Những cánh bướm kết nối trái tim

- Thứ Sáu, 23/08/2019, 07:15 - Chia sẻ
“Những cánh bướm xinh đẹp mang theo ước mơ và hy vọng của trẻ em khuyết tật, sẽ vượt qua rào cản ngôn ngữ, có những chuyến bay hạnh phúc kết nối mọi người trên thế giới, chia sẻ tình yêu thương nhân loại”. Đó là hy vọng của họa sĩ Hàn Quốc Ahn Yun Mo khi thực hiện dự án nghệ thuật quốc tế “Hóa thành bươm bướm - Become a Butterfly”.

Thông điệp về tình yêu thương

Dự án “Hóa thành bươm bướm” do họa sĩ Ahn Yun Mo khởi xướng cùng trẻ em, thanh thiếu niên khuyết tật từ năm 2013, không chỉ là cơ hội để toàn thế giới thấy được tính chân thực của mỹ thuật Hàn Quốc, mà còn là thông điệp ấm áp về tình yêu thương. Họa sĩ Ahn Yun Mo chia sẻ: “Trẻ khuyết tật, tự kỷ không phải là vấn đề của riêng quốc gia nào. Quan tâm và làm việc với những trẻ em này từ 17 năm trước, tôi thấy dù có vấn đề về giao tiếp với thế giới bên ngoài, nhưng các em lại có thể thích thú và thể hiện được suy nghĩ, ý tưởng của mình qua các bức vẽ. Dù vậy tới 6 năm trước, tôi mới có thể bắt đầu đưa dự án này đi vòng quanh thế giới”.


Không gian triển lãm đầy màu sắc
Ảnh: Th. Nguyên

“Tấm lòng của họa sĩ Ahn Yun Mo dành cho trẻ em khuyết tật, tự kỷ thế giới và Việt Nam thực sự xúc động. Hy vọng tình cảm này sẽ lan truyền, mang lại cảm hứng cho các đồng nghiệp Việt Nam để tạo ra nhiều dự án nghệ thuật dành cho trẻ em, trong đó có trẻ khuyết tật và trẻ tự kỷ”.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn

Ahn Yun Mo từng thực hiện 80 dự án trong và ngoài nước có sự tham gia của trẻ em khuyết tật, tự kỷ; tham gia hàng nghìn triển lãm nhóm ở Hong Kong, Singapore, New York, Miami, New Zealand... Trong đó, dự án vòng quanh thế giới “Hóa thành bươm bướm” đã được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại New York (Mỹ) và nhiều bảo tàng, khu triển lãm, địa điểm nổi tiếng khác tại các thành phố lớn ở Bỉ, Pháp, Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Ethiopia, Kenya... Từ ngày 21.8 - 14.9, dự án dừng chân tại Việt Nam trong triển lãm tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, Hà Nội.

Không gian triển lãm là các tác phẩm sắp đặt lớn được tạo nên từ gần 1.300 cánh bướm giấy của gần 1.300 trẻ em, thanh thiếu niên khuyết tật và không khuyết tật trên toàn thế giới; khoảng 100 tác phẩm do các em học sinh khuyết tật, tự kỷ đến từ Trường chuyên biệt Bình Minh (Việt Nam); gần 20 tác phẩm hội họa của Ahn Yun Mo và 5 họa sĩ khuyết tật Hàn Quốc. Người xem như lạc vào một thế giới rực rỡ, tươi đẹp với vô vàn màu sắc và đầy sức hút, lôi cuốn họ soi kỹ vào từng chi tiết. Mỗi tác phẩm được trang trí theo phong cách riêng, không cái nào giống nhau, như chính sự đa dạng của thế giới này.

“Để có thể tung cánh bay lượn trên bầu trời, bướm phải trải qua chu trình lột xác. Tôi dùng hình ảnh này với mong muốn trẻ tự kỷ, khuyết tật đang bị hạn chế giao tiếp, cũng có thể thay đổi. Triển lãm không chỉ là dịp để các em nhỏ thiệt thòi gặp gỡ, giao lưu với người cùng hoàn cảnh, mà chúng ta - những người không bị khuyết tật có thể cùng chung tay giúp họ hòa nhập, vì một xã hội không có sự phân biệt đối xử, tràn đầy hạnh phúc” -  họa sĩ Ahn Yun Mo kỳ vọng.

Mang con người đến gần nhau hơn

“Khi sáng tác, mỗi người có thế giới nghệ thuật riêng, tuy nhiên, tôi cho rằng, nghệ thuật không phải chỉ nói những điều cho riêng mình, mà phải chứa đựng cả điều xã hội quan tâm. Hy vọng rằng chúng ta có thể vượt qua mọi rào cản về màu da, ngôn ngữ, phá tan khoảng cách giữa người khuyết tật và người không khuyết tật, tạo ra một bước tiến mới phát huy vai trò cơ bản của nghệ thuật, đó là mang con người đến gần nhau, làm cho thế giới hạnh phúc hơn” - họa sĩ Ahn Yun Mo nói.

Ahn Yun Mo chia sẻ, mỗi vùng, mỗi quốc gia đều có khác biệt về văn hóa, nhưng cũng có những điểm chung, nên mọi người có thể dễ dàng hiểu nhau. “Làm việc với trẻ em ở các châu lục, tôi thấy rằng, so với trẻ em châu Mỹ hay châu Âu, ở châu Phi các em nhỏ hầu như chưa được tiếp cận và học mỹ thuật, nhưng lại vẽ đẹp, có hồn, rất cảm động và ấn tượng. Còn ở Việt Nam, các em nhỏ rất vui vẻ, và có tố chất mỹ thuật, hy vọng sau dự án này, không chỉ có các em nhỏ Trường chuyên biệt Bình Minh, mà các bạn khuyết tật ở Việt Nam có thể giao lưu với nhau và giao lưu với thế giới nữa, giúp các em mở lòng hơn, được chia sẻ, từ đó có thêm dũng khí, sức mạnh vượt qua khó khăn”.

Lần đầu tiên cùng các em khuyết tật trí tuệ, khiếm thính, tự kỷ tham gia tô màu, vẽ tranh để nói lên những mong muốn giản dị của mình, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Bình Minh Lưu Thị Thu Hồng mong muốn rằng những bức vẽ sẽ mang thông điệp của các em đến nhiều người Việt Nam và thế giới. Sau trưng bày tại Hà Nội, họa sĩ tiếp tục đưa triển lãm đến nhiều quốc gia hơn, đa dạng nơi trưng bày như bảo tàng, viện mỹ thuật, phòng triển lãm... để đông đảo mọi người có thể tiếp cận nghệ thuật và quan tâm hơn đến trẻ em thiệt thòi.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc Park hyejin khẳng định: “Văn hóa, nghệ thuật là chiếc cầu vô hình kết nối những con người xa lạ lại gần với nhau vượt qua mọi rào cản hữu hình vốn có. Triển lãm lần này có ý nghĩa đặc biệt bởi chính những con người tạo nên nó. Đó là những cánh bướm biết nói của các em nhỏ khuyết tật, tự kỷ... dưới sự hướng dẫn của họa sĩ đầy tâm huyết Hàn Quốc. Tôi hy vọng rằng những cánh bướm trong triển lãm này sẽ tạo nên những điều diệu kỳ kết nối những trái tim đồng điệu Việt - Hàn thêm gần gũi hơn nữa”.

Thảo Nguyên