Mô hình đào tạo nghề kép ở Cộng hòa Liên bang Đức

Những yếu tố dẫn đến thành công

- Chủ Nhật, 29/09/2019, 10:10 - Chia sẻ
Những con số về tỷ lệ tìm được việc làm của học viên theo mô hình đào tạo nghề kép tại CHLB Đức đã chứng minh tính hiệu quả của mô hình này. Vậy đâu là những nhân tố dẫn đến thành công?

Sự phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp

Trong hệ thống đào tạo nghề kép của CHLB Đức, sự gắn kết giữa Chính phủ và ngành/doanh nghiệp thể hiện qua việc 2 bên cùng đầu tư vào hệ thống đào tạo nghề kép, cùng phối hợp với tổ chức công đoàn phát triển các ngành nghề đào tạo, xây dựng chuẩn đào tạo và việc tổ chức kiểm tra đánh giá người học. Để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đào tạo, Chính phủ còn đầu tư vào các trung tâm đào tạo (inter-company training centers) do các phòng thương mại quản lý để đào tạo bổ sung cho các nội dung doanh nghiệp không đủ năng lực để đào tạo trong doanh nghiệp (in - company training) theo chuẩn đào tạo tại doanh nghiệp. Sự gắn kết này bảo đảm đào tạo sát thực tiễn cũng như sự đồng thuận giữa các bên và cộng đồng về các quyết định trong đào tạo nghề.

Rõ ràng, sự gắn kết này mang lại lợi ích cho cả 2 bên. Chính phủ muốn doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề nhằm đáp ứng nguồn nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động và giảm được ngân sách đầu tư cho đào tạo nghề. Doanh nghiệp tham gia đào tạo để có nguồn lao động chất lượng, lại tiết kiệm chi phí tuyển dụng, và không phải đào tạo lại. Mặt khác, doanh nghiệp lại thu được lợi từ sự đóng góp của người học trong quá trình đào tạo và cũng là thực hiện trách nhiệm với xã hội.

Đào tạo tại nơi làm việc

Trong mô hình đào tạo kép, với 70% thời lượng đào tạo tại doanh nghiệp có nghĩa là người học được học thực hành rất nhiều trong môi trường làm việc thực tế. Điều này khuyến khích người học phấn đấu để bảo đảm nhận được các công việc của doanh nghiệp, giúp học sinh có động lực học tập, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học và thúc đẩy hòa nhập xã hội của người học.

Trong khi đó, phần lớn học sinh tại các trường nghề của Việt Nam hiện nay phải đợi đến kỳ học cuối mới được trải nghiệm và thực tập tại doanh nghiệp, như vậy thời lượng đào tạo tại môi trường làm việc thực tế chỉ chiếm khoảng 20% chương trình đào tạo. Các trường ở Việt Nam chưa có sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để thời gian thực tập, đào tạo tại doanh nghiệp đạt hiệu quả tối đa. Khi việc bố trí cho các em được trải nghiệm tại doanh nghiệp còn khó khăn thì việc nâng cao hiệu quả đào tạo thực hành tại trường nghề cũng là một giải pháp cần chú trọng. Cần tạo môi trường thực hành tại trường như môi trường làm việc tại doanh nghiệp, từ việc bố trí nhà xưởng, thiết bị, các yêu cầu về vệ sinh an toàn lao động, tác phong công nghiệp đến việc hướng dẫn, giảm sát, đánh giá kết quả thực hành đối với người học.

Chuẩn đào tạo quốc gia

Trong hệ thống đào tạo kép, việc tuân thủ chuẩn đào tạo bảo đảm chất lượng của bằng cấp dù đào tạo tại doanh nghiệp khác nhau ở các địa bàn khác nhau. Điều này tạo nhiều cơ hội việc làm hơn cho người học, tạo thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động và thúc đẩy học tập suốt đời.

Cụ thể, chuẩn đào tạo trong mô hình đào tạo kép gồm chuẩn đào tạo tại doanh nghiệp (training regulations) và chương trình khung (curriculum framework)  đào tạo các trường nghề. Chuẩn đào tạo tại doanh nghiệp do Bộ Liên bang (Federal Ministry) thường là Bộ Liên bang Công nghiệp và Năng lượng (BMWi) ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Liên bang Giáo dục và Nghiên cứu. Đã có chuẩn đào tạo cho 328 ngành nghề đào tạo (training occupations) trong hệ thống đào tạo nghề kép.

Chương trình, kế hoạch đào tạo tại doanh nghiệp bảo đảm hài hòa với chương trình khung tại các trường nghề để nội dung đào tạo tại 2 địa điểm phù hợp và bổ sung cho nhau. Chính phủ từng bang cũng căn cứ chuẩn đào tạo tại doanh nghiệp khi xây dựng hoặc cập nhật chương trình khung đào tạo tại trường nghề.

