Chính sách và cuộc sống

Những câu hỏi về bảo hiểm xe máy

- Thứ Năm, 23/07/2020, 18:13 - Chia sẻ
“Nhờ” đợt tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới kéo dài 1 tháng của ngành cảnh sát giao thông, những bất cập trong việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe máy (sau đây gọi là bảo hiểm xe máy) “có dịp” được xới lên; từ đó đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến sự cần thiết và ý nghĩa của loại hình bảo hiểm này.

Chính sách bảo hiểm xe máy bắt buộc triển khai từ năm 2008, đến nay đã hơn chục năm. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết tỷ lệ xe máy tham gia bảo hiểm hiện mới đạt khoảng 30%. Tính toán dựa trên số liệu công bố trên trang web của Bộ này cũng cho thấy, trong giai đoạn 2008 - 2017, tỷ lệ bồi thường chưa tới 30%, chính xác là 27,8%. Đặc biệt, năm 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm xe máy là 765 tỷ đồng, số tiền đã bồi thường là 45 tỷ đồng, nghĩa là tỷ lệ bồi thường chỉ chiếm 6% doanh thu. Trong khi đó, tỷ lệ bồi thường của các loại bảo hiểm phi nhân thọ khác thường dao động từ 40 - 70%.

Vì sao tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm xe máy lại thấp như vậy? Phải chăng do số vụ tai nạn xe máy ít? Hay vì thủ tục chi trả quá phiền hà, quá nhiêu khê khiến chủ xe chờ được vạ thì má đã sưng khi số tiền được bồi thường không “bõ” chi phí đi lại, hoàn tất các loại giấy tờ cần thiết?

Theo quy định hiện hành, khi xảy ra tai nạn, chủ xe phải cung cấp cho công ty bảo hiểm “cả mớ” giấy tờ trong hồ sơ bồi thường. Ngoài các giấy tờ cơ bản như giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, chứng minh thư, giấy chứng nhận bảo hiểm, còn phải có giấy chứng thương, giấy ra viện, giấy chứng nhận phẫu thuật, hồ sơ bệnh án, trường hợp nạn nhân tử vong thì cần có giấy chứng tử. Để chứng minh thiệt hại về tài sản, chủ xe phải cung cấp hóa đơn, chứng từ hợp lệ về việc sửa chữa, thay mới xe máy tại các cơ sở do doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định hoặc đồng ý.

Vẫn chưa hết! Hồ sơ bồi thường cần có thêm bản sao của biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn, sơ đồ hiện trường, biên bản khám nghiệm phương tiện, thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn…

Có đủ những giấy tờ này không phải là chuyện đơn giản và vô cùng tốn kém thời gian, chi phí; trong khi số tiền bồi thường cho 1 vụ tai nạn xe máy trung bình là… 5 triệu đồng. Thành ra phần lớn người dân mua bảo hiểm xe máy để “đối phó” với cảnh sát giao thông là chính chứ không mấy ai nghĩ tới chuyện được bồi thường. Điều này cũng lý giải vì sao sau hơn chục năm triển khai chính sách, tỷ lệ xe máy tham gia rất thấp dù đây là loại bảo hiểm bắt buộc!

Trong cuộc họp báo sáng qua về bảo hiểm xe máy, đại diện Bộ Tài chính khẳng định sự cần thiết, ý nghĩa xã hội và tính chất nhân đạo của loại hình bảo hiểm này. Tuy nhiên, có một câu hỏi quan trọng mà Bộ Tài chính phải trả lời, đó là: Nếu bảo hiểm xe máy không bảo vệ được lợi ích chính đáng của người dân thì liệu nó có bảo vệ được lợi ích công cộng và an toàn của xã hội - như yêu cầu Luật Kinh doanh bảo hiểm đề ra với bảo hiểm bắt buộc?

Được biết, Bộ Tài chính đang sửa đổi Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về chế độ bảo hiểm xe cơ giới theo hướng giảm nhẹ gánh nặng thủ tục cho chủ xe; tăng tính chủ động và trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thu thập hồ sơ bồi thường, rút ngắn thời gian tạm ứng bồi thường... Trường hợp Nghị định mới không thể giải quyết được những bất cập trong thực hiện chính sách này, không có chế tài nghiêm khắc buộc doanh nghiệp bảo hiểm phải chủ động phối hợp với chủ xe để hoàn thiện hồ sơ bồi thường thì Bộ Tài chính cần trả lời thêm một câu hỏi nữa: Có nên quy định đây là loại bảo hiểm bắt buộc không - khi sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm vào năm tới.

Hà Lan