Sau Kỳ họp này, ĐBQH có nhiều điều để báo cáo cử tri

Niềm tin vào sự chuyển biến tốt hơn của Quốc hội, của Chính phủ, của đất nước

- Thứ Ba, 26/06/2012, 08:31 - Chia sẻ
ỦY VIÊN ỦY BAN TƯ PHÁP TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA chia sẻ: sau gần 30 ngày làm việc tại Kỳ họp thứ Ba, QH Khóa XIII, ĐBQH có nhiều cái để mang về báo cáo với cử tri, trong đó có niềm tin vào sự chuyển biến tốt hơn của Quốëc hội, của Chính phủ, của đất nước. Và nếu cử tri hỏi, Ông sẽ nói rằng, với quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân, chắc chắn, tình hình KT - XH sẽ tốt hơn lên…

Điểm nhấn tích cực của Kỳ họp thứ Ba: đối thoại thẳng thắn và thường xuyên giữa lãnh đạo QH, các cơ quan chuyên môn của QH với ĐBQH

- Nhìn lại Kỳ họp thứ Ba, QH Khóa XIII, cảm nhận của Đại biểu như thế nào?

- Kỳ họp thứ Ba, QH Khóa XIII có nhiều đổi mới, nhiều tiến bộ. Những người lãnh đạo QH đã lắng nghe tiếng nói của ĐBQH, lắng nghe sự góp ý, phản hồi của đại biểu về những nội dung được đặt lên bàn nghị sự của QH và chấp nhận hay không chấp nhận ý kiến của ĐBQH hoặc chấp nhận đến mức độ nào thì cũng đối thoại ngay với ĐBQH. Cá nhân tôi cho rằng, sự đối thoại thường xuyên và thẳng thắn giữa lãnh đạo QH, các cơ quan chuyên trách của QH và các ĐBQH là một điểm nhấn rất tích cực trong sinh hoạt của QH tại Kỳ họp này. Thời gian làm việc của QH tại Kỳ họp thứ Ba không nhiều, chỉ gần một tháng, nhưng có thể thấy rõ sự nỗ lực của QH, các cơ quan chuyên trách của QH và các cơ quan hữu quan trong việc cung cấp thông tin, thiết lập kênh thông tin trực tuyến giữa các ĐBQH, tiếp thu và giải trình khá đầy đủ, thẳng thắn các ý kiến của ĐBQH về các nội dung của Kỳ họp... Những nỗ lực này đã góp phần làm cho QH thực sự xứng tầm là cơ quan quyền lực nhà nước tối cao, đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ của ĐBQH, tôi thấy chất lượng tham gia đóng góp ý kiến của các ĐBQH tại Kỳ họp này chưa thực sự đồng đều.

- Kỳ họp thứ Ba, theo thường lệ là kỳ họp chủ yếu dành cho hoạt động lập pháp, song các vấn đề kinh tế, đặc biệt là Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế đã làm nóng không khí nghị trường và thu hút được sự quan tâm, chú ý của đông đảo cử tri, nhất là khi, tại Kỳ họp này, QH mới chỉ thảo luận, cho ý kiến về Đề án chứ chưa có quyết định mang tính pháp lý, ví dụ một nghị quyết của QH về Đề án này chẳng hạn. Đại biểu suy nghĩ thế nào về điều này?

- Quả thực, Đề án tái cơ cấu nền kinh tế hiện đang là vấn đề hết sức cấp bách. Trước Kỳ họp thứ Ba, nhiều cử tri cũng chờ đợi QH sẽ có quyết định mang tính pháp lý để nhanh chóng thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, cái mà chúng ta chờ đợi ở Đề án này là những biện pháp mang tính khả thi cao, có sự tác động, thậm chí phải tạo ra bước đột phá đối với thực tiễn. Đề án mà Chính phủ trình QH lần này được tích hợp từ những cái đã có, từ nghị quyết Đại hội Đảng và một số  chương trình đã có của Chính phủ... Gom lại như vậy thì thấy nội dung nào cũng đúng cả nhưng nếu chỉ dừng lại ở mức độ như thế thì tôi cho rằng, chúng ta không cần đề án đó. Một đề án phải dựa trên nền móng của riêng nó, tức là những khảo sát, thông tin để chứng minh tính hợp lý và tính khả thi của các biện pháp. Nhiều đại biểu không tán thành Đề án này bởi vì nó chưa có luận chứng thuyết phục.

- Như vậy có thể thấy rằng, việc QH chưa xác lập cơ sở pháp lý cho Đề án này mà chỉ xem xét, thảo luận để Chính phủ tiếp tục hoàn thiện là cần thiết, thưa Đại biểu?

