Huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Nỗ lực cải thiện chỉ số cải cách hành chính

- Thứ Ba, 09/04/2019, 07:54 - Chia sẻ
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Sóc Sơn. Theo đó, huyện đã quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của bộ phận “một cửa”; đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng công vụ… qua đó, góp phần nâng cao chỉ số CCHC năm 2018.

Nâng cao đạo đức công vụ

Hiện nay, cùng với tinh giản biên chế, công tác CCHC cũng đang được huyện Sóc Sơn tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các phòng, ban và địa phương. Điều này đã được minh chứng qua hình ảnh cán bộ, công chức nhiệt tình hỗ trợ nhân dân làm thủ tục ở bộ phận “một cửa”, qua những dịch vụ hành chính công điện tử... Thế nhưng, đối với những bộ máy hành chính đã quen với cách làm truyền thống, cồng kềnh, trì trệ thì không phải sự thay đổi nào cũng đạt được hiệu quả ngay từ đầu. Bởi, thực tế, vẫn còn những cán bộ, công chức vì lợi ích của bản thân mà cản trở tiến trình cải cách, tạo ra những hình ảnh xấu trong mắt người dân.


Người dân làm thủ tục hành chính tại Phòng Nội vụ huyện Sóc Sơn  Ảnh: Trần Tâm

Theo cử tri Nguyễn Thị Mai (thôn Xuân Dục, xã Tân Minh), mặc dù công tác CCHC của địa phương đã được cải thiện rất nhiều nhưng vẫn còn hiện tượng cán bộ chưa làm tròn trách nhiệm, cửa quyền, gây phiền hà cho người dân. Cử tri Trần Văn Phục (xóm Giữa, xã Tân Minh) lại cho rằng, vì trình độ dân trí của người dân không đồng đều nên mỗi khi đến làm thủ tục hành chính (TTHC) tại địa phương, nhiều người không nắm chắc được về luật. Vì vậy, người dân mong muốn những cán bộ làm chuyên môn phải là người có trình độ và trách nhiệm, quan tâm, hướng dẫn cụ thể hơn nữa những thủ tục cần thiết, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của từng người khi đến làm các thủ tục hành chính.

Thực tế, để nâng cao chất lượng phục vụ và làm cho người dân ngày càng hài lòng hơn khi đến giao dịch, huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp giao ban chuyên đề, tập huấn về công tác CCHC nhằm đưa ra các giải pháp thực hiện tốt nội dung văn hóa công sở, văn hóa tiếp công dân để nâng cao ý thức, thái độ, trách nhiệm phục vụ người dân của từng cán bộ, công chức. Cùng với đó, huyện đã mở thêm nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ với sự tham dự của gần 3.000 người; cử lãnh đạo và công chức các phòng chuyên môn tham dự lớp tập huấn “Chính phủ điện tử, Thành phố thông minh năm 2018” do Sở Thông tin và Truyền thông TP tổ chức, qua đó góp phần nâng cao trình độ của từng cán bộ…

Theo Bí thư Huyện ủy Phạm Xuân Phương, chất lượng dịch vụ công có cao, có làm hài lòng người dân hay không phụ thuộc rất lớn vào ý thức chấp hành kỷ cương hành chính, trách nhiệm và đạo đức của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, muốn xây dựng được đội ngũ cán bộ tiếp nhận “gần dân”, trước hết, phải thường xuyên lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp, xây dựng của nhân dân trong giải quyết các TTHC hay những vấn đề dân sinh bức xúc để kịp thời giải quyết, đáp ứng sự mong mỏi của người dân. Đặc biệt, cần niêm yết công khai lịch tiếp công dân và duy trì thường xuyên lịch làm việc phân công cán bộ chủ chốt tiếp dân hàng tuần nghiêm túc.

