Lập pháp ủy quyền ở Anh

Những ủy ban có quyền giám sát hoạt động lập pháp ủy quyền

- Thứ Sáu, 09/01/2015, 08:50 - Chia sẻ
Nghị viện Anh thành lập một số Ủy ban sau đây có thẩm quyền giám sát việc ban hành văn bản lập pháp ủy quyền: Ủy ban hỗn hợp hai viện về văn bản thực thi luật (Joint Select Committee on Statutory Instruments); Ủy ban của Thượng viện về lập pháp ủy quyền và cải cách lập quy (The House of Lords Delegated Powers and Regulatory Reform Committee); Ủy ban lựa chọn của Hạ viện về Cải cách lập quy; các Ủy ban thường trực của Hạ viện về văn bản lập pháp ủy quyền.

Ủy ban hỗn hợp hai viện về văn bản thực thi luật được thành lập năm 1973, có nhiệm vụ xem xét các văn bản thực thi luật nói chung hoặc những văn bản được đệ trình ở nghị viện theo các quy trình như đã đề cập ở trên. Ủy ban do thành viên của đảng đối lập làm chủ nhiệm. Ủy ban chỉ xem xét văn bản từ góc độ kỹ thuật các yếu tố như: có áp một loại thuế hay phí hay không; có ngăn cản việc khiếu kiện văn bản ra tòa án không; văn bản có hiệu lực hồi tố không, trong khi đạo luật gốc không quy định như vậy; có sự chậm trễ trong việc công bố hoặc đệ trình văn bản không…

Ủy ban có quyền triệu tập đại diện các cơ quan chủ trì xây dựng văn bản lập pháp ủy quyền, yêu cầu cung cấp tài liệu. Các cơ quan đó phải phản hồi trong 14 ngày để trả lời các vấn đề Ủy ban nêu. Chỉ hơn 10% số văn bản được phát hiện có vấn đề, nhưng điều này không làm giảm ảnh hưởng của Ủy ban này, mà ngược lại, Ủy ban có tác động sâu sắc, làm cho các cơ quan hữu quan phải nghĩ đến phản ứng của Ủy ban khi soạn thảo văn bản lập pháp ủy quyền.

Ủy ban của Thượng viện về lập pháp ủy quyền và cải cách lập quy được thành lập thử nghiệm năm 1992, vào năm 1994 trở thành Ủy ban thường trực của Thượng viện. Ủy ban có nhiệm vụ thẩm tra các quy định về lập pháp ủy quyền trong dự luật; báo cáo với Thượng viện liệu “các quy định của bất kỳ dự luật nào có ủy quyền lập pháp một cách bất hợp lý không, hoặc các quy định như vậy có trao thẩm quyền lập pháp với mức độ vượt khỏi sự giám sát của nghị viện không”. Ủy ban có thể yêu cầu cơ quan hữu quan cung cấp văn bản. Bộ chủ trì soạn thảo dự luật phải gửi cho Ủy ban bản ghi nhớ xác định rõ những quy định ủy quyền trong dự luật, giải trình mục đích, lý do ủy quyền, tại sao dự luật quy định áp dụng quy trình xem xét văn bản lập pháp ủy quyền này mà không phải quy trình khác. Trong Báo cáo hoạt động các năm 2001-2003, Ủy ban cho biết, Chính phủ chấp nhận hầu hết các khuyến nghị của Ủy ban.

Ủy ban của Thượng viện về nội dung của văn bản lập pháp ủy quyền (The Lords Committee on the Merits of Statutory Instruments) được thành lập tháng 12 năm 2003 với 11 thành viên, là một phần trong kế hoạch cải cách Thượng viện; xem xét các chính sách của văn bản, liệu có đến mức quan trọng về mặt chính trị hoặc pháp lý, hoặc có ý nghĩa chính sách công để Thượng viện phải quan tâm hay không; văn bản có còn phù hợp với thực tiễn đã thay đổi từ khi ban hành đạo luật gốc không; văn bản không phù hợp với pháp luật EU; văn bản không đạt các mục tiêu chính sách đề ra. Ủy ban họp vào thứ Ba hàng tuần, ra báo cáo hai ngày sau đó.

Các Ủy ban của Hạ viện về lập pháp ủy quyền thường có 17 thành viên, xem xét các quy định về lập pháp ủy quyền trong dự luật liên quan. Các văn bản lập pháp ủy quyền thuộc quy trình chấp thuận mặc nhiên sẽ được chuyển cho Ủy ban dạng này; còn các văn bản thuộc quy trình không chấp thuận thì phải có kiến nghị của Bộ trưởng mới được chuyển cho Ủy ban xem xét. Ủy ban thường xem xét văn bản trong khoảng một tiếng rưỡi đến hai tiếng rưỡi, ra báo cáo vào ngày hôm sau.

Nguyên Lâm