Những hình thức giám sát hiệu quả thiết thực

- Chủ Nhật, 24/06/2012, 09:15 - Chia sẻ
Thực tế hoạt động thời gian qua của HĐND tỉnh Quảng Trị cho thấy, chất vấn chuyên đề giữa hai kỳ họp và mở rộng đối thoại trực tiếp là những hình thức giám sát đem lại hiệu quả thiết thực, nhất là trong giải quyết các vụ việc kéo dài.

Chất vấn chuyên đề giữa hai kỳ họp

Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm qua nhiều kỳ họp chưa được giải quyết đưa vào nội dung chất vấn, gửi đến UBND và các sở, ngành liên quan chuẩn bị giải trình. Thường trực HĐND chủ trì cùng các ban HĐND, mời các đại biểu HĐND liên quan đến lĩnh vực chất vấn, đại diện UBMTTQ, chính quyền các địa phương và các đơn vị liên quan tham dự. Đồng thời phối hợp với đài phát thanh-truyền hình xây dựng một số phóng sự chuyên đề về vấn đề quan tâm để đăng tải, tại buổi chất vấn tổ chức ghi hình phát trên đài truyền hình nhiều lần sau khi kết thúc phiên chất vấn. Về việc này chúng tôi đã tổ chức chất vấn chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy hoạch 3 loại rừng-vấn đề đã được nêu ra liên tục trong 12 kỳ họp HĐND nhưng việc thực hiện rất chậm.

Theo nghị quyết thì đến năm 2010 phải hoàn thành việc giao đất rừng sản xuất cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp; hoàn thành việc cắm mốc ranh giới đất rừng phòng hộ cho các Ban quản lý rừng phòng hộ. Nhưng thực tế đến năm 2010 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp lâm nghiệp trên địa bàn mới đạt 34%, các tổ chức kinh tế 48%, hộ gia đình là 49%. Chưa giao đất và cắm mốc ranh giới cho các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc không lập được quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh; chậm xác định giá trị tài sản về đất, rừng để quản lý, sử dụng và nộp thuế cho nhà nước; tình trạng tranh chấp đất đai, công tác bảo vệ rừng cũng trở nên phức tạp, khó khăn hơn.

Nguyên nhân chậm giao quyền sử dụng đất do chưa xác định được ranh giới pháp lý cuối cùng. Bởi vì, diện tích đất của các Công ty Lâm nghiệp quản lý liên quan đến nhiều địa phương, nếu để các công ty lâm nghiệp tự thoả thuận ranh giới với các tổ chức, cá nhân, cộng đồng, địa phương liên quan thì rất khó hoàn thành; BQL rừng phòng hộ chưa thực hiện được việc cắm mốc địa giới, một mặt thiếu kinh phí, mặt khác do chưa bóc tách diện tích đất không thuộc đất lâm nghiệp và đất lâm nghiệp sản xuất trong các BQL phải giao lại cho địa phương. Việc cấp quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chậm có nhiều nguyên nhân như: hồ sơ của đối tượng này vướng do đất tự khai hoang theo chủ trương phủ xanh đất trống, đồi núi trọc chưa có sự cho phép của chính quyền trước đây; vướng do quy hoạch khu dân cư, giao thông; phần đất của Công ty Lâm nghiệp trả lại sau khi quy hoạch 3 loại rừng không đo đạc địa chính nên việc lập thủ tục thu hồi bàn giao diện tích này cho địa phương rất khó thực hiện.

Thực trạng trên có trách nhiệm liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Nếu để từng tổ chức, cá nhân, địa phương thực hiện mà không có sự phối hợp và chỉ đạo thống nhất thì rất khó hoàn thành mục tiêu của nghị quyết. Vì vậy, HĐND tỉnh giao Thường trực HĐND tỉnh tổ chức chất vấn trực tiếp giữa hai kỳ họp để làm rõ những nội dung liên quan. Đối tượng bị chất vấn là Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc các Sở NN - PTNT, TN - MT; các chủ thể liên quan được mời tham dự để làm rõ vấn đề.