Khắc phục những hạn chế, yếu kém

 Năm 2019, huyện Sóc Sơn tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác CCHC giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch CCHC năm 2018, trọng tâm là cải cách TTHC; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và trình độ, đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ; tiếp tục ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin để cải tiến phương thức, lề lối làm việc và nâng cao năng lực điều hành, quản lý; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trưởng phòng Nội vụ huyện Sóc Sơn Nguyễn Hồng Sơn

Theo công bố của UBND TP Hà Nội về Chỉ số CCHC của các quận, huyện năm 2017 thì Sóc Sơn là địa phương có điểm CCHC thấp nhất, xếp thứ 30/30 quận, huyện, thị xã. Đây là điều đáng buồn, song cũng là cở sở để toàn hệ thống chính trị của huyện nhìn nhận, đánh giá đúng thực tế và phải nỗ lực hơn nữa trong công tác CCHC, đặc biệt là việc khắc phục những tiêu chí có điểm số thấp. Theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Nguyễn Hồng Sơn, để cải thiện chỉ số CCHC, ngay sau khi TP Hà Nội công bố kết quả chỉ số CCHC năm 2017, huyện đã xây dựng kế hoạch nâng cao chỉ số CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC, cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước. Theo đó, huyện đã ban hành gần 50 văn bản chỉ đạo, triển khai về công tác CCHC với nhiều nội dung quan trọng như: Triển khai phần mềm một cửa dùng chung 3 cấp, triển khai kế hoạch xác định chỉ số CCHC cấp xã, rà soát đánh giá cơ sở vật chất…

Theo ông Sơn, một trong những hạn chế khiến chỉ số CCHC của Sóc Sơn ở vị trí không như mong muốn đó chính là cơ sở vật chất, trang thiết bị của bộ phận một cửa ở một số xã, thị trấn chưa được đồng bộ. Bởi vậy, Sóc Sơn nhanh chóng khắc phục điều này; đặc biệt là việc xây dựng quy chế một cửa mẫu ở các xã. Cụ thể, đối với những xã còn khó khăn cả về công tác cán bộ lẫn cơ sở vật chất như Xuân Thu, Kim Lũ, huyện đã hỗ trợ kinh phí, xây dựng trụ sở phòng tiếp dân và bộ phận một cửa mới, bảo đảm đủ diện tích, cũng như hỗ trợ gần 200 triệu đồng cho mỗi đơn vị để sắm sửa lại trang thiết bị làm việc trong phòng. Mặt khác, để nâng cao hiệu quả công tác CCHC của một số xã, tăng số lượng dịch vụ công mức độ 3, 4, huyện đã bố trí máy tính phục vụ cho công dân tiện khai thác, truy cập thông tin TTHC; thường xuyên nâng cấp, chỉnh sửa cổng thông tin điện tử của huyện cả về nội dung và hình thức, luôn công khai TTHC, minh bạch thông tin nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội;…

Theo Bí thư Huyện ủy Phạm Xuân Phương, CCHC được cải thiện đồng nghĩa với việc kinh tế - xã hội sẽ đi lên. Bởi vậy, Sóc Sơn luôn nhất quán quan điểm quyết tâm xây dựng một nền hành chính “gần dân, trọng dân, phục vụ tốt nhân dân” bằng cách thực hiện hiệu quả công tác CCHC trên tất cả các lĩnh vực, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả trong việc giải quyết các TTHC.  Theo đó, huyện sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định về phần mềm 1 cửa dùng chung 3 cấp tại bộ phận 1 cửa tại huyện, các xã, thị trấn; tích cực thực hiện các TTHC mức độ 3, 4; đồng thời, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ làm công tác tiếp nhận hồ sơ TTHC và cán bộ chuyên môn giải quyết TTHC, phấn đấu 100% các TTHC giải quyết đúng hạn và trước hạn, không có hồ sơ giải quyết quá hạn báo trên phần mềm.

Ngoài ra, huyện cũng sẽ tuyên truyền, phát huy những kết quả đã đạt được, duy trì, giữ vững các tiêu chí chấm điểm đạt kết quả tốt, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nội dung CCHC tại các cơ quan. Phấn đấu nâng điểm Chỉ số CCHC cấp huyện năm 2018 tăng ít nhất 5 bậc xếp hạng so với năm 2017.

TRẦN TÂM