Những đường tơ giăng mắc

- Thứ Bảy, 13/04/2019, 08:34 - Chia sẻ
Các tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Trần Thị Thu và bộ sưu tập thời trang của nhà thiết kế Hồng Phạm sẽ cộng hưởng, lan tỏa những giá trị của văn hóa và con người Việt Nam.

“Giăng tơ” là chương trình nghệ thuật đương đại lần đầu tiên được tổ chức tại TP Hội An (vào tối nay, 13.4), mở màn cho chuỗi sự kiện văn hóa nghệ thuật chào mừng 20 năm phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Chương trình bao gồm trưng bày 40 tác phẩm tranh trừu tượng trên lụa, 3 sắp đặt lụa cùng kỹ thuật nhuộm chàm truyền thống, màu nước, acrylic với những thử nghiệm mới của họa sĩ Trần Thị Thu, và trình diễn 60 mẫu thiết kế trong bộ sưu tập thời trang của Hồng Phạm.

Mong manh kỳ diệu

“Khi được nhà thiết kế thời trang sử dụng, hội họa đi vào đời sống. Trang phục mang trong nó tính tạo hình là một hiện tượng mới ở Việt Nam, hứa hẹn tương lai nở rộ. Tinh thần hội họa trên vải tơ đến lượt nó tạo ra cảm hứng cho tranh của Trần Thị Thu. Kinh nghiệm trong thao tác vẽ và nhuộm vải tơ cung cấp cho hội họa của chị những ý tưởng đặc sắc và riêng tư”.

Họa sĩ Lý Trực Sơn

Thế kỷ XVII, Hiếu Chiêu Hoàng Hậu - “Bà chúa Tằm Tang” đã góp công đưa lụa của xứ Đàng Trong nối vào “con đường tơ lụa trên biển” nổi tiếng và đi khắp thế giới từ cảng thị Faifo - Hội An. Chính con đường tơ lụa ấy đã dẫn lối họa sĩ Trần Thị Thu tìm hiểu vẻ đẹp của phụ nữ Việt từ ngàn xưa. “Một ngàn năm, một vạn năm/ Con tằm vẫn kiếp con tằm giăng tơ/ Ai ơi chín đợi mười chờ/ Chờ ai, ai đợi, ai chờ đợi ai…” (lời bài hát “Trăng khuyết” của nhạc sĩ Huy Thục, thơ Phi Thị Tuyết Ba). Và tôi cũng không thể không yêu những sợi tơ trời mong manh kỳ diệu ấy để tạo nên vẻ đẹp trong ngôn ngữ hội họa của mình” - họa sĩ Trần Thị Thu chia sẻ.

Họa sĩ Trần Thị Thu cho biết, xưa nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã gây dựng Cổ Nguyệt Đường bởi thơ. Bất cứ ai đến đó đều là khách thơ. Cái sợi dây tơ vương ấy đã níu giữ bao quân tử tài ba lỗi lạc. Nàng đã quay tơ dệt lụa bên khung cửi để nuôi sứ mệnh văn thơ của mình. Rất nhiều phụ nữ Việt cũng đã chờ đợi bên khung cửi như thế. Đêm năm canh ở đâu đó trong những ngôi làng của người việt, đặc biệt vùng Kinh Bắc, những người phụ nữ đã cất lên những câu ca… “giăng hư ư ư … ư mùng” nghe da diết và tiếc nuối của liền anh liền chị, hay nơi miền núi xa xôi kia những phụ nữ ấy vẫn quay tơ dệt vải và chờ đợi! Tấm áo tơ tằm được nâng niu, trong nhớ thương luyến ái của người đi và người ở…

“Triển lãm “Giăng tơ” sẽ kể lại cho người xem những giá trị ấy thông qua ngôn ngữ hội họa trừu tượng biểu hiện của cá nhân tôi với 3 phần: sắp đặt, tranh và đặc biệt là thời trang, kết hợp với nhà thiết kế Hồng Phạm”.


Tác phẩm “Giăng tơ” - sắp đặt của họa sĩ Trần Thị Thu

Nhiều cung bậc cảm xúc

Sự kết hợp giữa họa sĩ Trần Thị Thu với thời trang BigThu và nhà thiết kế Hồng Phạm đã đi được nhiều năm nay. Lần này, những mẫu thiết kế phóng khoáng, hiện đại, rất nữ tính, phù hợp từ phong cách vẽ, kết hợp màu công nghiệp và màu tự nhiên, trên chất liệu tơ tằm lụa Vạn Phúc, đũi Thái Bình và vải thô Nam Định trong các tác phẩm của họa sĩ Trần Thị Thu.

“Câu chuyện của họa sĩ Trần Thị Thu về những ký ức của chị đối với quê hương, những cảm xúc của một người gắn bó với núi rừng Tây Bắc nhưng tim luôn hướng về nguồn cội - Làng Chuông, hay hành trình đến với nghệ thuật, tìm tới khát khao trong hội họa, luôn khiến tôi trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Có hạnh phúc ngọt ngào len lỏi nhưng cũng có cả đau thương, nghị lực. Hội họa của chị là những đường tơ như đan như mắc, có lúc như rung lên mà cũng có khi như lắng lại, đan dệt nên một câu chuyện về cuộc đời, về con người” - nhà thiết kế Hồng Phạm tâm sự.

Và nhà thiết kế Hồng Phạm muốn lan tỏa hội họa của Trần Thị Thu tới mọi người. “Tôi chọn áo dài, bởi có lẽ với phụ nữ Việt, chẳng có gì đẹp bằng những bộ áo dài mang tâm hồn của mỗi vùng miền, đặc trưng của mỗi mảnh đất. Áo dài cũng là tấm áo kỷ niệm của bà, của mẹ tôi, những người đã trải qua năm tháng cuộc đời mà còn lưu dấu thời gian trên những tấm áo để tôi thêm yêu thương, trân trọng”.

Quỳnh Trang