Hội đồng Điều tra Hiến pháp Ethiopia

Những vụ án điển hình

- Thứ Sáu, 25/07/2014, 08:23 - Chia sẻ
Hội đồng Điều tra Hiến pháp, cùng với Thượng viện, trong hơn một thập kỷ qua giải quyết không nhiều vụ việc hiến pháp, nhưng các quyết định đưa ra đều có tác động lớn.

Nếu phân tích theo loại vụ việc, cho thấy hầu hết các vụ việc là do công dân kháng cáo lên Hội đồng Điều tra Hiến pháp và chỉ có khoảng 5 vụ việc trực tiếp yêu cầu kiểm tra tính hợp hiến của các đạo luật thông qua bởi Hạ viện và các cơ quan lập pháp tiểu bang. Các vụ việc còn lại đòi yêu cầu kiểm tra tính hợp hiến của các quyết định, hành vi của các cơ quan hành pháp của cả liên bang và tiểu bang hoặc các phán quyết của tòa án.

Số vụ việc kháng cáo phán quyết của tòa án nhiều cho thấy các đương sự trong các vụ kháng cáo xem Hội đồng Điều tra Hiến pháp như một diễn đàn hay một tầng nấc kháng cáo tiếp theo nhằm chống lại các phán quyết của các phiên tòa phá án hay phiên tòa phúc thẩm. Nói cách khác, công chúng chưa nhận thức đúng về chức năng của Hội đồng Điều tra Hiến pháp cũng như của Thượng viện trong vấn đề này.

Những vụ án sau đây được các học giả coi như là những cột mốc quan trọng chứng tỏ Hội đồng Điều tra Hiến pháp và Thượng viện đã hoạt động như một cơ quan giải thích hiến pháp.

Vụ án quyền bầu cử

Vụ án này khởi xướng bởi một nhóm người từ Bambasi và Assosa Woreda của tiểu bang Benishangul-Gumuz. Họ yêu cầu kiểm tra tính hợp hiến của quyết định do Ủy ban Bầu cử ban hành cấm họ tranh cử với lý do họ không biết ngôn ngữ ở hạt bầu cử, đồng thời cáo buộc Điều 38 Tuyên bố 111/95 là vi hiến.

Nhóm người này cho rằng quyết định nói trên và Điều 38 của Tuyên bố 111/95 mâu thuẫn với Điều 38 Hiến pháp bảo đảm quyền bầu cử và được bầu.

Vụ việc được Hội đồng Điều tra Hiến pháp xem xét. Năm trên tổng số 7 thành viên có mặt cho rằng kháng cáo của đương sự là có căn cứ và sau đó đệ trình lên Thượng viện vào ngày 7 tháng 6 năm 2000. Thượng viện đã tuyên bố quyết định nói trên và Điều 38 Tuyên bố 111/95 là vi hiến.

Tuy nhiên, nhóm thành viên thiểu số (của Hội đồng Điều tra Hiến pháp) cho rằng Điều 38 của Tuyên bố 111/95 không phải chỉ nhằm vào việc loại trừ những người không biết ngôn ngữ địa phương ra khỏi danh sách ứng cử, mà nó được ban hành bởi quan ngại rằng ứng cử viên cần phải hiểu ngôn ngữ của cử tri.

Nhóm thành viên thiểu số tiếp tục tranh luận rằng ngôn ngữ là một khía cạnh quan trọng của các quyền, chẳng hạn như quyền tự quản, và nó là sự thể hiện và ghi nhận bản sắc của các dân tộc, sắc tộc. Điều 38 Tuyên bố 111/95 không cấm tham gia tranh cử với lý do anh ta thuộc về một cộng đồng ngôn ngữ nào đó, mà chỉ là yêu cầu anh ta (ứng cử viên) phải biết ngôn ngữ của nhóm cử tri mà anh ta đang có dự định đại diện cho họ.

Nhóm thành viên thiểu số cũng cho rằng bầu cử không phải là một quyền không có giới hạn; mà thay vào đó nó có thể bị giới hạn bởi luật pháp. Bởi vậy, quyết định cấm tranh cử nêu trên không phải là phân biệt đối xử và không vi hiến.

Vụ án Silte

Hai nguyên đơn trong vụ án hiến pháp này đại diện cho cộng đồng khởi kiện vụ án, nhưng sau đó vụ án được theo đuổi bởi một Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Thống nhất Silte, nên vụ án được đặt tên theo tên Đảng này.

Nguyên đơn cho rằng những người thuộc cộng đồng của họ bị coi là người Gurage trái với ý muốn của họ và bị từ chối quyền tự quyết của cộng đồng trong một thời gian dài, bởi vậy họ yêu cầu Thượng viện bảo đảm cho họ thực thi quyền hiến định. Họ nhấn mạnh rằng cộng đồng người Silte không phải là người Gurage mà là cộng đồng người với ngôn ngữ riêng, lãnh thổ riêng, lịch sử riêng, do đó, việc coi người Silte là người Gurage là xâm phạm quyền tự quyết của họ.

