Những phụ nữ bền bỉ với văn chương

- Thứ Bảy, 10/08/2019, 08:01 - Chia sẻ
Có trải nghiệm sống, phong cách sáng tác khác nhau, nhưng các nhà văn nữ gặp nhau ở sự cống hiến hết mình cho các trang viết, vì tình yêu với cuộc đời, sự đau đáu với những thân phận người, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội hiện đại.

Bức tranh cuộc sống đa sắc

Nhà xuất bản Trẻ vừa tổ chức ra mắt ba tác phẩm mới “Có thể có có thể không”, “Lạc lối” và “Chuyện của các nhân vật có thật trên đời” của ba tác giả nữ Y Ban, Thùy Dương và Võ Thị Xuân Hà, những cây bút nữ tiêu biểu cùng thế hệ, và có mối quan hệ thân thiết với nhau.


(Từ trái qua) Thùy Dương, Y Ban và Võ Thị Xuân Hà tại buổi giới thiệu tác phẩm mới
Ảnh: Th. Nguyên

“Có thể có có thể không” gồm 9 truyện ngắn chứa đựng cả sự bạo liệt lẫn dịu dàng, lôi cuốn ta bằng những tình tiết ly kỳ, đôi khi éo le, nhưng không phải là kiểu éo le của văn chương câu khách, bởi đằng sau đó luôn đọng lại nỗi ám ảnh mơ hồ, khiến ta day dứt, nhất là khi tác giả viết về thân phận người phụ nữ vốn chịu nhiều thiệt thòi bởi luôn đeo mang nhiều gánh nặng hủ tục mà không phải lúc nào họ cũng được sẻ chia. Các truyện ngắn khác nhau về mô típ hoặc cách kể nhưng lại liên thông bằng những dự cảm, để kết nối thành một tổng thể hài hòa. Nhà văn Y Ban chia sẻ: “9 câu chuyện trong tác phẩm đều nói về gia đình. Xã hội đang biến động, thay đổi chóng mặt sẽ ảnh hưởng ra sao tới các gia đình là hướng tôi chọn khai thác”. Từ trong trang sách, những phụ nữ trong xã hội hiện đại đảm nhiệm các công việc hàng ngày và họ còn gánh trên vai một gia đình nặng nề với truyền thống. Lằn ranh giữa có thể có, có thể không làm họ chông chênh…

Trong nhiều bộn bề thở than của cõi người, Võ Thị Xuân Hà luôn tìm thấy câu chuyện để kể - hay chính tác giả toan gắn mình vào với những cuộc đời trong tác phẩm kia để mà sắm vai người thuật lại như một niềm hạnh ngộ. Tập truyện ngắn “Chuyện của các nhân vật có thật trên đời” không miêu tả cái “có thật” mà là ấn tượng về sự “có thật”, “các nhân vật có thật” của chị, vì thế, cứ hiện ra rồi nhòa đi ngay trong một làn sương mỏng chập chờn tiểu thuyết. Họ dở dang đến rồi đi trong bóng chiều nghiêng thấp, võ vàng thương nhớ một quãng đời tưởng đã xa xôi. Cái phôi pha không thể cưỡng lại của kiếp người lan chuyển từ mẩu chuyện này sang mẩu chuyện khác, từ mảnh đời này sang mảnh đời khác, xâm lấn tâm trí người đọc bằng một tiết tấu cảm xúc vừa phải. Và Võ Thị Xuân Hà cứ thế gieo neo đi về trong cõi ấy. “Tôi tự đặt mình vào làm nhân vật, và thấy các nhân vật khác trong cuộc đời này, trong đó có cả độc giả. Qua đó, tôi muốn truyền đến bạn đọc bức tranh cuộc sống chân thực, và mong muốn bạn đọc đặt mình cao hơn vị trí từng hình dung, để thấy rằng cuộc đời rất đáng sống”.

