Niềm vui có nước sinh hoạt của người dân Chuế Cầu

- Thứ Năm, 03/10/2019, 17:32 - Chia sẻ
Sau khi hệ thống cung cấp nước sạch thôn Chuế Cầu, xã Hà Lâm khánh thành và bàn giao, bà con nông dân thôn đã được sử dụng nguồn nước sạch hàng ngày. Công trình đã góp phần quan trọng cải tạo chất lượng vệ sinh môi trường nông thôn, bảo đảm sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Khan hiếm nước sạch

Trong nhiều năm, thôn Chuế Cầu, xã Hà Lâm, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa vẫn trong tình trạng khan hiếm nguồn nước sạch. Do kết cấu địa chất đặc thù của địa phương, nhiều năm trở lại đây, người dân vẫn phải chịu cảnh “loay hoay” với nguồn nước giếng khơi, giếng khoan vốn dĩ không đảm bảo vệ sinh, cộng với chi phí cho việc khoan giếng cao.

Một người dân sống tại thôn Chuế Cầu, xã Hà Lâm cho biết: “Từ trước đến nay, chúng tôi chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm. Nước bơm lên rất nhiều cát, lượng nước thì ít, mùa mưa lũ nước bẩn vô cùng, sinh hoạt rất khó khăn.”

Nhiều trường học trên địa bàn xã thiếu nước trầm trọng, một số nơi không có nước sạch phục vụ sinh hoạt cho các cháu học sinh cũng như các giáo viên. Trường Mầm non khu B xã Hà Lâm, trong thời gian dài không có nước sạch sinh hoạt, các cháu khi đến thời gian nghỉ trưa đều phải chờ phụ huynh đến đón về nhà để ăn. Không có nước sạch, việc đảm bảo nguồn nước phục vụ học tập và sinh hoạt của học sinh gặp nhiều khó khăn; nhà trường cũng khó kiểm soát chất lượng nguồn nước mà phụ huynh mang đến hàng ngày.  Hiện trên địa bàn, học sinh sử dụng nước uống hàng ngày dưới các hình thức: Nước sôi do nhà tường tự đun nấu, do gia đình tự túc cho con, hoặc nước đóng bình tinh khiết hoặc sử dụng hệ thống máy lọc nước.

Nhắc về những ngày “khát” nước, bà T, người dân thôn Chuế Cầu cho biết: Lâu nay gia đình tôi dùng nước giếng đào, hoặc nước mưa để sinh hoạt. Mặc dù biết nước chưa qua xử lý không bảo đảm vệ sinh, nhưng vẫn phải dùng”.

Được biết, số người được sử dụng nước hợp vệ sinh toàn tỉnh Thanh Hóa đã tăng lên đáng kể từ 74% năm 2012 đến 80,6% năm 2015 và đến nay trên toàn tỉnh đã có khoảng 94,4% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; trong đó có đến 50,3% người dân đã được sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế và xã hội còn khó khăn, mặt khác sự gắn kết của các địa phương, sự tham gia của người dân , cộng động tại một số địa phương vẫn còn hạn chế, vì vậy cho đến nay vẫn còn nhiều xã, nhiều hộ gia đình, nhất là các hộ nghèo còn đối mặt với vấn đề thiếu nước sạch sinh hoạt, chưa thực sự hợp vệ sinh.

Việc sử dụng nguồn nước không đảm bảo đã dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe con người. Các bệnh tiêu chảy, hội chứng lỵ, lỵ trực khuẩn là 3 trong số 10 bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất, trong đó tiêu chảy là bệnh đứng thứ 6 trong các bệnh có tỷ lệ tử vong lớn nhất.

 Ông Nguyễn Kiều Cương, đại diện Viện dân số, sức khỏe và phát triển (PHAD) cho biết, sắp tới Viện PHAD  sẽ tiếp tục chuỗi hoạt động giáo dục, truyền thông sử dụng nước sạch đúng cách và tiết kiệm tới các trường học. Huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp và các bên liên quan khác trong việc hỗ trợ bảo vệ sức khoẻ môi trường cho trẻ em và cộng đồng người dân tại Thanh Hoá và các địa bàn khác trên cả nước. Đặc biệt ưu tiên các địa phương miền núi khó khăn về nguồn nước sạch.

Tiếp cận nước sạch - niềm vui bình dị vùng nông thôn

Từng phải rất cẩn thận trong việc sử dụng nước, thế nên khó diễn tả hết niềm vui của người dân cụm dân cư số 5, thôn Chuế Cầu, khi sau một thời gian thi công, công trình hệ thống cấp nước sạch do Viện dân số, sức khỏe và phát triển (PHAD) đã phối hợp với các đơn vị liên quan với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) tiến hành xây dựng. Tính đến thời điểm hiện tại, công trình bao gồm: 4 hệ thống tại 4 điểm trường (trường mần non khu A và khu B; trường tiểu học và trường trung học cơ sở Hà Lâm) và 1 hệ thống tại cụm dân cư số 5, thôn Chuế Cầu. Hệ thống sẽ cung cấp đầy đủ nước sạch sinh hoạt cho 110 hộ dân tại cụm dân cư 5 và 654 học sinh cùng giáo viên trên địa bàn xã Hà Lâm.

Bà T không giấu được nụ cười: “Ngay khi có nước sạch, tôi đã đăng ký sử dụng luôn. Tôi là người đầu tiên đăng ký sử dụng nước sạch, tôi cũng là người đi vận động mọi người cung sử dụng nước sạch, hiện tại thì tôi đang trong ban quản lý nước sạch. Tôi cũng chờ khi hệ thống cấp nước sạch hoàn thiện thì mới xây nhà, nhà mới dùng cũng là nước mới, tôi vui lắm.”

Chia sẻ cùng niềm vui của người dân, ông Bùi Văn Hạ, Trung tâm Y tế huyện Hà Trung cho biết : “xã Hà Lâm là vùng ven sông, nước ô nhiễn rất nhiều, người dân mắc những căn bệnh về tiêu hoá, bệnh da liễu, bệnh về mắt rất nhiều, đặc biệt là mùa mưa lũ. Từ khi người dân thay đổi được tập quán sử dụng nước hợp vệ sinh hơn thì những căn bệnh trên có tỷ lệ giảm thiểu tương đối cao.”

Được biết, hệ thống cung cấp nước sạch nằm trong khuôn khổ dự án “Các hoạt động địa phương Việt Nam vì sức khoẻ môi trường” với sự tài trợ của USAID Việt Nam.

Mai Xuân Tùng