- Cũng có ý kiến tiếc nuối khi đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa thể thông qua Đề án tái cơ cấu nền kinh tế vì đây là vấn đề cấp bách lắm rồi. Nhưng tôi nghĩ, chậm một chút mà có một Đề án chất lượng và khả thi cao thì tốt hơn. Nếu QH vội thông qua một Đề án không đạt yêu cầu thì sẽ rất lãng phí thời gian, tiền bạc và sẽ đi vào vết chân cũ. Không nên đặt vấn đề thà có còn hơn không mà phải đặt ngược trở lại, nếu không đạt yêu cầu thì không cần có để tránh lãng phí thời gian, tiền bạc và cơ hội của đất nước. Tất nhiên, mục tiêu vẫn là phải có một Đề án chất lượng, khả thi trong thời gian sớm nhất có thể.

Thực ra, qua thảo luận tại Tổ và tại Hội trường, tôi thấy ĐBQH chưa hài lòng vì thấy rằng Đề án thiếu những biện pháp cụ thể và đột phá, nên sẽ không có tác dụng nhiều như yêu cầu phải có. Có nhiều yếu tố chưa rõ như yếu tố nhân sự. Tái cơ cấu mà không xác định được ai là người đứng ra chủ trì thực hiện thì rất khó. Có những việc tự làm là vô cùng khó. Tôi không thể tự tái cơ cấu tôi được. Đó là điều bình thường. Một vấn đề nữa là những người đã từng làm việc theo cung cách cũ, sống trong nếp tư duy cũ mà bây giờ bảo họ phải thay đổi hoàn toàn tư duy, thay đổi hoàn toàn cách làm thì sao làm hiệu quả được? Tái cơ cấu đụng chạm rất nhiều đến lợi ích, đụng chạm rất nhiều đến thẩm quyền, đến quyền lực. Và khi đã xác định được rằng nhiệm vụ này sẽ đụng chạm nhiều đến lợi ích, thẩm quyền như vậy thì phải có cách thức tổ chức thực hiện, đặc biệt là cách thức tổ chức về mặt nhân sự thì mới đạt yêu cầu.

- Sau Kỳ họp này, cùng với những phân tích, đánh giá và gợi mở của các ĐBQH về các nội dung của Đề án, tin rằng, chúng ta sẽ sớm có một Đề án như mong muốn và yêu cầu đặt ra, thưa Đại biểu?

- Qua thảo luận về Đề án, QH cũng đã nêu rõ các quan điểm, yêu cầu đối với Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Thực ra, vấn đề chủ yếu khiến Đề án trình QH lần này chưa được QH đánh giá cao là vì việc xây dựng Đề án đã cho thấy sự chi phối về lợi ích. Nếu anh giao cho những người tự tái cơ cấu chính họ thì làm sao họ có thể xây dựng được một Đề án chất lượng và khả thi được? Có thể Chính phủ cần thay đổi cách làm. Nếu là tôi thì tôi rất muốn sử dụng các chuyên gia độc lập, kể cả chuyên gia trong nước và chuyên gia nước ngoài vì họ không phải chịu sự ràng buộc của nhóm lợi ích nào cả, họ sẽ trình ra một sản phẩm tốt và trên cơ sở đó, QH có thể cân nhắc, quyết định.

Sau Kỳ họp thứ Ba, tôi có nhiều cái để mang về cho cử tri...

- Khi tham dự Kỳ họp thứ Ba, Đại biểu mang theo những tâm tư, nguyện vọng gì của cử tri?

- Cử tri thành phố Hồ Chí Minh có hai điều bức xúc: kinh tế suy thoái, lạm phát và sau khi giảm lạm phát thì vấn đề đình đốn, tình hình xã hội chung bất ổn. Qua phát biểu thảo luận của các ĐBQH khác tại Kỳ họp lần này thì tôi thấy có lẽ đó cũng là mối quan tâm chung của cử tri cả nước. Đời sống người dân bị ảnh hưởng khá nhiều bởi thu nhập giảm và giá cả tăng. Điều đáng nói là, người dân là chủ thể của quyền lực nhà nước thì trong tình hình vừa qua, họ lại là những người thấy bất an nhất. Tôn chỉ mục đích của chúng ta là một nhà nước pháp quyền “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Lẽ ra, nhân dân – chủ nhân của đất nước phải yên ổn và nếu như có bị ảnh hưởng thì phải ít bị ảnh hưởng nhất nhưng tình hình vừa qua lại không như vậy. Khi tôi đi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp này, cử tri mong muốn và kỳ vọng QH sẽ có những động thái, chủ trương mạnh mẽ hơn nữa để xoay chuyển tình hình.

- Vậy, theo Đại biểu, những quyết đáp của QH tại Kỳ họp này đã đủ mạnh mẽ để xoay chuyển tình hình hay chưa? Và đã đáp ứng được mong muốn của cử tri hay chưa?

- Tại Kỳ họp này, QH đã xới lên được rất nhiều vấn đề quan trọng, nhất là trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Đi sâu vào trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành đối với các tập đoàn đầu tư dàn trải, tham nhũng, lãng phí, thì bộ, ngành nói tôi không có trách nhiệm gì, nhưng xới lên thì thấy rõ ràng rằng các bộ, ngành có trách nhiệm trong vấn đề này. Có một số việc đại biểu đề nghị có những kết quả, tín hiệu đáng mừng, ví dụ như Luật Phòng, chống tham nhũng vẫn giữ nguyên theo chương trình cũ chứ không chậm lại. Luật Đất đai sẽ có những sửa đổi sớm hơn so với dự kiến, rồi thông qua được một số luật mà cử tri rất chờ đợi như Luật Biển, Luật Xử lý vi phạm hành chính...

