Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

Những gì chưa chín, chưa rõ, chưa thống nhất cao thì chưa nên đưa ra

- Thứ Năm, 13/02/2020, 10:05 - Chia sẻ
Lược ghi phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận nội dung cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất nên để như phạm vi sửa đổi đã trình ra Quốc hội. Đây là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều với mấy lý lẽ. Một là chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội đã thông qua. Hai là luật mới có hiệu lực được hơn 3 năm. Ba là thực hiện Nghị quyết 18, Kế hoạch 07 của Bộ Chính trị là chỉ giải quyết những vấn đề liên quan đến tổ chức mà theo tinh thần cải cách đổi mới. Nhiều vấn đề mới chưa được tổng kết một cách kỹ lưỡng, đánh giá chính sách, tác động. Đa số đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay cũng đồng ý chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều.


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp Ảnh: Q. Khánh

Về số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ở đây có 2 phương án, đồng chí Chủ tịch Quốc hội có nói là nên đưa phương án 40% (tổng số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách - PV) thành phương án 1, còn tỷ lệ ít nhất 35% để phương án 2. Tôi cũng nghĩ chỗ này nên để 2 phương án, rồi xin ý kiến thêm các cơ quan, vì đây là vấn đề liên quan đến biên chế, nhân sự, cho nên phải báo cáo Bộ Chính trị.

Về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn đại biểu Quốc hội, số lượng đại biểu Quốc hội thống nhất là 500. Chúng ta không bớt chỗ này, mà giữ như luật hiện hành, và giảm đại biểu Quốc hội ở các cơ quan hành pháp, tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, đồng thời dành một tỷ lệ khoảng 5% (là những người chuẩn bị nghỉ hưu hoặc đến tuổi nghỉ hưu nhưng có đủ điều kiện về kinh nghiệm, sức khỏe, trí tuệ, uy tín có thể bầu vào đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan Quốc hội). Số đại biểu này ở các cơ quan Đảng, các cơ quan Chính phủ, cơ quan tư pháp, cơ quan Quốc hội và ở chính quyền địa phương, có thể là các nhà khoa học, nhà hoạt động về chính trị - xã hội có uy tín.

Về địa vị, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn đại biểu Quốc hội và bộ máy giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến còn đang khác nhau. Vì khác nhau như vậy và đây cũng là vấn đề được bàn luận rất nhiều lần ở nhiều lần sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, cho nên đề nghị cho giữ như hiện nay. Vì chúng ta vừa có lý luận đây là một tổ chức của các đại biểu Quốc hội ở một đơn vị bầu cử địa phương và là nơi kết nối giữa đại biểu Quốc hội với Quốc hội, chứ không phải là cơ quan của Quốc hội. Nếu nói Đoàn đại biểu Quốc hội là cơ quan của Quốc hội thì bây giờ Quốc hội chúng ta thành 74 cơ quan - hoàn toàn không phù hợp. Tất nhiên, trong thực tế do vị trí, vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương và ở Quốc hội, cho nên Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành đã bổ sung chức năng giám sát, theo đó ngoài mỗi đại biểu có quyền giám sát thì Đoàn đại biểu cũng có chức năng, nhiệm vụ giám sát được ghi trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Về Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, tán thành với đề xuất của Ban soạn thảo và Báo cáo thẩm tra, đề nghị Chính phủ theo tiến độ, lẽ ra là tháng 12 vừa rồi phải tổng kết nhưng đến bây giờ là tháng 2 rồi, đề nghị anh Thăng (Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng - PV) về báo cáo Bộ trưởng và báo cáo Chính phủ sớm tổng kết việc thí điểm nhập 3 văn phòng để có thể đưa ra một mô hình mới, theo hướng cơ quan dân cử có một văn phòng, Ủy ban nhân dân có một văn phòng.

Về chế độ, chính sách thì nên phân biệt 2 nguồn kinh phí: Kinh phí hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội từ ngân sách Trung ương cấp, kinh phí hoạt động cho Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là do ngân sách địa phương bảo đảm, còn các chế độ, chính sách địa phương bảo đảm. Các chế độ, chính sách về cán bộ thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất theo quy định hiện nay.

Về cơ cấu tổ chức của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban Quốc hội, chúng ta đang có 3 phương án (kể cả hôm nay đưa ra 1 phương án nữa). Ta cũng phải chọn phương án 1 thì tôi đề nghị chuyển phương án 2 (phương án Thường trực gồm có Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực và Ủy viên chuyên trách) - phương án này là phương án Chủ tịch Quốc hội đồng ý và phù hợp với chỉ đạo của Nghị quyết 18 và Kết luận 07, tất nhiên phải giảm số lượng của Ủy viên thường trực và tăng Ủy viên chuyên trách. Phương án 2 là phương án chị Phóng (Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng - PV) đề xuất là Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm và Ủy viên. Còn một phương án nữa là phương án chỉ có Ủy viên thường trực.

