Niềm tin của nhà đầu tư

- Thứ Tư, 31/07/2019, 08:00 - Chia sẻ
Với chức năng quản lý nhà nước đối với các KCN, những năm qua, Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) của Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt vai trò tham mưu quy hoạch, xây dựng, phát triển các KCN. Qua đó, góp phần tích cực đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, thúc đẩy phát triển nền kinh tế - xã hội mạnh mẽ trên địa bàn.

Phát huy vai trò kết nối đầu tư

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các KCN tập trung trên địa bàn, năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 190/1998 thành lập Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc. Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Ban đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, bảo đảm đủ thẩm quyền và nguồn lực để quản lý các KCN theo hướng một cửa, một đầu mối. Thời gian qua, Ban đã thực hiện tốt vai trò tham mưu quy hoạch, xây dựng, phát triển các KCN, từ đó góp phần quan trọng hình thành hệ thống các KCN đồng bộ và hiện đại, không chỉ đáp ứng yêu cầu định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn đáp ứng tốt nhu cầu thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Nếu như trước kia, toàn tỉnh chỉ có 1 KCN thì đến nay, Vĩnh Phúc đã quy hoạch 18 KCN với quy mô trên 5.200ha, trong đó đã có 11 KCN được thành lập với diện tích trên 2.000ha.


Công ty Shinwon Ebenezer tại KCN Khai Quang, TP Vĩnh Yên tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương
Ảnh: X. Việt 

Có thể khẳng định, thời gian qua, việc thực hiện cải cách hành chính (CCHC) theo cơ chế “một cửa, một đầu mối” của Ban là sự đóng to lớn, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp đến với Vĩnh Phúc. Ngay từ những ngày đầu, các nhà đầu tư khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại Ban đều được rút ngắn 2/3 thời gian theo quy định. Hồ sơ, quy trình giải quyết TTHC được niêm yết công khai, minh bạch và được các nhà đầu tư đánh giá cao. Kết quả CCHC của Ban đã góp phần vào cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đưa tỉnh Vĩnh Phúc nhiều năm vào Top 10 của cả nước.

Không chỉ tạo điều kiện thông thoáng về mặt thủ tục, công tác xúc tiến đầu tư cũng được Ban đẩy mạnh thực hiện. Theo Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bùi Minh Hồng, xác định xúc tiến đầu tư là một trong những nhiệm vụ then chốt, Ban đã chủ động tìm kiếm và trực tiếp tham gia nhiều chương trình xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước nhằm giới thiệu môi trường đầu tư của tỉnh nói chung và của các KCN trong tỉnh nói riêng. Đặc biệt, việc chủ động tạo quỹ đất sạch với mức giá cho thuê hạ tầng KCN hợp lý đã và đang tạo được lợi thế cạnh tranh so với các KCN ở các tỉnh thành lân cận, từng bước tạo được môi trường đầu tư có tính riêng biệt, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc khẳng định sẽ luôn tiếp tục đồng hành với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập trung sức lực và trí tuệ, nỗ lực phấn đấu, đoàn kết để trở thành địa chỉ tin cậy cho các nhà đầu tư; cùng nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phấn đấu đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm sáng điển hình cho phát triển Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc Bùi Minh Hồng

“Đối với các KCN đang giải phóng mặt bằng hoặc chưa có chủ đầu tư hạ tầng, Ban chủ động đề xuất với UBND tỉnh, đồng thời, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành hỗ trợ DN đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt  bằng để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; tìm kiếm các nhà đầu tư hạ tầng có tiềm năng. Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong các KCN, Ban luôn khuyến khích, hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi cho các DN hoạt động đầu tư, kinh doanh hiệu quả. Với những nỗ lực đó, sau hơn 20 năm, các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã đón 16 quốc gia và vùng lãnh thổ vào đầu tư, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như: Honda, Toyota, Piaggio, Foxconn... Đến nay, trong các KCN đã có 221 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 80% tổng số dự án đầu tư. Vốn giải ngân của các dự án hàng năm tăng mạnh, tỷ lệ vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 60%;  các dự án DDI đạt 47,1% tổng vốn đăng ký” - ông Hồng chia sẻ.

Tiếp tục sẻ chia cùng doanh nghiệp

Có thể khẳng định, việc xây dựng, phát triển các KCN tại Vĩnh Phúc thời gian qua đã kéo theo sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, góp phần tích cực vào việc đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh. Tuy nhiên, câu chuyện thu hút đầu tư vào các KCN ở Vĩnh Phúc vẫn còn nhiều hạn chế. Thực tế, trong quá trình chỉ đạo, điều hành hoạt động quản lý nhà nước về KCN, Ban gặp không ít khó khăn do hành lang pháp lý quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban còn nhiều chồng chéo, bất cập… Bên cạnh đó, công tác bồi thường, GPMB tại các KCN còn vướng mắc. Nguyên nhân do công tác điều chỉnh quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết còn chậm; người dân thường có tâm lý chờ đợi tăng giá bồi thường, không chịu bàn giao; sự phối hợp giữa chủ đầu tư với các đơn vị làm công tác này chưa được chặt chẽ, đã tác động không nhỏ đến kết quả bồi thường, GPMB, gây khiếu nại, kiến nghị trong nhân dân…

“Để khắc phục những hạn chế trên, Ban đã tham mưu cho UBND tỉnh có giải pháp thúc đẩy tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng tại các KCN để các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN theo tiến độ đăng ký; tạo quỹ đất để thu hút đầu tư, đón dòng đầu tư mới, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ thị trường tiềm năng như, Hoa Kỳ và EU. Đồng thời, cũng đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương giảm quy mô đầu tư, loại bỏ phần diện tích đất chưa giải phóng mặt bằng; xem xét thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư với các KCN chưa giải phóng mặt bằng hoặc tiến độ giải phóng mặt bằng còn chậm so với quy định…” – ông Hồng nêu giải pháp.

Để hoạt động của Ban Quản lý các KCN tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì đề nghị: Ban cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân nắm bắt, hiểu rõ chế độ, chính sách về đất đai, kế hoạch phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nghiên cứu, đề xuất áp dụng cơ chế, chính sách bồi thường của Nhà nước để chủ động tạo quỹ đất, làm tiền đề xây dựng đồng bộ hạ tầng các KCN. Đồng thời, Ban cần tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Đặc biệt, cần nhanh chóng đề xuất huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và các công trình tiện ích cho KCN. Phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu trong lĩnh vực đào tạo nghề cho thanh niên khu vực nông thôn, nhất là các vùng nông thôn bị thu hồi đất làm KCN, hướng tới xây dựng đội ngũ lao động có tác phong công nghiệp, có trình độ, kỹ năng, kỷ luật lao động.

XUÂN VIỆT