Dịch vụ thông tin, nghiên cứu hỗ trợ nghị sĩ

Những công việc thầm lặng

- Chủ Nhật, 26/05/2019, 08:52 - Chia sẻ
Cũng giống như bộ phận nghiên cứu hỗ trợ nghị sĩ của nghị viện các nước, bộ phận nghiên cứu của Nghị viện Nhật Bản trở thành những người giúp việc lặng lẽ nơi cánh gà để các dân biểu có thể làm tốt công việc của mình. `

Hỗ trợ công tác lập pháp

Những năm gần đây, các yêu cầu đòi hỏi nghị sĩ phải chủ động tham gia vào quá trình xây dựng chính sách ngày một tăng cao. Trong bối cảnh đó, Cục Pháp chế của Hạ viện và Thượng viện Nhật Bản đã và đang hỗ trợ nghị sĩ từ khâu đưa ra ý tưởng lập pháp cho đến khâu xây dựng dự thảo luật. Cục Pháp chế của Hạ và Thượng viện được thành lập theo mô hình Văn phòng cố vấn lập pháp (Office of Legislative Council) của Mỹ, phụ trách công tác xây dựng và thẩm tra dự thảo văn bản, các điều tra sơ bộ liên quan đến pháp chế. Mặc dù số lượng nhân viên ít hơn nhiều so với Văn phòng Hạ viện và Văn phòng Thượng viện, nhưng Cục pháp chế của mỗi viện có vị trí pháp lý ngang với hai Văn phòng.

Cục Pháp chế của mỗi Viện xây dựng dự thảo luật do nghị sỹ Viện đó đề xuất (nghị sỹ lập pháp), xây dựng dự thảo chỉnh lý cho dự án luật, bên cạnh đó còn có nhiệm vụ hỗ trợ trả lời các câu hỏi trong các phiên thẩm tra dự thảo luật, dự thảo chỉnh lý và tư vấn về mọi vấn đề pháp luật. Trong những năm gần đây, chức năng của Cục đang chuyển dần từ thẩm tra văn bản với trọng tâm là thẩm định văn bản pháp luật (kiểm tra trên phương diện kỹ thuật lập pháp) sang vai trò hỗ trợ lập pháp với nhiệm vụ chính là chủ động tham gia hỗ trợ quá trình xây dựng chính sách.

Hỗ trợ thông tin, nghiên cứu

Cục Nghiên cứu và Tra cứu lập pháp của Thư viện quốc gia Quốc hội Nhật Bản trực thuộc nghị viện nhưng độc lập với văn phòng nghị viện, được thành lập theo mô hình Cơ quan Dịch vụ nghiên cứu Quốc hội (Congressional Research Service) của Thư viện Quốc hội Mỹ. Bên cạnh các loại dịch vụ chung cho công chúng, Thư viện Quốc gia Quốc hội Nhật Bản cung cấp các dịch vụ nghiên cứu phục vụ hoạt động lập pháp của Quốc hội. Đối tượng phục vụ của Thư viện Quốc hội là toàn bộ nghị sỹ Quốc hội, thư ký nghị sỹ, trợ lý chính sách của các chính đảng, nhân viên Văn phòng Hạ viện và Thượng viện và người dân Nhật Bản.

Mặc dù Nhật Bản không có cơ quan nào tương ứng với Văn phòng Ngân sách như của Mỹ. Tuy nhiên, dịch vụ cung cấp thông tin và nghiên cứu liên quan tới ngân sách được thực hiện bởi Cục Điều tra nghiên cứu Hạ viện, các Phòng Điều tra nghiên cứu thuộc ủy ban Thượng viện, Cục Nghiên cứu và tra cứu lập pháp của Thư viện Quốc hội Quốc gia.

Trong việc hỗ trợ về thông tin - nghiên cứu cho các nghị sĩ, Cục Nghiên cứu và tra cứu lập pháp của Thư viện Quốc hội Quốc gia tiến hành dịch vụ này theo yêu cầu từ cá nhân nghị sỹ, các Ủy ban của Quốc hội, các đảng chính trị… Nội dung của nghiên cứu - khảo sát theo yêu cầu rất đa dạng, từ những nghiên cứu khảo sát cần thời gian dài về tất cả các vấn đề chính như: chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật… đến những nghiên cứu được yêu cầu trả lời ngay. Số lượng nghiên cứu theo yêu cầu đã xử lý năm 2014 là khoảng 42.000 yêu cầu, lập khoảng 7.300 báo cáo nghiên cứu và 7.000 cuộc gặp mặt trình bày trực tiếp với nghị sĩ. Trong số đó, khoảng hơn 38.000 yêu cầu của nghị sĩ đang tại vị và gần 1.500 yêu cầu của nguyên nghị sĩ.

Bên cạnh đó, còn có nghiên cứu dự báo do các cơ quan liên quan tự tiến hành một cách chủ động về những vấn đề được dự báo là sẽ trở thành đối tượng thảo luận tại nghị trường. Kết quả nghiên cứu được biên soạn thành các ấn phẩm khác nhau và cung cấp cho nghị sỹ và một số đối tượng khác. Bắt đầu từ năm 2007, mỗi năm có khoảng 20 cuộc “Hội thảo chính sách” được tổ chức nhằm giới thiệu, giải thích các kết quả nghiên cứu dự báo với nghị sỹ và các thư ký nghị sỹ. Giới thiệu, giải thích một cách ngắn gọn các vấn đề của đất nước trong độ 1 giờ theo các chủ đề có tính thời sự.

Cơ quan nói trên đều ứng dụng công nghệ thông tin vào để cung cấp dịch vụ thông tin - nghiên cứu cho nghị sĩ. Ví dụ như Cục Nghiên cứu và tra cứu lập pháp Thư viện Quốc hội bắt đầu triển khai dịch vụ “Cửa sổ nghiên cứu” dành riêng cho nghị sĩ và những người có liên quan tới nghị viện từ tháng 10.1998. Nghị sĩ Quốc hội có thể sử dụng cơ sở dữ liệu gần tương tự như những gì mà thư viện cung cấp cho người dùng phổ thông. Đồng thời, “Cửa sổ nghiên cứu” tiếp nhận yêu cầu khảo sát, nghiên cứu từ các nghị sĩ và thư ký, theo dõi quá trình thực hiện điều tra nghiên cứu. Trên thực tế, có thể có rất nhiều kênh để yêu cầu điều tra như qua điện thoại, yêu cầu trực tiếp… nhưng tất cả các yêu cầu này đều được “Cửa sổ nghiên cứu” lưu lại, tổng hợp trên hệ thống.

Quỳnh Vũ