Điểm đáng chú ý là quy trình xây dựng, cập nhật chuẩn đào tạo nghề kép thường không kéo dài quá một năm để đáp ứng phát triển kinh tế và sự thay đổi công nghệ nhanh chóng. Doanh nghiệp là chủ thể chủ động xác định, đề xuất các nội dung mới tại nơi làm việc cần được đào tạo và căn cứ đề xuất của doanh nghiệp, Viện BIBB là cơ quan nghiên cứu của Chính phủ Liên bang phối hợp với các chuyên gia từng ngành, nghề (do ngành/người sử dụng lao động đề xuất) và các tổ chức công đoàn để xây dựng các chuẩn đào tạo tại doanh nghiệp. Viện BIBB cũng nghiên cứu, xuất bản các tài liệu hướng dẫn thực hiện các chuẩn đào tạo trong doanh nghiệp như: Giải thích mục tiêu học tập trong kế hoạch đào tạo chung, hướng dẫn cho người dạy, người kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo, hướng dẫn với người học, kết cấu bài thi, cách thức thiết kế kế hoạch đào tạo, mẫu biểu sử dụng...

Chất lượng cao và chế độ đãi ngộ tốt

Một yếu tố chủ chốt tạo ra hiệu quả cao của hệ thống đào tạo nghề kép ở Đức là chất lượng cao, chế độ đãi ngộ tốt. Đây là động cơ khuyến khích mạnh của giáo viên trong cả hai bộ phận, tại trường nghề và tại công ty.

Người dạy trong doanh nghiệp và giáo viên trường nghề được CHLB Đức được coi là “xương sống” trong hệ thống đào tạo nghề quốc gia. Giáo viên tại trường nghề hay người dạy tại doanh nghiệp (dạy toàn thời gian) phải đáp ứng các yêu cầu rất cao về bằng cấp, chuyên môn nghề, kỹ năng sư phạm và kinh nghiệm thực tế tại nơi làm việc. Còn người dạy bán thời gian trong doanh nghiệp không phải đáp ứng yêu cầu về bằng cấp nhưng phải giỏi kỹ năng nghề.

Các giáo viên đào tạo tại doanh nghiệp được lựa chọn từ các xưởng và phòng làm việc của công ty và phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc. Họ còn phải là những người có đủ năng lực sư phạm và chuyên môn để tham gia giảng dạy. Họ không chỉ phải có chứng chỉ thợ chính thức của ngành mà còn phải qua 1,5 năm đào tạo thêm tại các lớp học buổi tối của trường kỹ thuật, trải qua một kỳ thi tốt nghiệp để được xác nhận trình độ về cả chuyên môn lẫn sư phạm. Đối với những người được lựa chọn làm giáo viên, họ có quyền lợi đi kèm là được chuyển hẳn từ vị trí sản xuất như là “công nhân cổ xanh” sang vị trí làm việc của tầng lớp nhân viên cổ trắng, với 20 giờ dạy trong một tuần, thay cho khoảng thời gian tăng gấp đôi làm việc tại nơi sản xuất. Những quyền lợi này là động cơ thực sự cho phép lớp trẻ tham gia đội ngũ giảng dạy tại hệ thống đào tạo nghề kép.

Nghiên cứu thị trường lao động gắn với đào tạo nghề

Viện BIBB là cơ quan thuộc Chính phủ liên bang thực hiện chức năng đào tạo nghề và thị trường lao động gắn với đào tạo nghề. Các số liệu, thông tin về hệ thống đào tạo nghề kép và thị trường lao động của CHLB Đức luôn bảo đảm tính hệ thống, chi tiết và cập nhật.

Rõ ràng, việc nghiên cứu về đào tạo nghề và thị trường lao động gắn với đào tạo nghề là nền tảng để hoạch định chính sách và có giải pháp đúng đắn trong đào tạo nghề. Yếu tố thành công này của hệ thống đào tạo nghề của CHLB Đức có giá trị tham khảo rất lớn với Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện bài toán cung - cầu đào tạo ở Việt Nam hóc búa hơn rất nhiều so với CHLB Đức do hiện có rất ít doanh nghiệp ở Việt Nam tham gia đào tạo nghề.

Chính phủ cần sớm ban hành hệ thống các chỉ số cơ bản thống kê, phân tích trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và phát triển hệ thống thông tin giáo dục nghề nghiệp từ cấp cơ sở tới cơ quan quản lý các cấp. Hệ thống thông tin thị trường lao động cũng cần được đầu tư, phát triển.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần triển khai hệ thống thông tin quản lý trong nội bộ  mà trước hết là hệ thống theo dõi chỉ số kết quả đào tạo chính (key performance indicators - KPIs) cho từng chương trình đào tạo (số lượng sinh viên nhập học, tỷ lệ sinh viên tiếp tục học, tỷ lệ sinh viên hoàn thành khóa học, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp) và thực hiện hiệu quả các cuộc khảo sát với người sử dụng lao động và với sinh viên tốt nghiệp để có kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Phạm Thị Minh Hiền