Những đứa trẻ bị kỳ thị

- Thứ Bảy, 03/08/2019, 08:11 - Chia sẻ
Trẻ sinh ra bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được xem là đối tượng thiệt thòi nhất, bởi không có quyền lựa chọn và bị hạn chế rất nhiều trong việc tiếp cận, thụ hưởng quyền của trẻ em.

“Không ai chơi với con”

Chỉ vui vẻ với các bạn trong cùng trung tâm nhưng luôn có thái độ e dè, cảnh giác và không muốn trả lời người lạ, đây gần như là phản ứng chung của những đứa trẻ “có H”. T.M sinh ra đã nhiễm HIV từ mẹ. 4 tuổi, mẹ mất, bé được gửi vào trung tâm bảo trợ trẻ em của TP Hồ Chí Minh. Trong trí nhớ của cô bé học lớp 3 này, hình ảnh người mẹ rất nhạt nhòa và bé hoàn toàn không nhớ nhà mình ở đâu. T.M không biết bệnh của mình là gì, có nguy hiểm hay không, chỉ biết rằng khi đến trường, cô bé thường lủi thủi một mình vì: “Các bạn nói con bị SIDA, không ai chơi với con”.

N.V H. mang trong mình căn bệnh thế kỷ từ khi sinh ra đến nay đã 12 năm. Cha mẹ đều đã mất vì HIV khi H. còn quá nhỏ, em được ông bà ngoại đưa về nuôi. Do thường xuyên phải chống chọi với bệnh tật, chất lượng bữa ăn không bảo đảm khiến cơ thể H. bị suy dinh dưỡng nặng, trí nhớ kém. H. hoàn toàn không biết gì về việc phải điều trị HIV, thuốc ARV hay những quyền tối thiểu khác của một đứa trẻ về chăm sóc y tế,


Trẻ nhiễm HIV đang được chăm sóc tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh)

Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân (Hội phòng chống HIV/AIDS TP Hồ Chí Minh) cho biết, số trẻ dưới 16 tuổi bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại TP Hồ Chí Minh ước tính khoảng 25.000 trẻ, trong đó trẻ bị nhiễm HIV khoảng 1.228 em; trẻ đang điều trị ARV là 1.162 em. Mặc dù đã có rất nhiều hoạt động tuyên truyền, thông tin, truyền thông góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi thái độ hành vi của trẻ và thiếu niên trong trường học và ngoài cộng đồng, nhằm giúp trẻ tự phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS cho cá nhân, cộng đồng, giảm kỳ thị phân biệt đối xử với trẻ em và người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nhưng thực tế, vẫn còn không ít trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV, trẻ nhiễm HIV khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe.

Một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với trẻ em, người chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS chưa được người dân biết đến. Vẫn còn hiện tượng kỳ thị phân biệt đối xử với trẻ có HIV/AIDS. Đội ngũ cán bộ y tế bảo vệ, chăm sóc trẻ em đặc biệt, mạng lưới cộng tác viên tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở địa bàn quận huyện, phường xã, khu phố, ấp… chưa được cập nhật chính sách, quyền cơ bản của trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Bản thân gia đình, người chăm sóc có trẻ bị nhiễm HIV/AIDS còn tâm lý sợ hãi vì bị kỳ thị và phân biệt đối xử.

Bác sĩ Thu Vân chia sẻ: “Đứa trẻ nhiễm HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV không có quyền lựa chọn, bởi khi sinh ra, trẻ đã bị nhiễm HIV từ mẹ. Thế nhưng khi nhắc đến HIV là người ta nghĩ ngay đến mại dâm, nghiện hút, đến tình dục không an toàn, trong khi những đứa trẻ này hoàn toàn không nằm trong nhóm đối tượng đó, và chúng vẫn bị kỳ thị nặng nề. Thực tế đã có không ít trẻ khi chuyển qua giai đoạn vị thành niên, khám ở phòng khám người lớn, đã bỏ uống thuốc, bỏ điều trị vì chán nản, vì tự ti, vì muốn phản kháng do bị kỳ thị”.

Nâng cao nhận thức về quyền trẻ em

Ngày 30.7 vừa qua, Hội Phòng chống HIV/AIDS TP Hồ Chí Minh cùng tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã khởi động dự án “Bảo đảm trẻ em nhiễm HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận và thụ hưởng quyền trẻ em”. Dự án nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao nhận thức cộng đồng pháp lý, cách thức thực hiện quyền trẻ em phù hợp với pháp luật; tăng cường khả năng tiếp cận và thụ hưởng các quyền về pháp lý, chăm sóc, giáo dục vui chơi cho trẻ nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Theo bác sĩ Thu Vân, hiện TP Hồ Chí Minh có khoảng 35 chi hội (nhóm những người nhiễm, cơ sở y tế, tổ chức thiện nguyện…) thực hiện việc tiếp cận, hỗ trợ trẻ nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV. Tuy nhiên, rất nhiều trẻ hiện không có giấy tờ tùy thân. Thành phố hiện có khoảng 1.500 người nhiễm HIV không có giấy tờ tùy thân, nhưng khi các tổ chức trợ giúp việc kê khai thông tin thì chỉ khoảng 300 người tham gia. Việc không có giấy tờ tùy thân gây khó khăn không nhỏ cho người có HIV, trong đó có trẻ em, tiếp cận thông tin cũng như điều trị.

Dự án này sẽ tiếp cận và nâng cao nhận thức về quyền trẻ em và nhu cầu hỗ trợ pháp lý của trẻ dưới 18 tuổi nhiễm HIV đang điều trị ARV và người chăm sóc trẻ tại 27 phòng khám ngoại trú trên địa bàn thành phố. Qua dự án, Hội Phòng chống HIV/AIDS TP Hồ Chí Minh mong muốn tiếp cận, nâng cao nhận thức cho 1.000 trẻ nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; 500 người chăm sóc và 30 cán bộ phường xã (tại Q4, Q6, Q.Gò Vấp) về pháp lý và cách thức thực hiện quyền trẻ em phù hợp với các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, kéo dài đến 5.2020, dự án sẽ trợ giúp vui chơi cho 100 trẻ nhỏ, giáo dục nghề cho 30 trẻ vị thành niên, hỗ trợ pháp lý cho 200 trẻ, hỗ trợ mua thẻ BHYT cho 200 trẻ. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho người làm công tác chăm sóc trẻ và gia đình, huy động kết nối và hỗ trợ gia đình trẻ tiếp cận các nguồn lực từ chính sách của Nhà nước và các tổ chức quốc tế để các hoạt động mang tính bền vững.

Bạch Dương