Ninh Bình triển khai Trung tâm phục vụ hành chính công

- Thứ Hai, 14/09/2020, 22:00 - Chia sẻ
Thực hiện Đề án thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công, UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc xây dựng trụ sở Trung tâm, đầu tư lắp đặt hạ tầng công nghệ thông tin; các trang thiết bị công nghệ thông tin... phấn đấu hoàn thành trước 30.9.

Được biết, đây sẽ là một trong những công trình được Tỉnh ủy Ninh Bình chọn để chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc cho biết, trên cơ sở rút kinh nghiệm của các địa phương đi trước để có cách làm khoa học, phù hợp với điều kiện của Ninh Bình. Đảm bảo khi đi vào hoạt động phải được tổ chức theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, tạo ra bước đột phá trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công đã thành công ở nhiều địa phương
Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công đã thành công ở nhiều địa phương

Các sở, ngành cử cán bộ ra làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phải vững về chuyên môn, thành thạo về công nghệ thông tin, có kỹ năng ứng xử và tinh thần trách nhiệm cao.

Hiện UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm tiếp thu đầy đủ các ý kiến thảo luận tại hội nghị, tiếp tục tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các sở, ngành, địa phương để sớm hoàn thiện dự thảo các văn bản làm bộ khung pháp lý cho tổ chức hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Văn phòng UBND tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; lập danh mục thủ tục hành chính liên thông các sở, ngành địa phương, nghiên cứu rà soát việc đơn giản các thủ tục trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính.

Trước mắt, đối với những thủ tục hành chính có tính đặc thù, có yêu cầu hồ sơ phức tạp thì chưa đưa ra phục vụ tại Trung tâm. Khẩn trương hoàn thành các trang thiết bị, hạ tầng công nghệ để đảm bảo cho Trung tâm dịch vụ hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

Riêng đối với công tác xây dựng chính quyền điện tử, hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh (Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành; Cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử; Hội nghị truyền hình trực tuyến…) được triển khai đến 100% các cơ quan, đơn vị và sớm hoàn thành việc kết nối theo yêu cầu với các hệ thống của quốc gia; nền tảng Chính quyền điện tử đang được xây dựng trên cơ sở đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tận dụng, kế thừa hạ tầng kỹ thuật, thiết bị sẵn có để phát triển, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

Hiện 100% cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến xã đã thiết lập mạng LAN để kết nối các máy tính trong nội bộ cơ quan, đơn vị phục vụ ứng dụng các phần mềm chuyên ngành, các hệ thống thông tin của tỉnh qua đường truyền Internet cáp quang băng thông rộng; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có máy tính sử dụng tại cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%, tại cấp xã đạt khoảng 85%.

Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử thời gian qua đã góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng hiệu quả. Năm 2019, tỉnh Ninh Bình được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT, tăng 1 bậc so với năm 2018, đứng thứ 15 trong tổng số 63 tỉnh thành của cả nước.

Nam Anh