Nỗ lực đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân

- Thứ Năm, 08/11/2018, 16:18 - Chia sẻ
Thực hiện Nghị quyết số 44/2017/QH14 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực y tế, Bộ Y tế đã tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Theo đó, chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cũng được chú trọng đầu tư, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Nâng cao chất lượng dịch vụ

Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, thời gian qua các bệnh viện tiếp tục tiến hành sắp xếp, tổ chức một cách hợp lý các phòng tiếp nhận bệnh, phòng thu phí, phòng phát thuốc, phòng khám, các phòng thực hiện cận lâm sàng theo logic hệ thống một cửa theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thủ tục khám chữa bệnh, đặc biệt là khám chữa bệnh BHYT được đơn giản hóa mạnh mẽ, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh, giám định và đổi mới phương thức thanh toán BHYT đã rút ngắn thời gian thời gian thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Công tác quản lý chất lượng bệnh viện cũng được tập trung triển khai thực hiện tốt; tư duy, quan điểm của lãnh đạo và nhân viên y tế về người bệnh, về quản lý chất lượng dịch vụ y tế dần được thay đổi theo hướng  “người bệnh làm trung tâm của hoạt động chăm sóc và điều trị”, an toàn của người bệnh là số một, quản lý và cải tiến chất lượng là nhiệm vụ mang tính “sống còn” của cơ sở y tế. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh; tích cực nâng cao chất lượng hoạt động lâm sàng và thực hiện theo đúng các hướng dẫn quy trình kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; xử lý kịp thời các thông tin phản hồi của người dân về dịch vụ y tế.

Ngoài ra, các bệnh viện cũng không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ y tế và tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ trong điều trị như xây mới, nâng cấp, mở rộng nhiều bệnh viện, đầu tư nhiều thiết bị hiện đại như robot phẫu thuật, máy cộng hưởng từ, máy CT scanner, máy chụp mạch, PET/CT... Đạt nhiều thành tựu về ứng dụng và phát triển hiệu quả kỹ thuật cao trong y tế dự phòng như tự sản xuất thành công vaccine sởi - rubella đạt tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu; trong khám và điều trị bệnh, như ghép tạng (ghép tim, phổi thành công), mổ nội soi bằng robot, tế bào gốc... nhờ đó đã cải thiện đáng kể tình trạng giảm quá tải bệnh viện, giảm tình trạng nằm ghép của bệnh nhân, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị tại các cơ sở y tế công lập, ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.


Ngành Y tế không ngừng nỗ lực, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân - Nguồn: ITN

Tăng cường đầu tư

Bộ Y tế phấn đấu phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản không còn tình trạng quá tải bệnh viện với một số chỉ số: Năm 2018: 100% bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, thành phố tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cam kết thực hiện chủ trương không để người bệnh nằm ghép từ 2 người trở lên sau 24 hoặc 48 giờ nhập viện.
Năm 2019: 100% các tỉnh đều có bệnh viện tuyến tỉnh tham gia trong Đề án bệnh viện vệ tinh và được chuyển giao kỹ thuật theo nhu cầu thực tế của địa phương. Năm 2020: Không còn tình trạng quá tải bệnh viện.

Để góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản không còn tình trạng quá tải bệnh viện, bên cạnh việc tiếp tục triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020, Bộ Y tế cũng đã triển khai các giải pháp nhằm tăng cường năng lực cho y tế cơ sở để làm tốt nhiêm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm các trường hợp chuyển tuyến không cần thiết.

Đơn cử như giảm công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tuyến Trung ương, tăng công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tuyến huyện. Hiện 63% số bệnh viện tuyến Trung ương đang có xu hướng giảm công suất sử dụng giường bệnh, 25% số bệnh viện tuyến huyện có xu hướng tăng công suất sử dụng giường bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh. Theo thống kê, đến nay đã có 23 bệnh viện hạt nhân và 87 bệnh viện vệ tinh tại 62 tỉnh, thành phố, với cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường đầu tư để phục vụ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế và các địa phương cũng đã nghiên cứu, xây dựng các mô hình đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực y tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng ngành y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ. Hiện nay đã có một số dự án PPP đang trong giai đoạn chuẩn bị dự án, trong đó có một số dự án đầu tư trên đất của các cơ sở y tế công lập và một số dự án do nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng bệnh viện trên đất của nhà đầu tư, cơ sở y tế công lập tham gia góp vốn bằng thương hiệu, có trách nhiệm bảo đảm nhân lực. Ngoài ra, các dự án ODA cũng tiếp tục xây dựng để huy động nguồn vốn ngoài nước cho y tế.

Cùng với đó, việc đổi mới phương thức quản lý, cơ chế tài chính y tế theo chủ trương, chuyển từ cơ chế phí sang giá dịch vụ đã được thực hiện thành công bước cơ bản của lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ gắn với lộ trình BHYT toàn dân, chuyển dần ngân sách chi thường xuyên, cấp trực tiếp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT, đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo, người thuộc diện chính sách, người dân tộc thiểu số, đồng bào sống ở vùng khó khăn. Giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp y tế, đặc biệt là tự chủ về tài chính gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, qua đó đã tiết kiệm cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm về chi thường xuyên giao.

Trương Ngọc