Câu chuyện Đại biểu

Niềm tin và trách nhiệm

- Thứ Sáu, 22/05/2020, 09:52 - Chia sẻ
Chỉ tay xuống mương nước bên đường, Chủ tịch UBND xã Tân Lập nói: Chỉ cần nửa mương nước này thôi, nhưng phải duy trì nhiều giờ là bà con có nước chống hạn, cứu cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái... Khoảng 10 phút sau, xe của chúng tôi và Bí thư Huyện ủy Kon Rẫy U Huấn đến ngay cống nhận nước vào mương thủy lợi. Một đoạn sông Đăk Snghé, mương dẫn nước từ sông Đăk Snghé vào cửa nhận nước và mương thủy lợi ngày hôm qua trơ đáy thì hôm nay nước đã chảy tràn...

Từ một cuộc điện thoại khẩn thiết của cử tri

Sáng 12.3.2020, tôi ngồi cùng xe với Trưởng ban Pháp chế của HĐND tỉnh Kon Tum đi giám sát việc chấp hành pháp luật về tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Bỗng điện thoại của Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh reo:


Nước tràn vào cống lấy nước và xuống sông Ảnh: Hải Hiển

- A lô, tôi nghe đây.

- Thưa anh, em là Nguyễn Văn Nam - Trưởng thôn 3. Em đại diện cho cử tri xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy báo cáo anh là nửa tháng nay bà con trong xã đã thiếu nước để sản xuất, cây trồng bị ảnh hưởng nên thiệt hại chắc không nhỏ. Quá bức xúc, bà con đã kéo lên xã đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ. UBND xã đã yêu cầu thủy điện xả nước để bà con sản xuất, chống hạn cho cây trồng nhưng không được nên báo cáo lên huyện để can thiệp, giúp đỡ cũng không được. Nhờ đại biểu giúp đỡ cử tri và bà con chúng em.

- Tôi đang đi giám sát tại Trại tạm giam Công an tỉnh nên không thể xuống ngay được! Anh khuyên bà con hết sức bình tĩnh, tiếp tục nắm chắc tình hình và điện báo tôi. Tôi sẽ bố trí, sắp xếp công việc rồi xuống ngay.

Vừa dứt lời với Trưởng thôn 3 Nguyễn Văn Nam, anh bấm điện thoại:

- A lô, em M ở Đài PT-TH tỉnh phải không? Anh vừa nhận thông tin cử tri báo là thủy điện không chịu xả nước để Nhân dân xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy chống hạn, cứu cây trồng. Anh đã điện cho lãnh đạo và các ngành chức năng ở huyện rồi. Đề nghị đài cử phóng viên xuống quay phim, chụp ảnh ngay bây giờ.

Rồi anh quay sang bảo:

- Chú M ghi giúp anh số điện thoại 036 5740... Đó là số máy của thôn Trưởng thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy - người vừa gọi điện phản ánh với anh về việc thủy điện không xả nước để Nhân dân có nước sản xuất và cứu cây trồng.

- Chú ghi số máy của Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy là 0914...

- Em M ghi số máy của Trưởng thôn 3, xã Tân Lập là...; số máy của Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy là... Tôi đọc từng con số để anh đọc lại cho chị M bên Đài PT-TH tỉnh.

- Anh có xuống được không. Chị M hỏi?

- Anh không xuống ngay bây giờ vì đang giám sát Trại tạm giam Công an tỉnh. Anh đã điện đề nghị Chủ tịch UBND huyện, UBND xã Tân Lập... rồi. Có gì nữa thì em cứ gọi điện cho anh!

Lúc này, vị đại biểu HĐND tỉnh ngồi cùng xe lên tiếng: “Bác” có uy tín với cử tri, đúng là đại biểu của Nhân dân. Đề nghị “Bác” tiếp tục ứng cử nhiệm kỳ sau!

Công tác cùng anh tuy chưa nhiều nhưng tôi biết chắc chắn là ngày mai anh sẽ đi huyện Kon Rẫy (đơn vị mà anh ứng cử đại biểu HĐND) để làm cho rõ vì sao thủy điện không xả nước để Nhân dân sản xuất, cứu cây trồng.

Trực tiếp xuống địa bàn giải quyết

Anh gõ cửa phòng tôi và bước vào. Chú đi Kon Rẫy với anh có được không?

Dạ! được. Thế là tôi xách cặp và máy ảnh đã chuẩn bị sẵn để đi theo anh.

Vừa lên xe, anh rút điện thoại ra gọi:

- Xin phép anh cho tôi vắng họp sáng nay “về thẩm định phương án định giá đất cụ thể tính tiền bồi thường” để xuống huyện Kon Rẫy làm cho rõ vì sao thủy điện không xả nước cho Nhân dân sản xuất, chống hạn, cứu cây trồng. Hôm qua cử tri đã báo cho tôi... và họ rất bức xúc. Vâng, cảm ơn anh!

Vừa dứt lời, anh tiếp tục bấm điện thoại hẹn Bí thư Huyện ủy Kon Rẫy U Huấn để cùng đi.

- A lô, chúng ta gặp nhau ở đâu?

- Anh chờ em tại xã Đăk Tờ Re.

Khoảng 5 phút sau, xe của Bí thư Huyện ủy Kon Rẫy đến và chúng tôi lên đường.

Hai chiếc xe vừa đến cổng UBND xã Tân Lập thì lập tức Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã lên xe của chúng tôi để cùng đi.

Vừa lên xe, Chủ tịch UBND xã Tân Lập Đặng Tuấn Tịnh có vẻ bức xúc:

- Ngày hôm qua anh gọi điện, huyện và xã có làm việc và lập biên bản nhưng bên thủy điện họ không ký. Lúa nước thì có 1,9ha chứ cây trồng ảnh hưởng thiệt hại rất lớn. Hiện, toàn xã có 106,8ha bị ảnh hưởng do thiếu nước tưới. Trong đó: Cây cà phê 92ha; cây tiêu 5,7ha; cây ăn trái 9,1ha. Cây cà phê mà thiếu nước thì năm 5 sau chưa chắc đã hồi phục được. Bà con không cần thủy điện xả nhiều nước, chỉ cần xả đúng quy định của Nhà nước là 1,29m3/s hoặc khoảng 0,5-0,6m3/s nhưng phải xả thường xuyên 24/24giờ.

- Chỉ tay xuống mương nước bên đường, Chủ tịch UBND xã nói: Chỉ cần nửa mương nước này thôi, nhưng phải duy trì nhiều giờ là bà con có nước chống hạn, cứu cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái. Thủy điện xả nước 2 lần/ngày, mỗi lần khoảng 1 đến không quá 2 tiếng là bà con khó cứu được cây trồng.

Khoảng 10 phút sau, xe của chúng tôi và Bí thư Huyện ủy Kon Rẫy U Huấn đến ngay cống nhận nước vào mương thủy lợi.

Một đoạn sông Đăk Snghé, mương dẫn nước từ sông Đăk Snghé vào cửa nhận nước và mương thủy lợi ngày hôm qua trơ đáy thì hôm nay nước đã chảy tràn…

Anh cùng Bí thư Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Lập khảo sát cống lấy nước, van xả nước... trao đổi một số việc và cùng hướng về phía thượng nguồn. Một lúc sau, chúng tôi lên xe trở về thành phố Kon Tum.

Có lẽ cử tri huyện Kon Rẫy và tôi luôn tin tưởng rằng: Nếu thủy điện Đăk Ne để tái diễn tình trạng như vừa qua thì anh sẽ có mặt ngay!

HẢI HIỂN