Những người “nhóm lửa”

- Thứ Tư, 22/05/2019, 08:20 - Chia sẻ
Ở nông thôn, miền núi, nơi điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, văn hóa đọc chưa được quan tâm, trẻ em rất “đói” sách. Gần đây, nhờ sự vào cuộc của nhiều cá nhân, nhiều thư viện, tủ sách, phòng đọc… đã ra đời, góp phần nâng cao văn hóa đọc cho cộng đồng khu vực này.

Thư viện của tâm huyết

Gần đây, trên địa bàn cả nước xuất hiện nhiều thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng, do những cá nhân tâm huyết, các nhóm giáo viên, cựu chiến binh về hưu đứng ra thành lập. Có thể kể đến các thư viện như Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường (TP Hồ Chí Minh) do cựu chiến binh Phạm Thế Cường thành lập, Thư viện tư nhân Tứ Hưng (Vĩnh Long) do ông Huỳnh Tấn Long mở, Thư viện của anh Mai Tấn Khoa (Quảng Bình)... giúp thúc đẩy văn hóa đọc tới từng điểm nhỏ trong khu vực địa bàn thư viện hoạt động.

Theo anh Phùng Bá Hưng (Thư viện tư nhân Dương Liễu), thư viện là địa chỉ quan trọng trong việc giữ gìn thói quen đọc sách. Ở nông thôn, với việc mở thư viện và có nhiều sách cho mượn miễn phí, sẽ giúp thanh thiếu niên có không gian duy trì đọc sách, tìm kiếm thêm nhiều thông tin, kiến thức, đồng thời tiết kiệm đáng kể so với bỏ tiền mua sách. Nhiều em nhỏ sau khi đến thư viện đã nhận ra được lợi ích của việc đọc sách, nhận ra được sở thích đọc sách và thể loại sách mình thích...

Được thành lập năm 2013, là thư viện tư nhân, phi lợi nhuận và hoàn toàn miễn phí đầu tiên tại huyện Hoài Đức, Hà Nội, Thư viện tư nhân Dương Liễu hiện có xấp xỉ 4.000 đầu sách, 7 - 10 đầu báo, gần 1.300 người thuộc các lứa tuổi đăng ký thẻ đọc sách. Thời gian mở cửa khoảng 10 tiếng/tuần và trung bình 150 - 200 lượt mượn sách về nhà. Theo anh Phùng Bá Hưng, quản lý Thư viện Dương Liễu: Xã có 2 tủ sách đặt trong nhà trường chỉ phục vụ tại chỗ; tủ sách thuộc dòng họ, hội, ban, ngành hầu như không có; các xã lân cận hầu như chưa có thư viện phục vụ, số lượng quán điện tử nhiều gấp khoảng 5 lần số lượng tủ sách và thư viện ở các xã trong địa bàn... Lấy địa điểm tại nhà riêng của một trong số những thành viên sáng lập, thư viện có số sách ban đầu chỉ khoảng 200 cuốn và 2 - 3 thủ thư, số lượng bạn đọc ban đầu khoảng 10 người.

Đến nay, số lượng sách này 90% đến từ nguồn của cá nhân, tổ chức trong xã và nhiều nơi trên cả nước ủng hộ. Thư viện Dương Liễu có 50 tình nguyện viên trong coi và giúp đỡ. Điều đáng mừng là nhiều phụ huynh nhận ra tầm quan trọng của việc đọc sách đã chủ động đưa con mình đến đăng ký thẻ đọc sách. Bên cạnh tổ chức các cuộc thi về văn hóa đọc, Thư viện cũng tổ chức các cuộc thi về khoa học, làm đồ chơi truyền thống, mở các lớp chia sẻ kỹ năng sống, gây quỹ ủng hộ nhằm giúp các em có trách nhiệm với xã hội, môi trường và mọi người xung quanh…


Ảnh: ITN

Hàng vạn thư viện, tủ sách cơ sở

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bên cạnh mạng lưới thư viện nhà nước, nhiều mô hình thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ, phòng đọc dân lập, không gian đọc, câu lạc bộ đọc sách báo đã được hình thành đáp ứng nhu cầu đọc của người dân. Hiện cả nước có 61 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, hàng nghìn tủ sách phụ huynh, hàng trăm tủ sách dòng họ đã được hình thành ở Việt Nam... Bình quân mỗi thư viện, tủ sách tư nhân phục vụ cộng đồng có từ 2.500 - 3.500 cuốn và từ 12 - 25 loại báo, tạp chí. Tại nhiều địa phương, các thư viện tư nhân đã triển khai các dịch vụ phục vụ cộng đồng, khoảng 20.000 thư viện, tủ sách cơ sở đã hình thành trên cơ sở xã hội hóa và hoạt động thiện nguyện phục vụ cho người dân ở cơ sở.

Ngoài ra, nhiều chương trình, dự án lớn cũng đã được triển khai như chương trình Sách hóa Nông thôn đã trang bị hàng chục nghìn tủ sách cho học sinh, hình thành nên các tủ sách lớp học; dự án Trang bị xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện cho các thư viện tỉnh do Quỹ Thiện Tâm thực hiện, triển khai tại 13 tỉnh trong cả nước; dự án Room to Read cung cấp sách báo miễn phí cho trẻ em nghèo, hỗ trợ xây dựng hơn 100 thư viện cho các trường tiểu học ở Việt Nam...

Tuy nhiên, để các thư viện cộng đồng phát triển, nhiều thư viện mong muốn nhận được các nguồn sách hay, bổ ích luân chuyển từ các thư viện tuyến trên, các nhà xuất bản trong nước, giúp độc giả tiếp cận thêm sách mới, sách hay, hữu ích. Bên cạnh đó, nhiều thư viện được mở ra và duy trì bởi những người yêu sách, nhưng thiếu kỹ năng chuyên môn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tổ chức các buổi tập huấn, giao lưu, học hỏi giữa các thư viện trên cả nước, có tài liệu, văn bản hướng dẫn định hướng hoạt động hàng năm cũng như về tổ chức thư viện…

Để giữ gìn và nâng cao văn hóa đọc ở khu vực nông thôn thì việc mở ra được một thư viện có ý nghĩa lớn. Dù vậy, không chỉ dựa vào những cá nhân tâm huyết, mà cần thiết có chính sách ưu đãi, thu hút xây dựng và phát triển mạng lưới thư viện, hỗ trợ phát triển thư viện cộng đồng; từ đó xây dựng phong trào, hình thành thói quen đọc sách trong nhân dân.

Ngọc Phương