Sau giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đã có kết luận 10 vấn đề liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện nghị quyết. Kết luận giám sát được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt và báo cáo kết quả trước Kỳ họp thứ 3 năm 2011 của HĐND tỉnh Quảng Trị Khóa VI. Cụ thể, đã hoàn thành giao quyền sử dụng đất cho các doanh nghiêp lâm nghiệp; rà soát, tách và chuyển gần 5.400ha đất của các Ban quản lý rừng, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức đang sử dụng trong khu vực các Ban quản lý rừng, điều chỉnh giảm 307ha đất trên tổng số 872,38ha đất đã giao cho Trung tâm Khoa học Sản xuất Lâm nghiệp vùng Bắc Trung bộ để chuyển giao lại cho địa phương quản lý, bố trí sử dụng; thu hồi 104,3ha đất rừng sản xuất của Công ty Cổ phần nông lâm sản Quảng Trị; thu hồi 51,19ha đất sản xuất lâm nghiệp của Công ty TNHHMTV Lâm nghiệp Đường 9 để giao lại cho các địa phương giao cho dân sản xuất. Đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ TN-MT điều chỉnh quỹ đất của các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn để chuyển giao một phần đất sử dụng vào mục đích trồng rừng cho địa phương quản lý, bố trí cho nhân dân sản xuất và phục vụ phát triển KT-XH. Việc rà soát quy hoạch, cấp đất ở, đất sản xuất cho người dân và xây dựng đề án quy định giá các loại rừng cũng được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện theo kết luận của Thường trực HĐND tỉnh.

Đối thoại trực tiếp các bên liên quan

Một hình thức giám sát cũng mang lại hiệu quả tích cực trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri còn tồn đọng kéo dài, đó và việc tổ chức đối thoại trực tiếp 3 cấp và 3 bên (cơ quan dân cử, cơ quan chức năng và cử tri). Tại cuộc đối thoại này, mọi khía cạnh của vấn đề cử tri khiếu nại, khiếu kiện và cách giải quyết của cơ quan chức năng được trao đổi thẳng thắn, dân chủ và đi đến nhất trí nhận định nguyên nhân và giải pháp. Đồng thời lập biên bản làm việc tại chỗ có đầy đủ chữ ký của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, MTTQ, đại diện cử tri và những người liên quan. Trên cơ sở đó Thường trực HĐND ra kiến nghị và yêu cầu thời gian cụ thể để các bên liên quan phải thực hiện.

Hình thức này HĐND tỉnh Quảng trị đã thực hiện có hiệu quả giải quyết được một số vụ việc kéo dài như: khiếu nại quyết định hành chính của UBND tỉnh về việc đặt tên thôn ở Vĩnh Hòa, Vĩnh Linh - vụ việc kéo dài từ năm 1998 được giải quyết dứt điểm năm 2009 bằng việc UBND tỉnh chính thức ra quyết định đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Hay Ban quản lý dự án thuộc chương trình Đa dạng hóa nông nghiệp thuộc sở NN-PTNT chấp nhận bồi thường chênh lệch giá để mua giống cho 90,6ha cao su thuộc xã Cam Thành, Cam Lộ. Năm 2010, giải quyết việc thực hiện chính sách cho người có công với nước tại xã Gio Thành, huyện Gio Linh kéo dài 6 năm chưa được giải quyết dứt điểm…

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, để các hình thức giám sát trên mang lại hiệu quả thiết thực, trước hết phải lựa chọn vấn đề cử tri, dư luận quan tâm, những vấn đề phức tạp. Xây dựng kế hoạch chu đáo và đưa ra HĐND quyết định trong kế hoạch giám sát hàng năm. Quá trình thực hiện phải có quyết tâm cao, trước hết là sự nhất trí trong Thường trực và các ban HĐND. Vấn đề phải được thực hiện theo phương châm chủ động, dân chủ, đúng pháp luật, nhất là sự nhất trí của lãnh đạo cấp giải quyết cao nhất, bên cạnh đó là sự phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các đoàn thể nhân dân. Tận dụng mọi cơ hội để đối thoại và tìm ra nhân tố đồng thuận làm chuyển hóa các tư tưởng bảo thủ, cực đoan của các bên trên tinh thần hợp tác, tin cậy. Cuối cùng là phải đeo bám, theo dõi quá trình giải quyết, đánh giá, ghi nhận kịp thời, khi có kết quả phải thông tin rộng rãi cho nhân dân biết. Quá trình giám sát cần phối hợp và khuyến khích vai trò phản biện xã hội của báo chí để cung cấp thông tin, thu hút sự chú ý của cử tri và tạo dư luận xã hội tích cực trong quá trình giải quyết sự việc.

Lê Bá Nguyên
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị