Những mẩu chuyện về giáo dục

- Chủ Nhật, 21/07/2019, 08:19 - Chia sẻ
Con đường đến tương lai của thế hệ trẻ là con đường một chiều ít lối rẽ. Điều đó tạo nên sự mất cân đối trầm trọng trong xã hội, tạo nên cảnh “nhiều thầy ít thợ”. Người tốt nghiệp đại học thất nghiệp hàng loạt và phải làm trái nghề chờ cơ hội...

1. “Không học sau này chỉ có đi đổ rác” - Đây là câu tôi được nghe rất nhiều lần khi còn ở Việt Nam. Sống ở Đức hơn ba chục năm, tôi mới thấy rằng, lời răn đe này chưa chắc đã đúng, ít nhất ở CHLB Đức. Người dọn rác ở đất nước này lương cao, được tôn trọng không kém gì giáo viên, bác sĩ. Một bà cụ đi đón cháu ở nhà trẻ nói rằng, các ngành khác đình công vài ngày không sao, nhưng ngành rác đình công vài ngày thì chính quyền thành phố... “biết tay”.

Có được nhận thức như thế cũng là do trình độ dân trí, tức là nhờ vào nền tảng giáo dục của đất nước này. Đầu tư cho giáo dục tức là đầu tư cho tương lai. Vậy bản chất của giáo dục là gì?

Một nhà bác học nổi tiếng của Đức, Wilhelm von Humboldt định nghĩa giáo dục là “kích thích để mọi nguồn lực trong một con người giải phóng, qua đó họ hiểu thế giới mình đang sống và tự quyết sự phát triển nhân cách của cá nhân họ”. Người ta hiểu giáo dục không chỉ là việc học kiến thức. Bởi vì KIẾN THỨC học được trong nhà trường chỉ là cơ sở cùng với năng khiếu, môi trường sống và tố chất riêng để tạo nên TRÍ TUỆ cũng như NHÂN CÁCH.

Khái niệm giáo dục thay đổi liên tục, bắt con người phải học từng ngày để thích ứng. Nền giáo dục phải liên tục thích nghi với ngoại cảnh. Đó là nơi có chế độ chính trị như thế nào, cơ sở khoa học kỹ thuật ra sao, có những tầng lớp xã hội nào. 

Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin nên một nền giáo dục tốt là lợi thế rất lớn cho cạnh tranh quốc tế. Không nên hy vọng có một quan điểm thống nhất rộng rãi về giáo dục, vì mỗi người hình dung khác nhau nhưng họ đều cho là có lý, nếu coi giáo dục có ba mục đích: KIẾN THỨC, TRÍ TUỆ và NHÂN CÁCH.

Một thời gian rất dài, mô hình của chúng ta là: Nhà trẻ, học phổ thông, học đại học, tìm việc làm ở những cơ quan hấp dẫn lương cao, nhàn hạ. Ai thi trượt đại học thì tìm cách đợi năm sau thi tiếp. Sau vài lần thất bại mới đi học nghề. Con đường đến tương lai của thế hệ trẻ là con đường một chiều ít lối rẽ. Điều đó tạo nên sự mất cân đối trầm trọng trong xã hội, tạo nên cảnh “nhiều thầy ít thợ”. Người tốt nghiệp đại học thất nghiệp hàng loạt và họ phải làm trái nghề chờ cơ hội. 

Ở nước Đức, anh lái xe buýt cũng quan trọng như ông giáo sư, bởi vì trong giảng đường là thế giới của ông giáo sư nhưng đưa bảy chục người an toàn từ điểm A đến điểm B lại nhờ tài năng của anh lái xe buýt.

Vậy một con người được đào tạo khác với một con người không (hoặc ít) được đào tạo ở những điểm nào?

Thứ nhất là họ hành động và tỏ thái độ quyết liệt với những gì phi nhân bản. Thứ hai là họ có khả năng nhận biết hạnh phúc và bất hạnh trên cơ sở thấu hiểu lòng người. Thứ ba là họ sẵn sàng đối thoại với những quan điểm khác để tìm được dung hòa. Thứ tư là họ có tinh thần trách nhiệm với bản thân và xã hội họ đang sống, họ có cách sống mẫu mực khuyến khích cái tốt và kiềm chế cái ác.

Tôi có cảm giác rằng, nền giáo dục Việt Nam chủ yếu mới tập trung vào việc thu thập kiến thức để tạo chìa khóa cho nghề nghiệp sau này. Các yếu tố khác giúp trở thành người trí thức và có nhân cách còn ít được coi trọng. Chúng ta mới đào tạo chuyên gia một số ngành chứ không tạo được người trí thức dám bảo vệ cái đúng, dám dấn thân, dám phản biện vì mục đích chung.

2. Nền tảng cơ bản nhất của giáo dục là ngôn ngữ và đó cũng là ưu tiên số một trong nền giáo dục Đức. Bởi vì có ngôn ngữ, con người mới có thể trình bày khúc triết suy nghĩ của mình cũng như tiếp nhận thông tin từ người khác một cách chính xác nhất. Cô giáo dạy lớp một ở Đức là người phát âm thật chuẩn, luyện cho các cháu từng âm gió, uốn lưỡi, nhấn mạnh, hạ giọng khi phát âm một từ. 

Cũng chương trình lớp một ở Đức, tôi xin trích một trang trong sách giáo khoa dạy môn tiếng Đức để bạn đọc tham khảo: Các em đang học những từ có chữ “St” hoặc “st”. Họ yêu cầu các em dùng bút chì khoanh vòng những gì có chữ “St” hoặc “st”. Họ làm mẫu khi khoanh vòng chiếc ủng (Stiefel), các em phải tự tìm trong các hình còn lại.

Chúng ta cũng có thể soạn sách theo cách như thế này sẽ tăng thêm phấn khởi cho các em khi học. Ví dụ từ nào có “tr” và từ nào “ch”: Hình mặt trăng, mặt trời, con chó, con chim, sợi chỉ, ngôi trường, cá chép… Tôi thích cách học này, vừa nhẹ nhàng vừa hiệu quả.

3. Nhiều bố mẹ nói rằng nhà không đủ điều kiện cho con học tập như ở thành phố, ở thành phố thì kêu thiếu điều kiện như ở nước ngoài. Nhưng sự thật là học tập như chơi xếp que, ba cái que dựa vào nhau thì đứng được, ba cái nương vào nhau, không cái nào quan trọng nhất. 

Chúng ta thường lấy học ở trường là quan trọng nhất. Rồi khi bỏ cả tỷ bạc cho con vào học trường quốc tế, thì thấy con bò trên đất cát, con chạy trên sân, con tự diễn kịch, con tự chụp ảnh, con học bơi, con học bán hàng, con hát tiếng Anh, con làm từ thiện, con đi cắm trại qua đêm trong rừng... Đó, nếu có điều kiện, có tiền, nhà giàu... gửi con vào trường tốt thì con học như vậy! Và nếu được thế, trong lòng lấy làm vui thích tự hào. 

Nhưng mà nhớ lại xem, nếu ở nhà thì sao? 

 “Học tập như chơi xếp que, ba cái que dựa vào nhau thì đứng được, ba cái nương vào nhau, không cái nào quan trọng nhất...”

Bãi cát mình cũng có, khi con chạy chơi thì mình ngăn cản. Con đi diễn kịch thì không cho đi, bắt ở nhà học, con muốn chơi đàn thì bảo sau này chơi, giờ phải ôn đội tuyển, con muốn xin máy ảnh thì bảo sau này có tiền mua, thứ đó xa xỉ. Mỗi ngày đều ca thán về sự quan trọng của việc học ở nhà trường tới mức tạo áp lực cho con. Tôi đã gặp không biết bao nhiêu là đứa trẻ gày gò, ngơ ngác và áp lực, dù học rất giỏi. 

Nhìn mà xem, cây đàn guitar giá bao nhiêu so với cả cuộc đời đứa trẻ. Kể cả nó sẽ vứt cây đàn đó đi vì nhận ra nó không thích guitar, thì cũng là thành công rồi. Nếu chưa thử chơi, sao con biết. Giờ ba mua cho con một cây, con học đại đi, hay thích piano, hoặc sáo, thử coi! Vậy thôi, đó là âm nhạc. Con thích thả diều à, được! Sao con không mua một cái và thử làm nó. Đó là gì? Là sáng tạo khoa học. Con thích xem bóng đá à, OK, vậy hãy thử tập sút bóng xem, mai bố sẽ mua cho con một quả, đời chưa sút quả nào xem bóng đá cũng nhạt con ạ! Đó là gì? Thể thao! À, hay thích đi chơi xong rồi học, tốt thôi, vậy cũng được! Hay mang sách theo vừa chơi vừa học, thử xem!...

Tưởng không liên quan, mà lại liên quan cả đấy: Bơi tốt thì học lại nhanh, biết kiên nhẫn học đàn thì học tài chính cũng tốt, biết xem clip để học sút bóng thì cũng biết xem clip học toán... Như những cái que, mọi thứ dựa vào nhau cùng lúc mà thành. 

Vậy mà chúng ta vẫn than thở không đủ điều kiện học tập cho con trong khi hàng cây bãi cỏ con sông gần nhà thì cô đơn. Chỉ cần bỏ chút thời gian và chút tiền cho con học ngoại khóa, thêm cái máy tính nối mạng và cái tư duy rộng mở của cha mẹ, thì hầu hết con cái chúng ta đều được học như trường quốc tế ngay trong gia đình mình. 

Nhưng vấn đề nằm ở bố mẹ. Các bố mẹ cho rằng con cái thì phải tiến bộ nhưng bố mẹ thì được quyền bảo thủ. Rất tiếc, dù các bố mẹ rất thương con, nhưng thương mà không hiểu thì tình thương đó thiếu hiệu quả!

Nguyễn Tuyền - Vũ Hùng