Còn về sự hài lòng của cử tri, tôi nghĩ, sẽ không bao giờ có sự hài lòng hoàn toàn được. Khi báo cáo kết quả Kỳ họp với cử tri, ĐBQH cũng cần nói rõ cho cử tri những quyết sách của QH đã được hình thành như thế nào. Những gì đã làm được thì nói là đã làm được, nếu như có chuyển biến tốt thì nói là chuyển biến tốt. Cái gì chưa làm được thì cũng cần báo cáo để cử tri hiểu và chia sẻ với ĐBQH, với Nhà nước. Sau một tháng tham dự Kỳ họp, là một ĐBQH, tôi có nhiều cái để mang về báo cáo với cử tri, nhưng cũng chưa thật hoan hỷ vì trong những điều mang về đó có một bộ phận mới chỉ là những lời hứa và cam kết thôi, vẫn phải chờ hành động của các cơ quan hữu quan nữa. 

- Với công việc chuyên môn của mình, Đại biểu sẽ theo dõi hành động, giám sát việc thực hiện lời hứa của các cơ quan hữu quan đó như thế nào? 

- Tôi sẽ chủ động bám sát thông tin từ các nguồn trực tuyến, hàng ngày qua báo chí cũng như tài liệu của các hội nghị, hội thảo, thông tin từ các giới đầu tư trong nước và ngoài nước. Với tư cách luật sư tư vấn cho doanh nghiệp, tôi có điều kiện tiếp cận thông tin thuận lợi hơn và từ đó theo dõi tình hình sát hơn. Ví dụ nhiều hội thảo của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức như WB, ADB, các hiệp hội doanh nhân nước ngoài... người ta nói rất thẳng thắn về những ưu khuyết trong hoạt động quản lý, điều hành của các bộ, ngành. Vừa rồi, qua theo dõi, tôi thấy họ đóng góp ý kiến về rất nhiều dự án luật cho chúng ta. Ví dụ như Luật Giá chẳng hạn, qua tiếp xúc, các chuyên gia nước ngoài đã lưu ý tôi về việc bảo đảm các cam kết quốc tế về quản lý giá cả. Tôi nghiên cứu kỹ hơn các cam kết này và khi phát biểu đóng góp ý kiến về dự án Luật Giá, tôi đã yêu cầu Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương phải rà soát các cam kết này và các nội dung của dự thảo Luật để bảo đảm khi dự thảo luật trình QH thì không bị vướng các cam kết quốc tế. Tất nhiên, tôi sẽ tiếp tục theo dõi vấn đề này.

- Sau gần 30 ngày làm việc của Kỳ họp thứ Ba, Đại biểu đã thấy nhẹ lòng hơn chưa?

- Nhìn chung, một tháng diễn ra Kỳ họp, ĐBQH nào cũng phải làm việc cực nhọc. Tôi là đại biểu kiêm nhiệm, vẫn phải tranh thủ làm công việc chuyên môn của mình, nhưng trong Kỳ họp thì công việc của đại biểu QH là chính. Bên cạnh việc nghiên cứu tài liệu, đóng góp ý kiến vào các dự án luật, tờ trình, báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, tôi cũng phải lắng nghe cử tri, bạn bè, đồng nghiệp về những vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra, những vấn đề mà QH đã và đang đặt lên bàn nghị sự có đáp ứng được lòng mong mỏi của cử tri và nhân dân hay không. Điều quan trọng là, sau Kỳ họp, tôi tin vào sự chuyển biến tốt hơn của đất nước. Nếu cử tri hỏi tôi thì tôi sẽ nói với cử tri rằng, ngoài nỗ lực của QH, Chính phủ, quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị, người dân là những chủ nhân của đất nước cũng phải làm việc, phải nỗ lực hơn nữa. Ví dụ vấn đề ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông chẳng hạn thì chính người dân phải chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật về giao thông. Hay việc chống lại sự xâm nhập thị trường trái phép của người nước ngoài thì chính người dân phải tự vệ, phải tự tổ chức lại, đừng chạy theo cái lợi trước mắt, ngắn hạn... Thực tế, có nhiều vấn đề phức tạp, có hại là do một bộ phận người dân ham lợi nhuận trước mắt chứ không phải là do quản lý Nhà nước và khi hậu quả xảy ra thì không thể đổ lỗi hoàn toàn cho Nhà nước được. Chính những ông chủ của đất nước cũng phải có trách nhiệm hơn với bản thân mình và có trách nhiệm hơn với đất nước mà mình làm chủ.

- Xin cám ơn Đại biểu!

B. Long thực hiện; Ảnh: Quang Khánh