60 năm ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19.5.1959 - 19.5.2019)

Những bông hồng thép

- Thứ Sáu, 17/05/2019, 08:19 - Chia sẻ
Ký ức hào hùng về đường Trường Sơn, về những con người làm nên huyền thoại nửa thế kỷ trước đang được tái hiện sống động trong triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn” khai mạc ngày 16.5, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Cùng với các kỷ vật và tư liệu, câu chuyện của những nữ chiến sĩ Trường Sơn được chia sẻ chân thực, cho thấy sự bền bỉ của ý chí, khát vọng của tuổi trẻ và cả những hồn nhiên của đời thường.

Khát vọng tuổi trẻ

Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn, Đá mòn mà đôi gót không mòn. Ta đi nhằm phương Nam gió ngàn đưa chân ta về quê hương, quân về trong gió đang dâng triều lên. Máu thắm đường ta đi lẫn mồ hôi rơi tình quê tha thiết, ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình… Những lời ca đi cùng năm tháng của đội văn nghệ Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn đã gợi nhớ về thời hào hùng của dân tộc, lớp lớp những người con từ mọi miền Tổ quốc xung phong ra trận mang theo khát vọng tuổi trẻ. Một phần trong số họ đã sống và chiến đấu trên tuyến lửa Trường Sơn và cũng chính họ đã tạo nên con đường huyền thoại: Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.


Hai chị em bà Trần Thị Hoa, Trần Thị Xuân tại triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn”

Không thể không nhắc đến hơn hai vạn nữ chiến sĩ từ khắp các địa phương trong cả nước tình nguyện trực tiếp đóng góp công sức chiến đấu, đánh đổi cả tuổi trẻ. Họ là những nữ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, bộ đội thông tin, giao liên, quân y, văn công, lái xe, nhà văn, nhà báo, công binh… Trên tuyến lửa Trường Sơn, nhiều cái tên huyền thoại đã ra đời, như mười cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc; Tiểu đoàn nữ chiến sĩ Trưng Trắc của tỉnh Hà Tây; Đội nữ lái xe mang tên nữ anh hùng quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Hạnh, Tiểu đoàn Vận tải 232 thuộc Cục hậu cần Quân khu V...; hay những cái tên bất tử như Hồ Kha Lịch, La Thị Tám, Nguyễn Thị Huấn, Hồ Thị Thu Hiền, Đinh Thị Thu Hiệp...

“Như thước phim tua lại thời gian, những hình ảnh và tư liệu về tuyến đường Trường Sơn cho thấy sự bền bỉ của ý chí, sức mạnh của trái tim, khát vọng của tuổi trẻ và cả những hồn nhiên của đời thường của các nữ chiến sĩ Trường Sơn”, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Hải Vân cho biết. Với 3 chủ đề: Dấu ấn một huyền thoại, Những bông hồng thép, Phía sau cuộc chiến, triển lãm giúp công chúng hiểu hơn về một lực lượng đặc biệt - những cô gái trên đường Trường Sơn “vai trăm cân, chân ngàn dặm”.

Kiêu hãnh Trường Sơn

Các nữ chiến sĩ Trường Sơn như được quay ngược thời gian trở về chiến trường xưa với những con đường trải thảm lá khô, những vách núi, cây dây leo, những kỷ vật thân thuộc trong cuộc sống và chiến đấu ở chiến trường đầy gian khổ. Bà Dương Thị Thơm, Đội 25, C4, làm con đường 20 Quyết Thắng nhớ lại: “16 tuổi nhưng không điều gì làm tôi run sợ, cứ nghĩ sống thì xanh cỏ, chết thì đỏ ngực. Từ công việc cấp dưỡng, chuyển qua làm đường đến giao liên tôi đều gắng sức mình, đến giờ cũng không hiểu nổi tại sao mình lại vượt qua được những ngày tháng ấy”.

Đối mặt với mưa bom bão đạn nhưng “những bông hồng thép” trên đường Trường Sơn còn có những nỗi sợ khác, rất nữ tính, như câu chuyện của bà Nguyễn Thị Oanh, C22, E529, F472, bộ đội công binh, Binh đoàn 559, sợ vắt, sợ ma, sợ rụng tóc, sợ ghẻ lở... Cựu nữ thanh niên xung phong Trần Thị Xuân, thành viên Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn chia sẻ về tấm ảnh năm 17 tuổi của bà và lời nhắn gửi cho mẹ khi ra chiến trường: “Mẹ ơi, chiến trường ác liệt quá, điều kiện khó khăn, thiếu thốn, con không thể giữ được mái tóc như mẹ đã dặn. Con gửi mẹ giữ hộ con mái tóc này, khi nào hết chiến tranh con sẽ về và xin lại, mẹ cất hộ con nhé”.

Đơn vị của nữ quân y Trần Thị Xuân được sắp xếp hỗ trợ thương, bệnh binh Sư đoàn 320, 304 và Trung đoàn 66. Có những ngày thương binh về nhiều, những cô gái chưa đến đôi mươi phải trực 24/24 tiếng. Họ không có thời gian để ngơi nghỉ, thậm chí phải thay nhau ăn giữ sức để kịp đón thương binh về từ chiến trường trong điều kiện vô vàn thiếu thốn. Bà Trần Thị Xuân vào chiến trường năm 1967, đến năm 1973 bị thương phải chuyển ra Bắc thì gặp em gái trên đường vào chiến trường. “Chúng tôi khóc như mưa, tưởng như không dứt được lúc gặp nhau tại đỉnh đèo 1.500 ở Binh trạm 36 đường Trường Sơn. Song chúng tôi vẫn cố gắng mạnh mẽ và gan góc, vượt qua gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ”, bà Trần Thị Hoa, em gái bà Xuân chia sẻ.

Trung đội phó Trung đội nữ công binh Dương Thị Trình tự hào nhắc lại sự kiện Trung đội vinh dự được Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ghé thăm ngay tại tọa độ lửa đèo Phu La Nhích tháng 3.1973 và đặt tên cho Trung đội là “Trung đội nữ công binh thép”. Sau chuyến thăm đó, Đại tướng còn gửi một bao tải quả bồ kết, 1 súc vải màn và 100 bánh xà phòng tặng toàn thể chị em của Trung đội. 30 năm sau, Đại tướng nhắn tin tìm Trung đội trên truyền hình và nhiều cô đã vỡ òa hạnh phúc khi được ra Hà Nội thăm ông...

Chiến tranh đã lùi xa, những cô gái năm xưa như bà Thơm, bà Xuân, bà Hoa, bà Trình và những đồng đội bước ra từ cuộc chiến vẫn tiếp tục đóng góp sức mình cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Người tiếp tục làm bác sĩ quân y, người làm công nhân, hay trở thành doanh nhân thành đạt… Song dù ở cương vị nào, trong họ vẫn tỏa sáng một niềm kiêu hãnh Trường Sơn.

Hương Sen