Niềm tin của nhân dân - thước đo vai trò lãnh đạo của Đảng

- Thứ Hai, 28/01/2019, 08:01 - Chia sẻ
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân nhân kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2019), nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS.TS. NGUYỄN TRỌNG PHÚC cho rằng, niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng được tạo dựng từ đường lối đúng đắn, năng lực thực thi, và những thắng lợi to lớn đạt được thời gian qua.

Nhiều yếu tố giúp tạo dựng niềm tin

- Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm giải quyết những vấn đề của đất nước được cho là chưa bao giờ lớn và sâu sắc như hiện nay. Nhìn suốt chặng đường lịch sử 89 năm qua, ông thấy những yếu tố nào giúp tạo dựng niềm tin này?


Nếu như nâng cao năng lực lãnh đạo cách mạng góp phần tạo nên và khẳng định vị thế, sức mạnh cầm quyền của Đảng, thì nâng cao sức chiến đấu sẽ góp phần củng cố và tạo nên uy tín, danh dự của Đảng. Đây là hai mặt, hai chỉnh thể thống nhất của một vấn đề mà khi tuyệt đối hóa hay coi nhẹ bất cứ mặt nào cũng ảnh hưởng đến sức mạnh lãnh đạo của Đảng. Thấu suốt điều đó, Đảng ta, cụ thể là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đề ra nhiều chủ trương, nội dung, giải pháp để không ngừng nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở.

PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc

- Từ khi ra đời đến nay, trong 89 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện đã tạo dựng được niềm tin với mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân. Niềm tin này được tạo dựng trước tiên từ đường lối chính trị đúng đắn để dẫn dắt sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm biến đổi sâu sắc đời sống dân tộc.

Trong đó, 4 đường lối nổi bật nhất phải kể đến gồm: Cương lĩnh tháng 10.1930, Cương lĩnh thứ hai tháng 2.1951, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội tại Đại hội VII năm 1991, và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

Niềm tin này cũng được tạo dựng nhờ năng lực triển khai thực hiện của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Từ những ngày đầu tiên thành lập đến Cách mạng tháng Tám, năng lực của tổ chức Đảng, khả năng lãnh đạo, tổ chức của cán bộ đã giúp tạo ra thắng lợi to lớn của dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và quá trình đổi mới sau này bao giờ cũng có một lực lượng cán bộ kiên trung đi đầu, dẫn dắt và tổ chức thực hiện mới đưa đến những thắng lợi cụ thể.

Một yếu tố khác cần được đề cập đến là những thắng lợi cụ thể của cách mạng. Trước hết là thực hiện thành công Cách mạng tháng Tám, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, chế độ thuộc địa, giành chính quyền về tay nhân dân, mở ra một thời kỳ mới cho dân tộc. Thứ hai là chiến thắng oanh liệt trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, để giành lại độc lập đất nước vào năm 1975, và tiếp tục sau đó là thắng lợi trong chiến tranh biên giới phía Tây, biên giới phía Bắc để giữ vững chủ quyền đất nước. Thứ ba là thắng lợi của hơn 30 năm đổi mới, với nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, và làm biến đổi sâu sắc đất nước.

Những thắng lợi mang tính chất thời đại này là thước đo cho sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.

- Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng thắn có thể thấy, trong chặng đường lịch sử vừa qua, bên cạnh những thuận lợi và thành tựu to lớn, không phải không có những lúc khó khăn, niềm tin của một bộ phận nhân dân giảm sút, thưa ông?

- Thời điểm đầu tiên phải nhắc đến là trước khi nước ta tiến hành công cuộc đổi mới năm 1986. Khủng hoảng kinh tế, đời sống khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội căng thẳng đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân. Nhưng bằng đường lối đổi mới của Đại hội VI của Đảng và một số chính sách phù hợp đã thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và có những thay đổi nhất định từ sau năm 1990, giúp lấy lại niềm tin của nhân dân.

Trong quá trình đổi mới, có thời điểm, vì sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, rồi tình trạng tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm… gây ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân, đảng viên. Ngay khi phát hiện những dấu hiệu này, Đảng đã tập trung vào chỉnh đốn hệ thống, thực hiện đấu tranh quyết liệt với tham nhũng và biểu hiện tiêu cực, suy thoái trong nội bộ. Sự nghiệp này còn phải tiến hành lâu dài và quyết liệt, nhưng một số thành công bước đầu từ Đại hội XII của Đảng đến nay, có thể khẳng định đã và đang giúp củng cố niềm tin của nhân dân. Đây cũng là một nhân tố giúp nước ta đạt kết quả toàn diện trong năm 2018, khi tăng trưởng đạt mức cao nhất trong 10 năm qua (7,08%). Đời sống người dân không ngừng cải thiện, chính trị ổn định, đối ngoại mở rộng, vị thế của Việt Nam nâng cao, nội lực được phát huy tốt nhất. 

Niềm tin sẽ tạo “sức bật” cho đất nước

- Theo ông, đâu là cội rễ của niềm tin được củng cố và nâng cao này?

- Những kết quả đạt được thời gian qua có thể thấy, vấn đề niềm tin sẽ được đặt ra nếu như cán bộ, đảng viên mắc sai lầm, khuyết điểm. Thực tiễn này đòi hỏi  phải xác định được đường lối đúng đắn, triển khai hiệu quả, cũng như luôn chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Các nhiệm vụ này được thực hiện tốt, thì chắc chắn niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân với Đảng sẽ không ngừng được củng cố, tạo sức bật cho quá trình phát triển đất nước.

- Để tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần chú trọng những vấn đề gì, thưa ông?

- Để tiếp tục đẩy mạnh công tác này cần tiếp tục triển khai có hiệu quả hơn nữa các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII về chỉnh đốn, xây dựng Đảng, phòng ngừa suy thoái, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Nghị quyết số 18-NQ/TW Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Ngoài ra, phải thực hiện tốt Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (Quy định số 08-QĐ/TW). Các nghị quyết, quy định này được tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả trong 2 năm tới sẽ là bước chuẩn bị tốt cho Đại hội XIII của Đảng, giúp chúng ta có tầm nhìn rộng hơn, dài hơn.

- Thực tế, một số dự án luật có liên quan đã được đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, để góp phần triển khai thực hiện những Nghị quyết nêu trên…, thưa ông?

- Việc bổ sung một số dự án luật liên quan đến triển khai các nghị quyết về sắp xếp tổ chức bộ máy, công tác cán bộ vừa thể hiện quyết tâm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, vừa bảo đảm nguyên lý của một nhà nước pháp quyền XHCN. Qua theo dõi có thể thấy, những dự án luật này cơ bản được xây dựng công phu, dựa trên kết quả nghiên cứu công phu, cũng như đánh giá kỹ càng đòi hỏi của đất nước trong thời kỳ mới.

- Xin cảm ơn ông!

Lê Bình thực hiện