Vẫn viết theo cách cảm nhận về cuộc sống, con người đan xen giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, trong tiểu thuyết “Lạc lối”, nhà văn Thùy Dương kể khéo, lạnh và tỉnh về những mưu toan của đấu đá chức quyền, những tinh quái của thương trường và những lắt léo của tình người. Tiểu thuyết xoay quanh ba nhân vật chính là ba cô bạn học cũ trong vòng xoáy tranh đoạt tình, tiền, quyền lực. Để rồi khi nhìn lại, va đập, giẫm đạp lên nhau để chạy đua trong cuộc đời, tưởng chừng họ chạy được đến nơi nào đó rồi lại ngỡ hóa ra không. “Tôi thích viết truyện ngắn, nhưng suy tư, trăn trở đòi hỏi không gian, môi trường lớn hơn để bày tỏ được những chiêm nghiệm về cuộc sống, lý giải theo cách nhìn của mình. Bởi vậy, tôi chọn viết tiểu thuyết và bền bỉ theo nó đến cùng. Trong “Lạc lối”, câu chuyện của 3 số phận, là hiện thực đầy rẫy bất trắc, ngổn ngang, nhưng niềm tin và hy vọng vẫn đan xen, và chính điều ấy làm nên cuộc sống này” - nhà văn Thùy Dương bộc bạch.

Không để độc giả nhàm chán


Ba tác phẩm mới của Y Ban, Thùy Dương và Võ Thị Xuân Hà
Ảnh: Th. Nguyên

Điều đặc biệt là ba cây viết nữ Y Ban, Thùy Dương và Võ Thị Xuân Hà đều là học viên Khóa IV, Trường viết văn Nguyễn Du, họ cũng đang là những tác giả sung sức trên văn đàn Việt Nam đương đại. Từ thuở tóc còn xanh cùng bước vào trường, 30 năm qua cũng là thời gian họ bền bỉ với văn chương, viết sách, in sách, ra mắt sách. Tình cờ năm nay, cả ba tác giả cùng ra sách mới.

Có người gọi họ là những nhà văn chuyên nghiệp cũng đúng, bởi sức sáng tạo và đều đặn ra tác phẩm. Nhà văn Thùy Dương cho biết: “Ba chúng tôi mỗi người một cuộc đời, một cách viết, nhưng có điểm chung là tình yêu với cuộc sống, với con người, và chính sự đau đáu với cuộc sống, những thân phận phụ nữ đã thôi thúc chúng tôi tiếp tục viết”.

Trăn trở làm mới truyện ngắn, ngoài ý tưởng câu chữ, còn có hình thức trình bày, nhà văn Võ Thị Xuân Hà tự thấy rằng “không thể để độc giả nhàm chán, bởi vậy, tôi tìm nguồn năng lượng để mỗi lần sáng tác, trước hết để khi đọc lại mình không cảm thấy chán”. Trong khi đó, đã đạt được thành quả nhất định nhưng cũng phải trả giá trong cuộc sống, nhà văn Y Ban coi văn chương là việc làm “nghiêm túc với bản thân mình, với bạn đọc, và với nền văn học... Tôi muốn xã hội hãy đọc tác phẩm của các nhà văn nữ như một sự lắng nghe, một sự thấu hiểu. Vì đó chính là tiếng lòng của họ, những khát khao tự giải phóng bản thân mình”...

Có thể thấy, sau năm 1975, đặc biệt là sau khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, bên cạnh tác phẩm của các cây viết là nam giới, còn tồn tại một dòng văn học nữ, làm lên diện mạo khác, với những cảm xúc mới mẻ cho nền văn học nước nhà. Tuy nhiên, nhà văn Y Ban cũng cho rằng, đến nay vẫn có cái nhìn không đồng thuận, và có sự phân biệt giới tính trong sáng tác văn chương: “Tôi từng thách thức nhà phê bình, hãy “đập” chúng tôi nhưng hãy “đập cho trúng”, hãy chỉ rõ các sáng tác của chúng tôi như thế nào, cái gì được, cái gì chưa được... 30 năm sau đổi mới, các tên tuổi nhà văn nữ được nhắc trên các tổng kết là nữ quyền, các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, nhưng nền phê bình đã có cái nhìn thấu suốt về đội ngũ nhà văn nữ chưa? Tôi cho rằng chưa? Nhưng dù cho có như vậy, tự thân dò dẫm từng bước, chúng tôi vẫn viết và tôn trọng độc giả”.

Thảo Nguyên