị của EC, nhiều địa phương đã cơ bản ngăn chặn, chấm dứt hẳn tình trạng tàu cá vi phạm trên vùng biển nước ngoài. “Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng không phát hiện có trường hợp tàu cá và ngư dân của Việt Nam vi phạm về khai thác hải sản trái phép ở vùng biển các nước, quốc đảo Thái Bình Dương”, ông Hùng nói và nhấn mạnh đây là một trong những “điểm sáng”. Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, cái được lớn nhất trong quá trình triển khai các biện pháp khắc phục “thẻ vàng” là đã góp phần nâng cao nhận thức về phát triển nghề cá bền vững của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các hiệp hội và đặc biệt là ngư dân. 

Dự kiến Đoàn Thanh tra của Tổng vụ Biển và Thủy sản châu Âu sẽ làm việc tại Việt Nam trong 10 ngày, từ 4 - 14.11, để đánh giá việc khắc phục khuyến cáo “thẻ vàng” IUU. Trong lần kiểm tra này, đoàn thanh tra sẽ kiểm tra 4 nhóm khuyến nghị mà EC đã yêu cầu nước ta phải thực hiện là Khung pháp lý; Hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; Thực thi pháp luật và Truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Hùng cho biết, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU đã chỉ đạo xây dựng nội dung, kế hoạch chi tiết để đón Đoàn Thanh tra; đồng thời yêu cầu 28 tỉnh ven biển rà soát những nội dung còn tồn tại để khắc phục, quyết liệt giải quyết từ nay đến khi đón Đoàn. Hiện các tỉnh đã xây dựng xong kế hoạch, kịch bản chi tiết, chuẩn bị tài liệu và hồ sơ liên quan để làm việc với Đoàn. Bộ trưởng Bộ NN - PTNT cũng đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch tổng thể để triển khai những nội dung, kế hoạch làm việc với phái đoàn EC, ông Hùng cho biết. 

Trước đó, vào tháng 5.2019, Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động chống khai thác IUU. 27/28 tỉnh, thành phố có biển đã thành lập các văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại 60 cảng cá do Bộ NN - PTNT chỉ định nhằm phục vụ việc kiểm soát tàu cá, kiểm soát sản lượng lên bến, công tác truy xuất nguồn gốc hải sản cũng được chuẩn bị rất tích cực.


Nguồn: ITN

Phải xây dựng nghề cá bền vững 

Theo một số chuyên gia, nghề cá của nước ta đang dần chuyển sang hướng công nghiệp, hiện đại vì vậy cần có thời gian và phải đi từng bước cụ thể. 
TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, muốn nghề cá phát triển bền vững, việc đầu tiên cần làm là phải kiểm soát, chấm dứt tình trạng đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài thông qua việc nhanh chóng xây dựng hệ thống giám sát tàu cá một cách hoàn chỉnh, đồng bộ. Bên cạnh đó, phải hướng dẫn ngư dân phương pháp ghi chép nhật ký hành trình, ngư trường đánh bắt, số lượng, chủng loại hải sản…  và nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý tại cảng. 

Một điểm thuận lợi, theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, đó là khung pháp lý để phát triển nghề cá bền vững đã cơ bản hoàn thiện khi Luật Thủy sản 2017 chính thức có hiệu lực từ 1.1.2019. Tổng cục Thủy sản đã tham mưu cho Bộ NN - PTNT trình Thủ tướng quyết định, chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. 

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo nhận định, Luật Thủy sản ra đời đã giải quyết những vấn đề mang tầm chiến lược, những tồn tại của hệ thống nghề cá thủ công truyền thống nhằm tạo sự thay đổi về chất của ngành thủy sản. Việc triển khai Luật Thủy sản không phải chỉ nhằm mục đích để gỡ “thẻ vàng” mà hướng tới lập lại trật tự hoạt động nghề cá, duy trì và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản cũng như tạo sinh kế cho người dân trong tương lai. Theo ông, để Luật đi vào cuộc sống cần có những chính sách cụ thể và triển khai đồng bộ cùng lúc 3 vấn đề: Ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường. “Đây là 3 mảng quyết định hình hài và bản chất nghề cá, nếu giải quyết tốt sẽ hướng nghề cá phát triển bền vững, còn nếu không tìm thấy tiếng nói chung thì việc đưa Luật vào cuộc sống sẽ rời rạc, mang tính xôi đỗ, giật gấu vá vai, chỉ giải quyết tình huống”, ông Hồi cảnh báo.

 Khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam bị kiểm tra khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU). Nếu không giải quyết được các vấn đề về chống khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”. Trường hợp bị áp “thẻ đỏ” thì tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, sau 2 năm bị rút “thẻ vàng” IUU, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường này giảm mạnh. Cụ thể, xuất khẩu hải sản sang EU giảm 6,5% trong năm 2018 xuống còn gần 390 triệu USD, và tiếp tục chững lại trong 8 tháng năm 2019 với 251 triệu USD. Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, EU đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỷ trọng của thị trường này sụt giảm từ 18% xuống 13%.

Hạnh Nhung