Về vấn đề chuyển các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội hay thành Ủy ban của Quốc hội, đây là vấn đề lớn, mới, hiện đang còn ý kiến khác nhau. Tất nhiên là nhiều đồng chí trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ quan điểm là cần phải đổi mới nâng cấp các ban này, nhưng các đồng chí cũng nói rằng, chúng ta phải căn cứ vào cơ sở chính trị, Hiến pháp, thực tiễn và yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, góp phần nâng cao, khẳng định vị trí, vai trò của Quốc hội. Cho nên, đây là vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu. Chúng ta tán thành với đề xuất của Ủy ban Pháp luật là Đảng đoàn Quốc hội cần có một hội nghị mở rộng các thành phần để thảo luận kỹ hơn, nhiều hơn về vấn đề này. Tuy nhiên, hôm nay các đồng chí đã nói những ý rất chung, rất cơ bản. Tôi về Quốc hội bây giờ là khóa thứ 4, có thể nói không dám chủ quan, nhưng vấn đề này không mới, đã đưa ra rất nhiều khóa Quốc hội, bàn tại nhiều kỳ họp, mỗi lần sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, nhất là lần tổng kết và sửa đổi Hiến pháp đều bàn đến, nhưng đều không tạo được sự đồng thuận, thống nhất chung. Bởi lẽ,  phải căn cứ bảo đảm tính hợp hiến thì các đồng chí có trích khoản 6 Điều 70 Hiến pháp là Quốc hội quy định về những cơ quan do Quốc hội thành lập, để nói rằng cơ quan này cũng do Quốc hội thành lập nên có thể Quốc hội quy định. Nhưng tại khoản 6 của Hiến pháp, ngay đoạn đầu quy định: “Quốc hội quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội”, sau đó mới quy định về Chủ tịch Nước, Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát, Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng Bầu cử quốc gia, và sau đó mới đến đoạn “quy định các cơ quan do Quốc hội thành lập”. Ý này khi làm Hiến pháp là để tạo ra không gian, điều kiện để sau này giả sử như Quốc hội có thành lập một cơ quan nào đó thì không vướng gì Hiến pháp. Ví dụ Kiểm toán nhà nước cũng là một cơ quan khác ngoài Quốc hội nhưng do Quốc hội thành lập, được quy định trong Hiến pháp rồi. Hay như Hội đồng Bầu cử quốc gia, tới đây là cơ chế bảo hiến, Hội đồng bảo hiến hay Tòa án Hiến pháp chẳng hạn, hay một thiết chế nào đó nữa sẽ đỡ đi, chứ không phải nói ý đó để nói rằng cơ quan này của Quốc hội để quy định trong chương này.

Các đồng chí phải chú ý chương của Hiến pháp quy định tại Điều 74 nói về nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi phân tích chỗ này để các đồng chí thấy rõ hơn, vì nói là Ban Dân nguyện hay Ban Công tác đại biểu hiện nay là cơ quan chuyên môn để giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan này tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện các thẩm quyền theo quyết định theo Hiến pháp. Trong khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 74 Hiến pháp năm 2013, ví dụ như quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội... - đây là thẩm quyền đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn thẩm quyền quyết định là Quốc hội. Ban Công tác đại biểu hiện nay là cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Tờ trình để trình ra Quốc hội, chứ không phải cơ quan này trực tiếp trình ra Quốc hội.

Chúng ta cũng thấy rằng công tác cán bộ, công tác nhân sự là công tác của Đảng, nói là cán bộ chiến lược hay những chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn là do Đảng lo chuẩn bị, ta chỉ làm thủ tục, trình tự theo quy định của Hiến pháp. Tất nhiên, đại biểu Quốc hội có quyền phê chuẩn bầu hay không bầu ai đó, đây là quyền của Quốc hội, nhưng không phải là thẩm quyền của Ban Công tác đại biểu này. Đây là thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nếu như thành lập cơ quan này lại đụng đến Hiến pháp, thì có sửa Hiến pháp không - chắc là không ai đặt ra vấn đề sửa Hiến pháp. Hay như khoản 5 là Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội - Hiến pháp chỉ nói vậy. Vậy đây là Ủy ban Dân nguyện, Ủy ban Công tác đại biểu hay là cơ quan chuyên môn? Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Hiến pháp có được hướng dẫn và phối hợp hoạt động của các Ủy ban này không - Hiến pháp không quy định. Tiếp theo là Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm hướng dẫn, bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội. Những vấn đề các đồng chí nêu như khen thưởng, thi đua, đào tạo, bồi dưỡng cho đại biểu Quốc hội - đây là nhiệm vụ được Hiến pháp giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn Ban này của chúng ta là làm nhiệm vụ tham mưu, phục vụ giúp cho Ủy ban Thường vụ thực hiện nhiệm vụ này. Nếu là cơ quan Quốc hội hay Ủy ban của Quốc hội thì rõ ràng chỗ này là vướng Hiến pháp.

Các đồng chí nói là đã có cơ sở chính trị của Đảng - đúng là trước đây có Kết luận 64 của Trung ương khóa XI, thời điểm đó ta làm Hiến pháp, trình Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 thì tất cả những vấn đề này bàn ra được... Nhưng bây giờ theo Nghị quyết 18, 19 của Đảng và cả dự thảo Báo cáo chính trị ta góp ý vừa rồi với tinh thần tinh gọn, không nâng cấp, thành lập mới bộ máy. Nếu như ta có báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, thì từ phía ta, tôi thấy cũng có những vấn đề chưa đủ chín, chưa đủ rõ và chưa tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao để trình những vấn đề này, cho nên tôi thấy rất khó... Phải căn cứ vào Hiến pháp và thực tế...

Về cơ bản những nội dung khác Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, còn riêng những vấn đề này, theo quan niệm và nguyên tắc những gì mà chưa chín, chưa rõ, chưa thống nhất cao thì chưa nên đưa ra.

Anh Phương lược ghi

_________

* Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt