Những phép màu hồi sinh cuộc sống

- Thứ Tư, 14/11/2018, 08:33 - Chia sẻ
Cho dù còn những rào cản quan niệm xã hội, tâm lý sợ hãi, kiêng kỵ... ăn sâu vào tiềm thức của người dân, nhưng vẫn còn đó những câu chuyện về bao trái tim nhân ái, nguyện cho đi một phần cơ thể mình, để lại cho đời những phần thân thể của mình, duy trì sự sống cho những cuộc đời như những phép màu...

Cho đi là còn mãi...

Tại Bệnh viện Việt Đức, trung bình mỗi ngày có 1 - 2 trường hợp chết não, trên cả nước có hàng nghìn trường hợp chết não mỗi năm. Thế nhưng số lượng người chết não cho tạng để cứu những bệnh nhân khác còn rất ít. Đây đang là vấn đề lớn đối với ngành ghép tạng ở Việt Nam,

Con số bệnh nhân chờ ghép tạng là hàng nghìn trường hợp và trong đó, phần lớn đều đã không có cơ hội để chờ đợi thêm bởi suy gan, suy thận, suy tim… đã đến giai đoạn cuối, không cho phép họ có nhiều thời gian để chờ đợi.

Tuy nhiên, theo cán bộ truyền thông của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đã có những câu chuyện về tình nguyện đăng ký hiến tạng làm lay động và thay đổi nhận thức của cộng đồng Việt Nam. Đơn cử như trường hợp bé Hải An vừa bước qua tuổi thứ 7 nhưng đã phát hiện mắc ung thư thần kinh thể sao từ tháng 9 năm 2017. Gia đình đã nhiều tháng nỗ lực điều trị tại Bệnh viện K, tuy nhiên khi thấy con gái khó qua khỏi, mẹ bé đã gọi điện đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để xin được hiến tạng con, cứu người khác khi bé qua đời. Để rồi sau một giờ phẫu thuật, món quà mà Hải An để lại là hai người được ghép giác mạc thành công từ giác mạc của em. Những gì An để lại cho đời, cho mọi người là khai sáng tư tưởng, nhận thức cho nhiều người còn sống, đó chính là giá trị thiết thực nhất.

Cả nước có 18.983 trường hợp đăng ký hiến mô tạng.  Nguồn: ITN

Câu chuyện của kỹ sư Nguyễn Xuân Hải được bà Nguyễn Thị Phượng Hoàng chia sẻ thêm, anh Hải vốn là một kỹ sư xây dựng, trú tại ngõ Trại Cá, Hai Bà Trưng,  Hà Nội, anh có chuyến công tác tại đảo Phú Quốc, Kiên Giang và không may gặp tai nạn trong những ngày ở đây. Khi biết em trai không thể qua khỏi, anh Nguyễn Xuân Hiếu, anh ruột của anh Nguyễn Xuân Hải đã đưa ra ý kiến sẽ hiến tặng mô tạng của anh Hải cho những người bệnh nặng. Đề nghị đó của anh Hiếu nhanh chóng được vợ anh Hải là chị Nhữ Mai Trang và cả gia đình ủng hộ. Họ đã thông báo với các bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang về nguyện vọng này. Sau khi nhận được thông tin kể trên, cán bộ Bệnh viện Chợ Rẫy đã lên đường về Kiên Giang để tiếp nhận mô, tạng của anh Hải, hai thận và hai giác mạc của anh Hải đã được tiếp nhận và đưa về ghép cho 4 người bệnh đang chờ đợi.

Hay như câu chuyện cảm động của Thiếu tá Lê Hải Ninh, cán bộ thuộc Lữ đoàn Tăng thiết giáp 202, Quân đoàn 1; đang ở tuổi 45 đầy sinh lực, anh Ninh bỗng nhiên bị đột quỵ, anh đã được bệnh viện điều trị  tận tâm nhưng bị chết não do xuất huyết não gây nên. Khi biết chồng mình không thể qua khỏi, chị Tạ Thị Kiều và gia đình đã tình nguyện hiến tạng của anh Ninh để những người bệnh khác có cơ hội được nhìn thấy, được thở và để trái tim anh vẫn còn tiếp tục được đập trên cuộc đời này. Thế rồi tim, phổi, hai thận, hai giác mạc của người con Yên Mô, Ninh Bình đã được gia đình hiến để ghép cho 6 người trong ca ghép tạng xuyên Việt vào cuối tháng 2 vừa qua.

Những câu chuyện của bé An, anh Hải, Thiếu tá Ninh và những người thân trong gia đình họ đang viết tiếp một câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, một hành trình nối dài của sự sống, của những tấm lòng. Họ đã ra đi và để lại một món quà kỳ diệu giữa cuộc đời với nhiều ước nguyện và gửi gắm yêu thương.

Những con số biết nói

 Theo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, nhu cầu ghép tạng là rất lớn, có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn cần được ghép thận.  Chỉ tính riêng tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội trên 1.500 người có chỉ định ghép gan, khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi...

Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, được nhiều người ví là nơi giúp cho người khác sống thêm một lần nữa, bởi đơn vị này chính là cầu nối để nhiều bệnh nhân cận kề cái chết có cơ hội được tiếp tục cuộc sống từ nguồn mô tạng của người khác. Còn những người hiến tặng nguồn mô tạng đó, tuy họ mất đi nhưng họ lại có cơ hội sống thêm một lần thứ 2 trên cơ thể của người khác.

Đến thời điểm hiện tại, trung tâm thành lập được 5 năm. Thống kê đến hết năm 2017 có 12.000 người đăng ký và tính đến thời điểm hiện tại trong cả nước có 18.983 trường hợp đăng ký hiến mô tạng, tức là tăng khoảng 7000 trường hợp.

Theo các chuyên gia, sự chủ động liên hệ hiến mô tạng từ những bệnh nhân chết não của các gia đình góp phần tạo ra những thay đổi tích cực. Nếu như trước đây, cán bộ trung tâm khi thấy có trường hợp chết não đều xuống vận động và ít có trường hợp nào chủ động như bây giờ. Thời gian tới, ngành hiến tạng mong muốn tất cả mọi người hãy biến đau thương thành hành động. Bởi một cuộc đời không may mắn mất đi nhưng những phần thân thể của họ để lại cho đời sẽ đem đến cuộc sống cho bao người bệnh khác, như phép màu hồi sinh nhiều số phận..!

Khánh Linh