Chính sách bảo hiểm nông nghiệp ở châu Âu

Những mô hình tiêu biểu

- Chủ Nhật, 31/03/2019, 08:18 - Chia sẻ
Ở châu Âu, chính sách bảo hiểm nông nghiệp đã được hình thành và triển khai ngay từ những năm đầu thế kỷ XX nhưng hiện vẫn chưa được xây dựng một cách thống nhất. EU chỉ xây dựng khung pháp lý hướng dẫn, các nước thành viên ban hành và quản lý các chính sách phù hợp. Tùy vào đặc thù phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, chính sách bảo hiểm ở mỗi quốc gia châu Âu cũng được thực hiện và triển khai theo nhiều mô hình khác nhau, thể hiện ở vai trò của Nhà nước trong định hướng phát triển phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

Mô hình công

Mô hình bảo hiểm công là mô hình mà trong đó chỉ có duy nhất một công ty bảo hiểm quốc gia hoặc đại diện quốc gia hoạt động trên thị trường. Hiện nay ở châu Âu chỉ còn có Cộng hòa Síp và Hy Lạp còn áp dụng mô hình này. Cộng hòa Síp có một công ty bảo hiểm quốc gia, chịu sự quản lý và điều hành của Bộ Nông nghiệp. Còn ở Hy Lạp, cơ quan Chính phủ phụ trách về bảo hiểm nông nghiệp là Tổ chức Bảo hiểm nông nghiệp Hy Lạp (ELGA). Ra đời năm 1988, ELGA bắt buộc đối với tất cả các loại cây trồng. Bảo hiểm gia cầm và trang trại nuôi lợn được thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Bảo hiểm tư nhân khác chỉ mang tính chất tự nguyện và bổ sung vào bảo hiểm ELGA.


Mô hình tư nhân

Mô hình tư nhân là mô hình mà công ty bảo hiểm tư nhân chịu hoàn toàn trách nhiệm bảo hiểm cho cây trồng và vật nuôi. Một số nước ở châu Âu như Đức, Hungary, Hà Lan… đang áp dụng mô hình này.

Ở Đức, thị trường bảo hiểm nông nghiệp rất phát triển với sự tham gia của các công ty bảo hiểm tương hỗ, các công ty tư nhân và các công ty bảo hiểm công. Các công ty này đều cạnh tranh về giá và chất lượng dịch vụ, trong đó có 14 công ty cung cấp bảo hiểm mưa đá và chỉ có một công ty cung cấp theo hình thức bảo hiểm đa rủi ro. Do hoạt động theo mô hình bảo hiểm tư nhân nên Chính phủ Đức không có bất kỳ hình thức hỗ trợ nào cho bảo hiểm nông nghiệp. Nông dân khi tham gia bảo hiểm phải nộp 100% phí. Tuy nhiên, Chính phủ Đức cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận hành thị trường bảo hiểm nông nghiệp như thiết lập một hệ thống hỗ trợ thiệt hại cho sản xuất chăn nuôi, dịch bệnh.

Mô hình hợp tác công - tư (PPP)

Đây là mô hình bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện bởi khu vực tư nhân với sự hỗ trợ từ chính phủ, thường là thông qua hình thức trợ cấp bảo hiểm hoặc tái bảo hiểm.

Về cơ bản, mô hình PPP có tính chất cạnh tranh từ phía các công ty bảo hiểm tư nhân nhưng nó cũng phải tuân theo một tiêu chuẩn thiết kế và đánh giá chính sách nghiêm ngặt để có thể áp dụng trợ cấp từ khu vực công. Tuy nhiên, mức độ can thiệp của chính phủ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chính sách, mức độ rủi ro, sự cạnh tranh trên thị trường, mức độ đa dạng của sản phẩm và rủi ro… Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là hai quốc gia áp dụng mô hình PPP toàn diện. Hiệp hội bảo hiểm tư nhân ở hai nước này được Nhà nước ủy quyền để trợ cấp bảo hiểm nông nghiệp quốc gia và cũng có hỗ trợ tái bảo hiểm từ khu vực công và tư nhân. Ở một số nước khác như Pháp, Italy, sự hợp tác PPP rất lỏng lẻo, trong đó vai trò chính của chính phủ là hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp hoặc hỗ trợ tái bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm tư nhân.

Đối với mô hình PPP hoạt động theo hình thức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với mức độ kiểm soát cao, chính phủ thiết kế chính sách và các tiêu chuẩn đánh giá nghiêm ngặt, do đó các công ty bảo hiểm tư nhân có thể cạnh tranh nhưng vẫn chịu sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ. Bồ Đào Nha đã xây dựng hình thức bảo hiểm cây trồng đa thảm họa (Multi-Peril Crop Insurance- MPCI, triển khai đối với hai loại rủi ro là mưa đá và hỏa hoạn) và Quỹ trợ cấp chung quốc gia (Joint Pool) từ những năm 1980. Khi ngành công nghiệp bảo hiểm ở Bồ Đào Nha tái tư nhân hóa và bảo hiểm cây trồng chỉ được bảo hiểm bởi các công ty bảo hiểm tư nhân thì quỹ Joint Pool chấm dứt hoạt động. Năm 1996, chính phủ nước này tiến hành cải cách bảo hiểm cây trồng và bắt đầu áp dụng “Hệ thống bảo hiểm tích hợp đối phó với các hiểm họa khí hậu” (SIPAC), thể hiện rõ mối quan hệ đối tác công - tư một cách nghiêm ngặt, theo đó, trách nhiệm của chính phủ là hỗ trợ pháp lý, trợ cấp phí bảo hiểm cây trồng, tái bảo hiểm hạn ngạch tổn thất và bồi thường thiên tai.

Trong mô hình PPP hoạt động theo hình thức cạnh tranh tư nhân với mức độ kiểm soát thấp, công ty tư nhân được tự do chọn lựa loại hình, địa phương, rủi ro cũng như mức phí bảo hiểm trên thị trường, chính phủ chỉ có vai trò trợ cấp phí bảo hiểm. Một số nước châu Âu áp dụng mô hình này là Pháp, Italy, Ba Lan và Liên bang Nga.

Sự can thiệp của Chính phủ Italy về quản lý rủi ro trong nông nghiệp bắt đầu từ những năm 1970 khi Qũy Đoàn kết quốc gia (FSN) được thành lập do Bộ Nông nghiệp quản lý. Mục đích của Quỹ FSN là cung cấp cho nông dân các công cụ để quản lý rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy việc phòng tránh rủi ro và đặc biệt là bồi thường thiệt hại sau tổn thất. Tuy nhiên, FSN chỉ bảo hiểm cho cây trồng và trợ cấp phí bảo hiểm cho một loại rủi ro duy nhất (mưa đá hoặc sương giá).

Năm 2004, Chính phủ Italy ban hành Quyết định số 102 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong hệ thống bảo hiểm nông nghiệp Italy, xác định quy chế hoạt động mới cho FSN. Năm 2005, năm đầu tiên thực hiện đầy đủ các cải cách về hệ thống bảo hiểm cây trồng ở Italy, toàn bộ cây trồng bắt buộc phải mua bảo hiểm. Người tham gia bảo hiểm có thể là cá nhân nông dân hoặc tập thể. Từ năm 2007, Chính phủ Italy hỗ trợ từ 50 - 80% phí bảo hiểm và chỉ bồi thường khi có tổn thất ít nhất 30% sản lượng trung bình và 20% nếu thiệt hại xảy ra ở vùng khó khăn.

Quỳnh vũ