Hội đồng Điều tra Hiến pháp đã tiếp nhận vụ việc, điều tra, ra khuyến nghị và đệ trình lên Thượng viện. Tuy nhiên, Hội đồng cho rằng, nguyên tắc cạn kiệt  các phương thức khiếu kiện của địa phương cần được khai thác. Tuy vấn đề nguyên đơn nêu xứng tầm một vụ việc hiến pháp, nhưng nó cần được xem xét trước bởi các cơ chế địa phương và đề nghị đương sự có thể sau đó mang vụ việc trở lại Thượng viện nếu cho rằng quyết định của các cơ quan địa phương là trái với Hiến pháp liên bang. Đồng thời Hội đồng cũng gợi ý Hội đồng Điều tra Hiến pháp của tiểu bang cần theo dõi quá trình giải quyết vụ việc tại địa phương và việc giải quyết phải có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng người khởi kiện.

Điểm mới trong vụ án này là lần đầu tiên nêu lên nguyên tắc cạn kiệt trong các vụ việc hiến pháp.

Vụ án Kedija Beshir

Vụ án này được đệ trình bởi Hiệp hội Nữ luật sư Ethiopia nhân danh Kedija Beshir.

Đơn khởi kiện liên quan đến phán quyết thừa kế tuyên bởi một tòa án (tôn giáo) ở Naiba dựa vào luật Sharia (luật tôn giáo). Tranh luận chủ yếu xung quanh việc các tòa án thường đã đồng thuận một cách hệ thống với phán quyết của tòa án tôn giáo.

Trước khi vụ án được chuyển tới Hội đồng Điều tra Hiến pháp đã trải qua giai đoạn kháng cáo ở Tòa án Sharia tối cao (tòa án tôn giáo) và cuối cùng là thủ tục phá án của Tòa án tối cao Liên bang (của tòa án thường). Tất cả các cấp xét xử đều tái khẳng định nội dung của phán quyết của tòa án Naiba. Nhưng đương sự (bà Kedija Beshir và được đại diện bởi Hiệp hội nữ luật sư Ethiopia) và ba đồng khởi kiện cùng nhau phản đối phán quyết của tòa án Naiba và bày tỏ rằng họ không muốn tòa án tôn giáo xét xử vụ việc của họ.

Các cấp tòa án tiếp theo đều dựa vào luật Sharia (luật tôn giáo) để giải quyết vụ việc và từ chối yêu cầu của đương sự. Tuy nhiên, Hiệp hội nữ luật sư Ethiopia cho rằng việc trải qua tất cả các cấp tòa án đều có quan điểm giống quan điểm của tòa án tôn giáo Naiba dẫn tới hình thành nên một quan niệm chung, thái độ của Nhà nước (chứ không riêng gì các tổ chức tôn giáo) đối với phụ nữ không đúng đắn và đi ngược lại quyền lợi của phụ nữ đã được ghi nhận trong hiến pháp. Bởi vậy, việc tất cả các cấp tòa án của nhà nước đồng thanh với tòa tôn giáo như trên là vi hiến.

Nhận được vụ án, Hội đồng Điều tra Hiến pháp cho rằng vụ án xứng tầm một vụ việc hiến pháp và đệ trình lên Thượng viện với các quan điểm sau:

Việc tất cả các cấp tòa án của Nhà nước lặp lại phán quyết của tòa án tôn giáo Naiba là trái với Điều 34, khoản 5 Hiến pháp 1995 – Điều khoản này thừa nhận quyền của các bên tranh chấp được giải quyết tranh chấp tại các định chế tôn giáo hoặc tập quán. Theo quy định này, các tranh chấp liên quan vấn đề gia đình, nhân thân chỉ có thể giải quyết tại các định chế tôn giáo, tập quán với sự đồng thuận của các bên tranh chấp.

Quyền tài phán của các định chế tôn giáo, tập quán không phải là quyền tài phán bắt buộc đối với các bên tranh chấp; hay nói cách khác các định chế này không đương nhiên có thẩm quyền. Họ chỉ có thẩm quyền nếu các đương sự đồng thuận lựa chọn họ. Bởi vậy, tòa án tôn giáo Naiba không có thẩm quyền trong vụ án này, vì bị bà Kedija Beshir từ chối mang vụ việc ra tòa tôn giáo. Hay nói cách khác, phán quyết của tòa án Naiba là vi hiến.

Thượng viện đã tán thành quan điểm của Hội đồng Điều tra Hiến pháp và tuyên bố nguyên đơn thắng kiện.